Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám chữa bệnh và thanh toán BHYT

08:11, 10/11/2015

Ngày 5/11, tại VNPT Lâm Đồng, ngành Y tế Lâm Đồng tham dự Hội nghị trực tuyến đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý khám chữa bệnh (KCB) và thanh toán BHYT theo Nghị quyết 36a/NQ-CP của Chính phủ về "Chính phủ điện tử" do Bộ Y tế (BYT) tổ chức tại 63 điểm cầu trong cả nước.

Ngày 5/11, tại VNPT Lâm Đồng, ngành Y tế Lâm Đồng tham dự Hội nghị trực tuyến đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý khám chữa bệnh (KCB) và thanh toán BHYT theo Nghị quyết 36a/NQ-CP của Chính phủ về “Chính phủ điện tử” do Bộ Y tế (BYT) tổ chức tại 63 điểm cầu trong cả nước.
 
Bài toán khó
 
PGS-TS Phạm Lê Tuấn - Thứ trưởng BYT phát biểu: Trong những năm qua, BHYT đã từng bước phát triển, tỷ lệ bao phủ cho đến nay đã được hơn 73%. BHYT dần trở thành nguồn tài chính y tế quan trọng cho việc chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, công tác quản lý BHYT còn nhiều khó khăn, bất cập như cấp phát thẻ BHYT còn sai sót, trùng lặp danh sách đối tượng, chậm phát hành thẻ, chất lượng hiệu quả trong công tác giám định, tính minh bạch trong thanh quyết toán BHYT còn chưa cao... đòi hỏi cần triển khai ứng dụng CNTT trong toàn bộ hệ thống cơ sở y tế và cơ quan BHXH.
 
Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT đã quy định: Kể từ ngày 1/1/2016 mở thông tuyến KCB tuyến huyện, tuyến xã trong cùng địa bàn tỉnh đòi hỏi có cơ sở dữ liệu người tham gia BHYT phù hợp, quản lý KCB BHYT cần theo hướng nhanh chóng, hiện đại, chính xác, kết nối được dữ liệu giữa các tuyến. Nghị quyết 68/2013  của Quốc hội khóa XIII về “Đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật về BHYT tiến tới BHYT toàn dân” cũng đã yêu cầu: Trước năm 2018 hoàn thành việc liên thông hệ thống phần mềm CNTT giữa cơ quan BHXH và cơ sở KCB nhằm cải tiến thủ tục hành chính trong KCB nâng cao hiệu quả công tác giám định BHYT, quản lý việc sử dụng quỹ BHYT. 
 
Theo Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn, ứng dụng CNTT trong quản lý KCB và thanh toán BHYT trên toàn hệ thống là công việc khó do phải thay đổi cả nhận thức, tư duy quản lý của cơ sở y tế và cơ quan BHXH. Về kỹ thuật, đây cũng là công việc phức tạp do mức độ triển khai CNTT ở từng địa phương, cơ sở là khác nhau. Dữ liệu y tế mang tính chuyên sâu và chưa có sự kết nối dữ liệu giữa cơ sở y tế và cơ quan BHXH. Bên cạnh đó, hiện chưa có cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để có được bộ mã định danh duy nhất và ổn định; năng lực giám định còn hạn chế. 
 
Chưa đồng bộ, quá nhiều phần mềm
 
Cần một phần mềm hoàn chỉnh trong quản lý KCB và thanh toán BHYT
 
Ngành Y tế Lâm Đồng hiện có 4/5 bệnh viện tuyến tỉnh, 10/12 trung tâm y tế đã ứng dụng phần mềm quản lý KCB (quản lý thuốc, vật tư y tế, KCB…), 7/12 đơn vị đã triển khai phần mềm quản lý KCB tới các trạm y tế và phòng khám đa khoa khu vực. 
 
Những khó khăn vướng mắc trong tổ chức thực hiện ứng dụng CNTT trong KCB và thanh toán BHYT là: Việc chiết xuất dữ liệu đầu ra (theo quy định tại bảng 1, 2, 3 đính kèm theo Công văn số 2348/BYT-BH và chiết xuất dữ liệu đầu ra theo quy định của BHXH) không thống nhất với nhau gây khó khăn cho các cơ sở KCB. Hệ thống mạng internet không đảm bảo hoạt động, tình trạng cúp điện thường hay xảy ra. Hiện nay có quá nhiều phần mềm: Phần mềm quản lý dược, phần mềm Medisoft 2003, Phần mềm quản lý bệnh viện, Phần mềm viện phí của BHXH…
 
Cần cung cấp một phần mềm nhất định, chính xác, hoàn chỉnh trong quản lý KCB và thanh toán BHYT, phần mềm phải đảm bảo: lập bảng kê chi phí khám chữa bệnh, đơn thuốc, bệnh án điện tử, quản lý dược, lưu trữ bệnh án, thu viện phí, phiếu ra viện, phiếu phẫu thuật, các dịch vụ yêu cầu… Thống nhất các chỉ tiêu đầu ra giữa BYT và BHXH tỉnh.

Đến nay, đã có 40/63 tỉnh, thành phố triển khai phần mềm quản lý KCB VNPT-HIS với trên 400 cơ sở y tế cài đặt và sử dụng VNPT-HIS (bao gồm tuyến tỉnh, huyện, xã). BYT cho phép VNPT triển khai thí điểm Đề án ứng dụng CNTT trong KCB và thanh toán BHYT tại Ninh Bình, Nghệ An, Tiền Giang. Từ tháng 4/2015 đến nay, BYT đã triển khai thử nghiệm kết nối dữ liệu BHYT theo 4 cấp tại các tỉnh: Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hải Phòng, Tiền Giang, Ninh Bình và Nghệ An.

Thời gian qua BYT đã phối hợp với BHXH và Tập đoàn Viettel, VNPT và FPT triển khai các hoạt động ứng dụng CNTT trong KCB và kết nối với BHYT. Đồng thời, Bộ xây dựng hệ thống bệnh án điện tử để trao đổi thông tin KCB giữa các bệnh viện đã thí điểm tại 6 bệnh viện và hệ thống báo cáo thống kê đã thực hiện tại 63 Sở Y tế, trên 400 bệnh viện. Hệ thống quản lý hành nghề y tư nhân đang được triển khai, các hệ thống quản lý chăm sóc điều trị người nhiễm HIV/AIDS, hệ thống thông tin quản lý chuyên ngành DS-KHHGĐ, hệ thống quản lý dữ liệu môi trường y tế, hệ thống quản lý ngộ độc thực phẩm đã triển khai toàn quốc. Hiện nay, BYT đang xây dựng hệ thống quản lý tiêm chủng, quản lý bệnh truyền nhiễm và bệnh không lây nhiễm.
 
Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế (BYT) Đặng Hồng Nam cho biết: Hiện chưa có hệ thống hạ tầng kết nối mạng lưới y tế và trung tâm tích hợp dữ liệu lưu trữ và liên thông cơ sở dữ liệu bệnh nhân, bệnh án điện tử giữa các cơ sở KCB trong toàn quốc. Việc ứng dụng CNTT nhìn chung vẫn tự phát, manh mún, chưa có tính hệ thống, tính đồng bộ nên chưa thể kết nối, chia sẻ dữ liệu, thông tin với nhau. Hiện có nhiều phần mềm quản lý bệnh viện của nhiều công ty khác nhau đang được sử dụng như: Medisoft, H-soft, Link Toàn cầu, Quảng Ích, Vinmec... Bên cạnh đó, các danh mục dùng chung trong ngành y tế (như danh mục mã bệnh, danh mục thuốc, danh mục trang thiết bị y tế, thậm chí ngay cả danh mục cơ sở khám chữa bệnh là đơn giản nhất…) cũng chưa được chuẩn hóa, mã hóa và số hóa. Do vậy, chưa có cơ sở dữ liệu y tế quốc gia và cơ sở dữ liệu quốc gia về BHYT gắn với mã định danh riêng.
 
Đẩy mạnh thực hiện NQ36a/NQ-CP
 
Đến nay, 100% các bệnh viện tuyến TW, 70% bệnh viện tuyến tỉnh và trên 60% bệnh viện tuyến huyện đã ứng dụng CNTT trong công tác quản lý KCB. BYT đã triển khai hệ thống quản lý văn bản điện tử trong toàn cơ quan Bộ, đến tất cả các đơn  vị trực thuộc, kết nối với các Sở Y tế và BYT cũng là Bộ đầu tiên kết nối hệ thống này với hệ thống của Văn phòng Chính phủ.
 
Theo Nghị quyết 36a/NQ-CP về “Chính phủ điện tử” ban hành ngày 14/10/2015 giao trách nhiệm cho BYT thực hiện các nhiệm vụ cụ thể như sau: Kết nối hệ thống thông tin quản lý KCB và thanh toán BHYT qua mạng điện tử trước ngày 1/1/2016; xây dựng hệ thống và hướng dẫn thực hiện qua mạng điện tử trên toàn quốc đối với việc cấp chứng chỉ hành nghề KCB trước ngày 1/1/2017; cấp phép hoạt động cơ sở KCB, đăng ký lưu hành và đăng ký giá thuốc qua mạng điện tử trước ngày 1/1/2017; tích hợp thông tin cấp chứng chỉ, cấp phép nêu trên lên Cổng dịch vụ công quốc gia hoàn thành trước ngày 1/1/2017. BYT xây dựng các định mức chi trả cho hoạt động CNTT trong công tác khám chữa bệnh và thanh toán BHYT, phối hợp với BHXH Việt Nam đưa chi phí tin học hóa bệnh viện, hoạt động CNTT trong bệnh viện và hệ thống giám sát điện tử vào trong giá dịch vụ thanh toán BHYT. Chỉ đạo, phối hợp với các bệnh viện trực thuộc BYT và trực thuộc các thành phố lớn xây dựng và vận hành hệ thống tư vấn KCB từ xa hoàn thành trước ngày 1/1/2017. Xây dựng hệ thống bệnh án điện tử; hệ thống thông tin quản lý tiêm chủng, bệnh truyền nhiễm và bệnh không lây nhiễm triển khai toàn quốc trước ngày 1/1/2018.
 
DIỆU HIỀN