Đà Lạt xây dựng đời sống văn hóa hướng tới thành phố du lịch - văn minh - thân thiện

05:11, 11/11/2015

Thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" (TDĐKXDĐSVH), 15 năm qua, UBND TP. Đà Lạt luôn nhận thức sâu sắc là phong trào có tính chất toàn dân, toàn diện, lâu dài, thường xuyên, liên tục tác động đến tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội...

Thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH), 15 năm qua, UBND TP. Đà Lạt luôn nhận thức sâu sắc là phong trào có tính chất toàn dân, toàn diện, lâu dài, thường xuyên, liên tục tác động đến tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Đồng thời, là động lực to lớn để phát huy dân chủ, tự quản của cộng đồng dân cư, từng cơ quan, đơn vị, trường học trong công cuộc xây dựng, phát triển Đà Lạt trở thành thành phố du lịch - văn minh - thân thiện. Vì vậy, công tác lãnh, chỉ đạo và tổ chức thực hiện phong trào được các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể phối hợp triển khai đồng bộ. Trong quá trình triển khai, Ban chỉ đạo chú trọng kết hợp giữa chỉ đạo điểm với nhân diện rộng, xây dựng mô hình, tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm, thi đua khen thưởng đưa phong trào đi vào chiều sâu. 
 
Trồng hoa theo hướng công nghệ, làng hoa Thái Phiên (phường 12, Đà Lạt) đang thu hút các địa phương, du khách tới học tập, tham quan
Trồng hoa theo hướng công nghệ, làng hoa Thái Phiên (phường 12, Đà Lạt) đang thu hút các địa phương, du khách tới học tập, tham quan

CHÚ TRỌNG XÂY DỰNG GƯƠNG NGƯỜI TỐT, VIỆC TỐT, ĐIỂN HÌNH TIÊN TIẾN
 
Thực hiện Chỉ thị 39 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến, phong trào thi đua “Xây dựng gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến” ở Đà Lạt được chỉ đạo, phối hợp triển khai đạt hiệu quả bằng nhiều biện pháp, cách làm phong phú, gắn kết với các phong trào thi đua yêu nước khác nhằm thúc đẩy hoàn thành nhiệm vụ chính trị. 15 năm qua, thành phố phát hiện và tôn vinh 11.698 gương “người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến” ở các ngành, các giới, thành phần, lứa tuổi, các lĩnh vực. Mặc dù xuất phát điểm, vị trí xã hội khác nhau nhưng các gương sáng, điển hình tiên tiến bằng tinh thần trách nhiệm cộng đồng, nêu cao vai trò, trách nhiệm để hoàn thành nhiệm vụ; chủ động tích cực tham gia công tác xã hội, nhân đạo từ thiện, giúp đỡ bà con nghèo vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, thực hiện đạt hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương, cơ quan, đơn vị.
 
Thành phố phát động và tổ chức thực hiện trên cả bề rộng lẫn chiều sâu các phong trào thi đua. Phong trào thi đua “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của tuổi trẻ xuất hiện nhiều gương đoàn viên, thanh niên vượt khó vươn lên trong học tập, nghiên cứu khoa học, xung kích vì cộng đồng, lập thân, lập nghiệp, xây dựng và bảo vệ thành phố. Phong trào thi đua “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” xuất hiện nhiều gương điển hình với tinh thần sáng tạo, lao động cần cù, luôn chịu khó tìm tòi, học hỏi các phương pháp kỹ thuật sản xuất tiên tiến, tư vấn cho các hộ nông dân áp dụng KHKT vào sản xuất nông nghiệp. Qua đó đem lại hiệu quả sản xuất cao, cung cấp các loại rau sạch, hoa cao cấp phong phú và đa dạng, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần làm nên thương hiệu rau, hoa Đà Lạt nổi tiếng trong và ngoài nước. 
 
ĐOÀN KẾT GIÚP NHAU PHÁT TRIỂN KINH TẾ; XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA; XÂY DỰNG GIA ĐÌNH, KHU DÂN CƯ VĂN HÓA
 
Thông qua nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, Đà Lạt vận động nhân dân đẩy mạnh việc đoàn kết giúp đỡ nhau phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, ngành nghề, dịch vụ, thành lập HTX nông nghiệp, tham gia tạo việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống. Toàn thành phố đã tổ chức trên 1.480 lớp chuyên đề ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp; 570 cuộc hội thảo, 510 điểm trình diễn; 43 đợt tham quan các mô hình SXKD; 251 buổi tọa đàm về mô hình liên kết trong kinh doanh, duy trì hoạt động 24 Câu lạc bộ IBM, Câu lạc bộ sinh học… với gần 74.320 lượt người tham gia. Xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình hoạt động hiệu quả trong huy động, trợ vốn giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng của các chi hội ở các khu dân cư với tổng số tiền hàng trăm tỷ đồng. Hỗ trợ hàng trăm ngàn cây, con giống các loại, ngày công, giúp trên 10 ngàn hội viên nghèo phát triển sản xuất, ổn định đời sống (đến nay, tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 0,3%, đồng bào DTTS 0,5%).
 
Trong phong trào “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, hoặc do dân tự làm để xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở, chỉnh trang đô thị, nhân dân đóng góp hàng trăm tỷ đồng cùng nhà nước xây dựng 156 công trình phục vụ lợi ích công cộng. Sửa chữa, cải tạo, nâng cấp xây dựng mới 86 hội trường khu phố, thôn; đóng góp hơn 31.560 ngày công nâng cấp 123.95km đường giao thông nông thôn, đường nội bộ khu dân cư; tổ chức 2.567 lần “Ngày chủ nhật xanh, sạch, đẹp”, góp phần cho thành phố được công nhận là 1/10 đô thị sạch trong cả nước, chào mừng các sự kiện chính trị lớn của Đà Lạt, Lâm Đồng và quốc gia…
 
Qua 20 năm triển khai cuộc vận động “TDĐKXDĐSVH ở khu dân cư” cũng như thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH, công tác xây dựng khu dân cư văn hóa từng bước phát triển cả về số lượng và chất lượng. Năm 2001, Đà Lạt có 4/108 khu phố, thôn được đặc cách công nhận khu dân cư văn hóa cấp tỉnh (tỷ lệ 2,35%); năm 2002 đã có 16 khu (14,95%); năm 2009 có 88 khu (81,5%), 5 xã, phường (2, 3, 9, 10 và xã Xuân Thọ) có 100% khu dân cư đạt chuẩn văn hóa (31,25%); hướng dẫn 6 phường, xã tổ chức lễ phát động xây dựng xã, phường đạt chuẩn văn hóa. Đến năm 2014 có 245/249 thôn, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa; 10/12 phường (P1, 2, 3, 4, 5, 6, 8, 9, 10, 11) đạt chuẩn văn minh đô thị, xã Xuân Thọ và Trạm Hành đạt chuẩn xã văn hóa nông thôn mới. Việc đăng ký, bình xét, công nhận Gia đình văn hóa hàng năm được sự đồng thuận thống nhất cao của cộng đồng dân cư, có tác động tích cực đến việc các phong trào thi đua khác để xây dựng gia đình ấm no, hòa thuận, khỏe mạnh, tiến bộ, hạnh phúc. Số lượng Gia đình văn hóa hàng năm tăng: năm 2000 có trên 14.500 hộ được công nhận gia đình có cuộc sống mới, đến năm 2014 có gần 37.300 hộ Gia đình văn hóa (91,5%) là nền tảng vững chắc cho phong trào. Vừa qua, Đà Lạt đã có quyết định khen thưởng 16 tập thể, 19 cá nhân có thành tích trong phong trào; đồng thời hướng dẫn các phường 7, 12 và xã Tà Nung, Xuân Trường phấn đấu được công nhận “xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”. 
 
Tuy đạt một số kết quả nền tảng nhưng việc thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH ở Đà Lạt cũng còn một số hạn chế cần sớm khắc phục: Công tác phối hợp có nơi, có lúc thiếu nhất quán, đồng bộ giữa các thành viên trong Ban chỉ đạo, Ban vận động để tạo sức mạnh tổng hợp trong vận động đoàn viên, hội viên, CBCC tham gia xây dựng khu phố, thôn văn hóa. Ban chỉ đạo các cấp xây dựng quy chế hoạt động nhưng còn thành viên chưa kết nối hoạt động chuyên môn của đơn vị mình với việc tạo điều kiện, hỗ trợ, tác động thúc đẩy xây dựng khu dân cư văn hóa ở cơ sở. Việc bình xét hộ nghèo và có biện pháp cụ thể hỗ trợ cho các hộ vươn lên thoát nghèo bền vững còn lúng túng, bất cập. Tổ chức và hoạt động của một số chi đoàn, chi hội ở khu dân cư có nơi còn hình thức chưa thực sự là nòng cốt phong trào. Số khu phố, thôn không có quỹ đất xây dựng hội trường hoặc có nhưng cần phải sửa chữa nâng cấp, bổ sung để trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa còn nhiều. Đầu tư thiết chế sinh hoạt văn hóa chưa đáp ứng yêu cầu. Việc thành lập, tổ chức các hoạt động của các loại hình CLB, nhất là CLB Gia đình văn hóa chưa được quan tâm đầu tư. Ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, thực hiện nếp sống văn minh đô thị, từng bước xây dựng môi trường thân thiện trong nhân dân, trong xã hội tuy có chuyển biến tích cực nhưng cảnh quan một số nơi chưa thật sự xanh, sạch, đẹp… Do vậy, thời gian tới, đòi hỏi phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của cấp ủy Đảng và sự hỗ trợ, tạo điều kiện về mọi mặt của các cấp chính quyền. Cần tiếp tục quán triệt sâu rộng tinh thần Nghị quyết TW 5 (khóa VIII), Nghị quyết TW 7 (khóa IX), chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác đại đoàn kết toàn dân tộc nói chung và phong trào “TDĐKXDĐSVH” nói riêng trong hệ thống chính trị; về mục tiêu, ý nghĩa, nội dung và lợi ích thiết thực nhằm huy động tối đa mọi nguồn lực xã hội cùng tham gia phong trào.
 
LAN HỒ