So với nhiều địa phương khác trong cả nước, Lâm Đồng là tỉnh có nhiều lợi thế trong việc đưa các sản phẩm văn hóa nói riêng và các giá trị văn hóa địa phương đến với bạn bè thế giới.
So với nhiều địa phương khác trong cả nước, Lâm Đồng là tỉnh có nhiều lợi thế trong việc đưa các sản phẩm văn hóa nói riêng và các giá trị văn hóa địa phương đến với bạn bè thế giới. Đặc biệt là mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Văn hóa đối ngoại của Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Đây có thể xem là “cơ hội vàng” để Lâm Đồng đưa văn hóa, nhất là văn hóa đặc trưng của địa phương Nam Tây Nguyên, vượt phạm vi biên giới quốc gia để giới thiệu rộng rãi ra nước ngoài bằng một kế hoạch vừa được tỉnh xây dựng.
Theo đó, Lâm Đồng xác định là sẽ chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng để quảng bá các giá trị văn hóa Việt Nam nói chung và của tỉnh Lâm Đồng nói riêng, đưa quan hệ Lâm Đồng với các đối tác quốc tế đi vào chiều sâu, ổn định và bền vững; qua đó phát huy vai trò của văn hóa trong việc thúc đẩy hợp tác về các lĩnh vực kinh tế - chính trị - văn hóa góp phần tăng cường sự phát triển chung của tỉnh.
Lợi thế của Lâm Đồng
Lâm Đồng hiện có 33 di tích danh lam thắng cảnh; trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 18 di tích tích cấp quốc gia và 13 di tích cấp tỉnh. Đây được xem là một trong những nguồn “nguyên liệu” khá dồi dào để Lâm Đồng phát triển văn hóa đối ngoại trong thời gian tới. Không chỉ thế, Lâm Đồng còn có những tài sản văn hóa mà không phải tỉnh nào cũng có được: Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbian, mộc bản triều Nguyễn... Trong thực tế, cứ hai năm một lần, Lâm Đồng đều tổ chức nhiều hoạt động văn hóa mang tầm vóc quốc gia được du khách nước ngoài quan tâm như festival hoa Đà Lạt, lễ hội văn hóa trà, liên hoan văn hóa cồng chiêng...; bên cạnh đó là nhiều hoạt động văn hóa không thường kỳ nhưng có tầm cỡ lớn được Lâm Đồng tổ chức hoặc phối hợp tổ chức như Tuần Văn hóa Việt Nam, Ngày hội Văn hóa các dân tộc, liên hoan dân ca, diễn xướng dân gian...; hoặc đó còn là những hoạt động văn hóa ở phạm vi cấp tỉnh nhưng được nhiều người quan tâm như giải đua xe đạp địa hình, lễ giỗ tổ Hùng Vương, lễ hội tình yêu, lễ hội rằm tháng giêng...
Những hoạt động nói trên không chỉ thể hiện sức mạnh văn hóa nội sinh của Lâm Đồng mà nó còn có vai trò tích cực trong việc nâng cao vị thế của địa phương Lâm Đồng, của con người Nam Tây Nguyên và của văn hóa Nam Tây Nguyên trên trường quốc tế, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc hội nhập quốc tế của Lâm Đồng.
Nhiệm vụ phía trước
Theo ông Đoàn Văn Việt - Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, một trong những yêu cầu được đặt ra cho địa phương trong thời gian đến là “Quán triệt và nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của ngoại giao văn hóa trong chính sách ngoại giao toàn diện của Việt Nam; kết hợp chặt chẽ việc vận dụng linh hoạt, hiệu quả văn hóa đối ngoại hỗ trợ tích cực cho ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế...”. Cùng đó là việc “Xác định rõ nhiệm vụ, phát huy tính chủ động, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội và các huyện, thành phố; huy động sức mạnh tổng hợp để triển khai đồng bộ, linh hoạt trong từng hoàn cảnh cụ thể...; các hoạt động văn hóa đối ngoại triển khai phải có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, tiết kiệm và phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh...”.
Theo kế hoạch phát triển văn hóa đối ngoại đến 2020 và tầm nhìn đến 2030 mà tỉnh Lâm Đồng vừa đề ra, ngoài việc tăng cường công tác tuyên truyền trong toàn Đảng, toàn dân và toàn hệ thống chính trị để nâng cao nhận thức và có cái nhìn toàn diện hơn về văn hóa đối ngoại thì một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra là: Bảo tồn, phát triển và giới thiệu ra thế giới các di sản văn hóa được UNESCO công nhận (không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, khu dự trữ sinh quyển Langbian, mộc bản triều Nguyễn...), các di tích quốc gia đặc biệt (di tích khảo cổ Cát Tiên...), các danh lam thắng cảnh nổi tiếng, các lễ hội, các làng nghề truyền thống mang đậm nét văn hóa Nam Tây Nguyên. Bên cạnh, Lâm Đồng cũng sẽ chủ động phối hợp với các bộ và ngành có liên quan tổ chức các chương trình văn hóa có yếu tố nước ngoài tại tỉnh Lâm Đồng hoặc tại nước ngoài; đồng thời, phát triển những loại hình, mô hình, phương thức hoạt động văn hóa đối ngoại đa dạng để giới thiệu các giá trị văn hóa của Lâm Đồng nói riêng và của Tây Nguyên nói chung thông qua các hoạt động như ngày văn hóa, tuần văn hóa, lễ hội văn hóa - du lịch... Điều đặc biệt lưu ý nữa là, cùng với việc đề nghị đưa Đà Lạt vào danh mục những thành phố văn hóa của thế giới (mà trước mắt là thành phố văn hóa khu vực châu Á - Thái Bình Dương) thì Lâm Đồng còn đề xuất việc đăng cai tổ chức các hoạt động văn hóa quốc tế như liên hoan diễn xướng sử thi - diễn xướng dân gian quốc tế (khu vực Đông Nam Á) tại Đà Lạt, tổ chức festival các khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Lâm Đồng (khu vực châu Á - Thái Bình Dương); duy trì “Góc Văn hóa Đà Lạt - Lâm Đồng” tại Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và Tây Ban Nha, phát triển thêm các góc văn hóa này tại các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài và tại cơ quan ngoại giao của nước ngoài tại Việt Nam...
Rõ ràng, việc quảng bá các giá trị văn hóa của Lâm Đồng ra thế giới, làm cho thế giới hiểu biết hơn về vùng đất và con người Lâm Đồng là xu thế tất yếu trong giai đoạn hội nhập hiện nay!
Khắc Dũng