Về "gieo chữ" tới bà con thôn Kon Măng nghèo khó ở xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà là điều mà cô giáo trẻ Đàm Thị Hồng (25 tuổi) chưa từng định trước. Nhưng cái duyên tình cờ ấy đã cho cô những trái ngọt đầu tiên của cuộc đời là tình cảm yêu thương, quý trọng...
Về “gieo chữ” tới bà con thôn Kon Măng nghèo khó ở xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà là điều mà cô giáo trẻ Đàm Thị Hồng (25 tuổi) chưa từng định trước. Nhưng cái duyên tình cờ ấy đã cho cô những trái ngọt đầu tiên của cuộc đời là tình cảm yêu thương, quý trọng của bao bà con chân chất bên dòng Đa Sê Đăng.
|
Cô giáo Hồng giảng dạy tại lớp xóa mù Kon Măng |
Gian nan “gieo” con chữ
Bước qua những ngày gian khó, Tân Thanh hôm nay bạt ngàn cà phê, mơn mởn dâu tằm và những vùng trũng trĩu bông lúa nước… Bà con nơi đây giờ đã đỡ “đói” cái bụng, nhưng vẫn còn “khát” con chữ. Ông Nguyễn Hải Quân - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thanh nói rằng: Hiện toàn xã có khoảng hơn 200 người mù chữ. Bởi thế mà cuộc chiến chống “giặc dốt” đã trở thành nhiệm vụ hàng đầu ở Tân Thanh. Và trong cuộc chiến ấy có sự tham gia của những thanh niên trong Đội sản xuất số 3 thuộc Đoàn Kinh tế - Quốc phòng Lâm Đồng.
Cô giáo Đàm Thị Hồng, người dân tộc Tày, tốt nghiệp ngành Quản lý giáo dục Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh năm 2014. Sau những ngày loay hoay tìm việc làm cô đã xin về Đoàn Kinh tế Quốc phòng và được phân công về chủ nhiệm lớp xóa mù thôn Kon Măng. Đó là bục giảng đầu tiên cho cô giáo trẻ bước vào nghiệp giáo.
Từ ao cá lên rẫy cà phê, Hồng vừa đi vừa say sưa “khoe” với chúng tôi thành tích ở lớp xóa mù Kon Măng. Lớp học được mở vào khoảng đầu năm 2015 và những ngày đầu cô giáo cũng phải “đi từng ngõ, gõ từng nhà” như bao lớp học vùng sâu khác. Trên chiếc xe máy cũ, cô giáo Hồng đã đi khắp buôn giúp bà con xóa đi suy nghĩ “Lớn rồi, đi học xấu hổ lắm”, “Đi làm rẫy xa, cả tháng mới về, không có thời gian”, “Phải lo làm ăn đã, chứ ăn chưa đủ thì học làm gì”… Những ngày đi vận động và cả những đêm đến lớp giảng bài, gió núi, sương giăng, mưa lớn nước chảy xuống đường như lũ quét… hầu như cô gái trẻ này đều đã trải qua. Khi lớp có 35 học sinh và chẳng mấy khi có ai vắng học thậm chí còn có thêm nhiều thành viên đặc biệt: Là chị K’Giỏi đi học nhưng vẫn địu cậu con trai vừa tròn tuổi trên lưng; là vợ chồng anh Ja Phúc - chị Ka Em, dù mới sinh con được 3 tháng, nhưng đêm nào hai vợ chồng cũng mang con tới lớp, vừa học vừa thay nhau chăm con. Hồng kể: “Có nhiều bà mẹ địu con đi học, giữa giờ học vẫn hồn nhiên cho con bú. Thú thật mình thấy ngại lắm. Nhưng lâu dần thấy cũng quen, giờ mấy đứa bé có khi còn để cho mình bế khi mẹ bận luyện chữ nữa đấy”.
Lúc còn là sinh viên, có giàu trí tưởng tượng đến mấy chắc Hồng cũng không nghĩ rằng mình sẽ trải qua những hoàn cảnh như vậy. Và những bài học ở giảng đường cũng thật khác so với thực tế ngày hôm nay. Hồng nói: “Bà con đi học phần lớn là người hơn tuổi mình nên khi dạy, mình phải chú ý trong cách ăn nói, làm sao để khuyến khích họ cố gắng vươn lên trong học tập mà không làm họ cảm thấy xấu hổ và mặc cảm”.
Và hạt đã nảy mầm
Mang cuốn vở vừa viết hết ra khoe, chị Ka Ré (40 tuổi) cười nhớ lại, “3 ngày đầu đi học mình không viết nổi chữ O. Cô dạy “O tròn như quả trứng gà ấy chị nhé”, nhưng mình vẫn không viết được. Cô giáo cầm tay đưa chữ. Mà tay mình cứng lắm, tay cô giáo thì vừa nhỏ nhắn vừa mềm nên có hôm cô đưa tay cho mình mà đổ cả mồ hôi. Giờ mình viết được rồi”. Và không riêng gì chị Ka Ré mà nhiều bàn tay chai cứng bởi quanh năm bên nương rẫy nay cũng đã mềm mại viết chữ nhờ bàn tay của cô giáo Hồng. Trong lớp xóa mù Kon Măng có 4 cặp vợ chồng cùng đi học, cô giáo Hồng đã chia họ thành những “đôi bạn cùng tiến” để thi đua với nhau. Nhờ vậy mà các cặp vợ chồng đều tiến bộ rất nhanh.
Hôm chúng tôi vào Đội sản xuất số 3 cũng là ngày K’Đọt (6 tuổi) lên thăm cô giáo và khoe “đi học vui lắm, cô giáo khen em học giỏi nhất lớp đấy”. Hồi bé, K’Đọt không có giấy khai sinh, nên em không đi học mẫu giáo. Và những chữ cái đầu tiên Đọt thấy trong cuộc đời này chính là từ nét phấn của cô giáo Hồng.
Học sinh “đặc biệt”, nên giáo án lên lớp của cô giáo Hồng cũng chẳng giống ai. Cô dạy bắt đầu từ những thứ gần gũi xung quanh cuộc sống bà con. Hồng tâm sự: “Ban đầu, mình không biết tiếng của bà con nên vừa thường xuyên vào buôn thăm, động viên bà con đi học vừa tranh thủ học tiếng đồng bào để nói cho bà con dễ hiểu”. Có lẽ cũng vì vậy mà trong phòng của cô giáo Hồng ở Đội sản xuất số 3 có rất nhiều những tờ giấy ghi chú trên tường với những dòng chữ như rpu là con trâu, hiu là nhà, lot mir là đi rẫy, sa piăng là ăn cơm…
Đại úy Hà Bình Khiêm - Đội trưởng đội sản xuất số 3, cho biết: Ngoài các hoạt động giảng dạy kiến thức cô Hồng còn tổ chức các hoạt động vui chơi, ca hát để bà con tăng cường tình đoàn kết. Vì thế mà bà con thêm quý cô giáo và cả mấy anh em trong đội nữa.
Các đồng chí lãnh đạo xã lần nào ghé thăm Đội sản xuất số 3 cũng hỏi “cô giáo đâu rồi, bà con cứ nhắc cô giáo mãi đấy”. Câu chuyện của họ làm tôi thêm hiểu những ngày đầu đi dạy, Hồng không thể nhớ hết tên học trò. Thế nhưng bây giờ cô giáo Hồng đã có thể đọc hết tên của vợ chồng và con cái của các học sinh trong lớp.
Trẻ, đẹp và đầy nhiệt huyết, cô giáo Hồng như bông hoa nở rộ, tỏa hương giữa đại ngàn. Tháng 12 này, lớp học sẽ hoàn thành, quá trình “gieo chữ” như đến ngày “thu hoạch” trên đất Kon Măng. Tương lai còn nhiều điều chưa nói trước, nhưng hiện tại, với cô giáo Hồng, đó là hạnh phúc.
Ngọc Ngà