CNVC-LĐ với chương trình an toàn giao thông

08:11, 10/11/2015

Bà Mai Lương Anh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Lâm Đồng, cho biết: "Trong 5 năm 2011 - 2015, LĐLĐ tỉnh luôn xác định công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông (ATGT) cho công nhân viên chức, lao động (CNVC-LĐ) là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của tổ chức CĐ. 

Bà Mai Lương Anh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Lâm Đồng, cho biết: “Trong 5 năm 2011 - 2015, LĐLĐ tỉnh luôn xác định công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông (ATGT) cho công nhân viên chức, lao động (CNVC-LĐ) là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của tổ chức CĐ. Hàng năm, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đều xây dựng các kế hoạch và hướng dẫn để triển khai công tác tuyên truyền nhằm đảm bảo trật tự ATGT trong CNVC-LĐ và cũng đã ban hành nhiều công văn đôn đốc việc thực hiện đối với các cấp CĐ trong tỉnh”. 
 
Về phía các cấp CĐ trong tỉnh, cũng hàng năm đã không ngừng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cán bộ CĐ, đoàn viên, CNVC-LĐ của tổ chức CĐ trong cơ quan, đơn vị mình về vấn đề ATGT. Các nội dung tuyên truyền về ATGT của LĐLĐ tỉnh và các cấp CĐ trong tỉnh trong những năm qua đã tập trung vào một số nội dung cụ thể như vấn đề pháp luật về ATGT đường bộ, trật tự ATGT, văn hóa giao thông, vấn đề đội mũ bảo hiểm, tác hại của tai nạn giao thông, những ảnh hưởng tiêu cực do vi phạm trật tự ATGT mang lại... Về hình thức tuyên truyền cũng khá đa dạng như cấp phát tờ rơi, cung cấp sổ tay tuyên truyền, mở các lớp tập huấn... “Đáng kể là các cấp CĐ trong tỉnh đã có nhiều hình thức tuyên truyền mang lại kết quả khả quan như lồng ghép các buổi sinh hoạt CĐ, các hội diễn, hội thi... với nội dung tuyên truyền về ATGT như “Đoàn viên CĐ với Luật Giao thông đường bộ”, “CNVC-LĐ với văn hóa giao thông”... nên người lao động dễ nắm bắt vấn đề hơn, thu hút được sự quan tâm của đội ngũ CNVC-LĐ cao hơn” - bà Mai Lương Anh cho biết thêm.
 
Theo số liệu thống kê của LĐLĐ tỉnh: Trong 5 năm từ 2011 - 2015, tổ chức CĐ cấp tỉnh đã cấp phát hơn 40.000 tờ rơi và tài liệu tuyên truyền cho CNVC-LĐ trong tỉnh; tổ chức được 21 hội nghị tuyên truyền pháp luật về ATGT cho hơn 20.000 lượt công nhân và người lao động thuộc các doanh nghiệp ngoài nhà nước. Các LĐLĐ địa phương và CĐ ngành trong thực tế cũng đã thường xuyên theo dõi việc chấp hành pháp luật về ATGT của cán bộ, đoàn viên trong đơn vị; đôn đốc các CĐ cơ sở tổ chức ký cam kết không vi phạm trật tự ATGT giữa CĐ và thủ trưởng cơ quan, đơn vị; đưa tiêu chí về chấp hành trật tự ATGT vào việc chấm điểm cá nhân và bình xét thi đua cuối năm. Đặc biệt, hưởng ứng tháng ATGT hàng năm do Ban ATGT quốc gia phát động, LĐLĐ tỉnh luôn có các văn bản hướng dẫn LĐLĐ các huyện và thành phố và tổ chức CĐ các cấp về việc thực hiện để sao cho giảm thiểu đến mức thấp nhất những vi phạm trật tự ATGT liên quan đến CNVC-LĐ trong tỉnh. Đặc biệt, việc xây dựng văn hóa giao thông gắn với cuộc vận động xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa trong những năm qua của tổ chức CĐ đã không những góp phần đáng kể vào việc giảm các vụ vi phạm về ATGT liên quan đến người lao động mà còn giúp cho đội ngũ CNVC-LĐ nâng cao nhận thức về vấn đề này. Cụ thể, đó là các nội dung mà cán bộ, đoàn viên, CNVC-LĐ phải thực hiện như không uống rượu bia vào các buổi trưa trong các ngày làm việc, không điều khiển phương tiện khi đã sử dụng rượu bia; đội mũ bảo hiểm đúng quy định khi tham gia giao thông; không lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè, hành lang ATGT, hạn chế tai nạn giao thông trong các khu dân cư...
 
Trong thời gian tới, tổ chức CĐ các cấp trong tỉnh tiếp tục xác định công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự ATGT trong tổ chức của mình vẫn là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Tin rằng, với sự quyết tâm cao của LĐLĐ tỉnh và tổ chức CĐ các cấp trong tỉnh, hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đoàn viên và CNVC-LĐ trong tham gia giao thông sẽ đạt được những kết quả cao hơn.
 
Khắc Dũng