Năm 1995, sau biến cố gia đình, chị Trần Thị Phượng và con trai 3 tuổi chuyển vào sinh sống ở tổ dân phố Nghĩa Lập 5, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương. Chị vốn là giáo viên, thời gian đầu chưa xin được việc phải xoay xở làm thuê làm mướn đủ thứ để nuôi con...
|
Thân nhân chụp hình lưu niệm cùng các chiến sỹ |
Năm 1995, sau biến cố gia đình, chị Trần Thị Phượng và con trai 3 tuổi chuyển vào sinh sống ở tổ dân phố Nghĩa Lập 5, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương. Chị vốn là giáo viên, thời gian đầu chưa xin được việc phải xoay xở làm thuê làm mướn đủ thứ để nuôi con. Sau này xin được dạy hợp đồng ở xã Lạc Lâm, hàng ngày đạp xe cách nhà hơn 10km để đi làm. Lương chẳng được bao nhiêu nhưng yêu nghề nên chị cố gắng bền bỉ…
Sau bao nhiêu nỗ lực phấn đấu, chị đã được chuyển biên chế chính thức, năm 2003 được bổ nhiệm làm Hiệu phó Trường Tiểu học Ka Đô 2, nhiều năm được bầu là chiến sỹ thi đua cơ sở. Cháu Phùng Ngọc Giang đã không phụ lòng mẹ, chăm ngoan học giỏi, năm 2010 thi đậu vào Trường sỹ quan Lục quân 2. Mới tốt nghiệp ra trường, đầu năm 2015 được điều động ra Trường Sa, giữ chức vụ phân đội trưởng tăng, đảo Sinh Tồn, một trong 9 đảo phía bắc (cụm 2) thuộc quần đảo Trường Sa. Nơi đây cách đảo Gạc Ma (bị Trung Quốc chiếm đóng năm 1988) chỉ trong tầm mắt nên các lực lượng trên đảo luôn phải đề cao cảnh giác, trực chiến 24/24 giờ.
Hè qua, bất ngờ nhận được thư mời của Vùng 4 Hải quân ra thăm đảo, chị mừng quá, không ngờ được gặp con sớm vậy. Đã nhiều lần khăn gói đi thăm con nhưng chuyến đi này làm chị háo hức nhất và để lại nhiều kỷ niệm đáng nhớ nhất. Chị đã chuẩn bị rất nhiều quà đặc sản Đà Lạt như actiso, mứt, mật dâu, rau, thêm cả buồng chuối sau nhà cũng mang đi nốt. Sốt sắng là vậy nhưng xuống TP Hồ Chí Minh, chị và thân nhân cán bộ, chiến sỹ Trường Sa còn phải đợi thêm 2 ngày để làm các thủ tục khám sức khỏe, học nội quy và nhiều công tác chuẩn bị khác. Chi tiết về hành trình chuyến đi tuyệt đối được giữ bí mật, chị chỉ biết đợt này có 2 tàu ra Trường Sa, một tàu đi cụm đảo phía nam, một tàu đi cụm đảo phía bắc.
Điều kiện trên tàu khá tiện nghi, mỗi người được bố trí một giường chiến sỹ vừa đủ nằm. Nhưng chẳng ai nằm yên, chốc chốc lại lên boong tàu ngóng về phía xa chân trời. Lênh đênh trên biển 6 ngày, tàu cập bến đảo gần nhất là Song Tử Tây. Ở lại một đêm, tàu tiếp tục hành trình. Thông thường đảo có âu tàu, nếu biển lặng thì tàu cập bến rất thuận lợi, nhưng nếu biển động, tàu không vào gần đảo được (sóng ở bờ rất lớn) phải dùng ca nô đưa từng người rất lâu và rất nguy hiểm. Chị và mọi người sốt ruột lắm, mong từng ngày từng giờ gặp người thân, phần vì lo nếu lâu ngày quà hư hết. Con trai chị ở đảo Sinh Tồn theo thứ tự là thứ 8 nên phải chớ khá lâu mới tới lượt, còn đảo Đá Lớn ở cuối cùng còn phải chờ lâu hơn. Cũng may ban tổ chức đã linh hoạt đưa đón, đảm bảo người nhà được ở lại đảo ít nhất là 5 ngày.
Đến đảo chị mới thấy nhiều điều không như suy nghĩ và tưởng tượng của mình. Đầu tiên là thằng con trai mới ra đảo gần năm mà rắn rỏi, chững chạc hẳn, đón mẹ ở cầu tàu miệng cười roi rói (thế mà chị cứ tưởng nó sẽ khóc khi gặp mẹ như hồi còn đi học). Đến bữa ăn cũng đầy đủ món thịnh soạn như ở đất liền. Các món hải sản là do anh em đánh bắt được hoặc tàu cá dân cho, riêng thịt heo và đậu phụ, rau mầm và bún là sản phẩm tăng gia sản xuất của bộ đội trên đảo. Lúc ở trên tàu cứ lo đảo nhỏ không có chỗ ngủ nhưng thực tế đảo có nhà khách rất đàng hoàng, trong 22 khách thì 4 ông bố được bố trí 1 phòng, 3 bà mẹ 1 phòng, còn các cặp vợ chồng được ưu tiên 1 phòng riêng hẳn hoi. Trên đảo cũng đông đúc nhộn nhịp, có đủ người lớn trẻ con như khu phố chị ở. Tranh thủ thời gian rảnh rỗi, hai mẹ con đi thăm trụ sở ủy ban, trường học, nhà chùa, bệnh xá... Bệnh xá ở đảo có bác sỹ và được trang bị phòng mổ khá hiện đại, hôm rồi mới mổ thành công một ca đau ruột thừa.
Lúc có hai mẹ con, chị có hỏi Giang chuyện vợ con tính sao? Giang nói đợi sau này ổn định rồi mới lập gia đình. Phùng Ngọc Giang còn nói với chị: “Con sẽ tìm một người vợ ngoan hiền ở ngay Đơn Dương nhà mình rồi sinh vài đứa con để bà có cháu, có người hàn huyên đỡ cô quạnh lúc tuổi già”. Cái thằng, sau bao ngày xa cách nó vẫn chu đáo, hiểu được sâu thẳm lòng mẹ. Chị nghĩ, cuộc đời mình được như thế là mãn nguyện rồi, sau bao sóng gió cuộc đời, thì những phút ở bên con lúc này là cảm thấy yên bình nhất, hạnh phúc nhất. Ngẫm lại chặng đường hai mẹ con đi qua, chẳng có gì là bằng phẳng cả nhưng chị tự hào đã vượt qua được tất cả. Những người trên đảo này có lẽ cũng vậy, đất nước mình cũng vậy.
Qua chuyến đi này, chị muốn cảm ơn sự quan tâm của Quân chủng Hải quân, những tình cảm quý mến của cán bộ, chiến sỹ đã dành cho chị và những người thân. Chị rất vui và nhớ mãi khoảnh khắc quý giá đó.
XUÂN NGỌC