Hội thi Sáng tạo kỹ thuật (Hội thi) được tổ chức 2 năm một lần được xem là "sân chơi" bổ ích dành cho mọi đối tượng có niềm đam mê nghiên cứu sáng tạo, sáng kiến cải tiến kỹ thuật trên địa bàn toàn tỉnh tham gia.
Hội thi Sáng tạo kỹ thuật (Hội thi) được tổ chức 2 năm một lần được xem là “sân chơi” bổ ích dành cho mọi đối tượng có niềm đam mê nghiên cứu sáng tạo, sáng kiến cải tiến kỹ thuật trên địa bàn toàn tỉnh tham gia. Qua 7 lần tổ chức Hội thi sáng tạo kỹ thuật, đến nay đã có 227 giải pháp sáng tạo kỹ thuật tham dự, trong đó có 72 giải pháp đoạt giải cấp tỉnh, 7 giải pháp xuất sắc đoạt giải toàn quốc trên các lĩnh vực như: công nghệ thông tin, điện tử viễn thông; cơ khí tự động hóa, xây dựng, giao thông vận tải; nông ngư nghiệp, tài nguyên, môi trường; giáo dục và đào tạo… Chỉ tính riêng Hội thi Sáng tạo kỹ thuật lần thứ 7 (2014-2015), Ban tổ chức đã nhận được 101 giải pháp của 121 tác giả tham dự; nhiều giải pháp tham dự đã và đang được áp dụng vào sản xuất và đời sống, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao. Trong đó, phải kể đến giải pháp “Máy sấy nông sản NK700 sử dụng công nghệ nhiệt sinh khối” của tác giả Đặng Văn Bảy, thôn 14, Hòa Ninh (Di Linh) đoạt giải Nhì (không có giải Nhất) đã được ứng dụng vào thực tiễn mang lại năng suất, hiệu quả cao trong việc sấy các loại nông sản. Với giải pháp này, đối với cà phê tươi, trong khoảng thời gian từ 12-15 tiếng thì sấy được khoảng 3 tấn cà phê tươi/1 lần sấy; đối với các loại nông sản khác, với thời gian từ 6-8 tiếng sẽ được 2,5 tấn/1 lần sấy, trong khi đó điện năng tiêu thụ khoảng 50kWh điện. Loại máy này có ưu điểm là không tạo khói, không thải khí độc ra môi trường, đảm bảo cho sản phẩm sấy đạt chất lượng cao phục vụ nội tiêu và xuất khẩu, đặc biệt là áp dụng được cho rất nhiều loại nông sản cần sấy tại địa phương.
|
Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Ngọc Liêm tặng Giấy khen cho tác giả đoạt giải Nhất Cuộc thi lần thứ 11 |
Bên cạnh đó, Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng (Cuộc thi) ở độ tuổi từ 6 đến 19 tuổi được Liên hiệp Hội tổ chức thường niên từ năm 2004 cũng đã thu hút được đông đảo các em học sinh trên địa bàn toàn tỉnh tham gia. Qua 11 lần tổ chức Cuộc thi, đến nay Ban tổ chức đã nhận được 305 giải pháp tham gia, trong đó có 138 giải pháp đoạt giải cấp tỉnh, 7 giải pháp xuất sắc đoạt giải toàn quốc. Riêng Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng lần thứ 11 (2014-2015), đã thu hút 75 giải pháp của 104 tác giả đến từ 42 trường học trong tỉnh tham dự. Các giải pháp của các em học sinh tham dự phần lớn thuộc các lĩnh vực đồ dùng dành cho học tập và đồ chơi trẻ em; phần mềm tin học; sản phẩm thân thiện với môi trường; các dụng cụ sinh hoạt gia đình; bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế… Một số sản phẩm do các em sáng tạo ở Cuộc thi lần này cũng được đánh giá cao, có khả năng ứng dụng vào thực tiễn trong học tập và sinh hoạt, vui chơi giải trí… Vượt qua 75 giải pháp tham dự Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng lần thứ 11, giải pháp “Phần mềm N2T-User Support” của em Nguyễn Ngọc Thiên, học sinh lớp 11A Trường THPT Lộc Thành (Bảo Lâm) đã đoạt giải Nhất. Chia sẻ về giải pháp của mình, em Nguyễn Ngọc Thiên cho biết: “Em mong rằng, giải pháp này sẽ phục vụ có hiệu quả cho mọi người khi sử dụng máy tính bằng cách đơn giản hóa công việc đổi tập tin và thư mục với số lượng lớn; khôi phục tập tin đã mất trong máy vi tính mà chỉ còn văn bản giấy; giúp cho người khuyết tật không có khả năng sử dụng chuột máy tính. Giải pháp này sẽ giúp việc chuyển đổi hình ảnh của chữ viết tay hoặc đánh máy, các file ảnh dạng PDF thành file văn bản, đặc biệt việc điều khiển con trỏ chuột bằng khuôn mặt sẽ giúp người khuyết tật không có khả năng sử dụng chuột máy tính có thể sử dụng máy vi tính như người bình thường”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Ngụy Xứng Hùng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Lâm Đồng cho biết: “Mặc dù vẫn chưa thực sự trở thành phong trào quần chúng rộng rãi, song qua các lần tổ chức Hội thi và Cuộc thi đã ngày càng thu hút được nhiều tập thể, cá nhân, cơ quan, đơn vị tham gia; chất lượng các giải pháp tham dự đã có nhiều khởi sắc rõ rệt. Các tiêu chí như tính mới, tính sáng tạo, khả năng áp dụng và hiệu quả kinh tế - xã hội ngày càng được định hình, thể hiện trên từng giải pháp. Hầu hết các giải pháp đoạt giải được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, đời sống, góp phần thúc đẩy phong trào lao động sáng tạo của tỉnh, cũng như áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, đời sống và phát triển kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ tại địa phương”.
HỒNG HẢI