Với mục tiêu xây dựng thành trường đào tạo nghề trọng điểm hàng đầu ở khu vực Tây Nguyên và cả nước trong một số lĩnh vực thuộc lợi thế của tỉnh Lâm Đồng như nông nghiệp, du lịch… Trường Cao đẳng Nghề Đà Lạt đang hướng đến việc đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, có tay nghề đáp ứng yêu cầu thị trường lao động của địa phương và cả nước cũng như nước ngoài.
Với mục tiêu xây dựng thành trường đào tạo nghề trọng điểm hàng đầu ở khu vực Tây Nguyên và cả nước trong một số lĩnh vực thuộc lợi thế của tỉnh Lâm Đồng như nông nghiệp, du lịch… Trường Cao đẳng Nghề Đà Lạt đang hướng đến việc đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, có tay nghề đáp ứng yêu cầu thị trường lao động của địa phương và cả nước cũng như nước ngoài.
|
Nông nghiệp là lĩnh vực luôn thiếu lao động có tay nghề cao |
Năm 2015, Trường Cao đẳng Nghề Đà Lạt trở thành trường cao đẳng nghề trọng điểm trong hệ thống dạy nghề cả nước. “Với quy mô đào tạo ở 3 cấp trình độ: cao đẳng nghề, trung cấp nghề và sơ cấp nghề, nhà trường cam kết sẽ đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, có kỹ năng nghề cao, có ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp, có khả năng làm việc độc lập, thích ứng tốt với nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu của xã hội hiện nay”, ông Trương Thúc Hiếu - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Đà Lạt khẳng định.
Trước thực trạng nhu cầu lao động trong ngành kinh tế mũi nhọn của Lâm Đồng là nông nghiệp và du lịch luôn thiếu, Trường Cao đẳng Nghề Đà Lạt đã xây dựng các chương trình đào tạo nghề tập trung vào hai lĩnh vực này. Trong các nghề đào tạo dài hạn (bậc cao đẳng và trung cấp), bảo vệ thực vật, công nghệ sinh học, nghiệp vụ nhà hàng, quản trị khách sạn, kỹ thuật chế biến món ăn... luôn được nhà trường quan tâm đầu tư trang thiết bị để sinh viên được thực hành nhiều nhất. Đồng thời, nhà trường cũng xây dựng 25 chương trình dạy nghề ngắn hạn (trình độ sơ cấp và học nghề dưới 3 tháng), trong đó, chú trọng các nghề đào tạo cho lao động nông thôn; các nghề sơ cấp và ngắn hạn cũng tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp như kỹ thuật trồng rau, kỹ thuật trồng hoa, trồng rau an toàn... Bên cạnh đó, từ năm 2004, Trường Cao đẳng Nghề Đà Lạt được UBND tỉnh giao kế hoạch dạy nghề dài hạn cho học sinh DTTS địa phương. Trường đã mở rộng liên kết đào tạo với các trường đại học như Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Văn hóa... đào tạo theo địa chỉ cho các doanh nghiệp thủy điện, công ty cấp nước, liên minh các hợp tác xã..., cùng với đó là tăng cường các lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho thanh niên nông thôn và thanh niên DTTS nhằm giúp người lao động có việc làm ngay ở địa phương.
Ngoài ra, trường còn tiếp nhận chương trình du lịch cấp độ ASEAN và đang tiếp nhận chương trình công nghệ sinh học cấp độ quốc tế. Đặc biệt, nhà trường đã điều chỉnh 20 chương trình đào tạo cho tất cả các nghề thuộc các khoa chuyên môn, trong đó, có mời các doanh nghiệp tham gia xây dựng điều chỉnh chương trình nhằm đáp ứng yêu cầu người học và thực tiễn xã hội. Trường chủ trương đa dạng hóa ngành nghề đào tạo, đào tạo theo những ngành nghề phù hợp với yêu cầu phát triển của kinh tế địa phương nói riêng, khu vực nói chung, đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của thị trường lao động để khi tốt nghiệp ra trường, sinh viên dễ tìm được việc làm. Theo kết quả điều tra lần vết HSSV cho thấy, bình quân hàng năm có trên 85% số HSSV ra trường có việc làm đúng nghề đào tạo, trong đó, có hơn 60% thanh niên nông thôn thuộc các huyện, thành phố trong tỉnh sau khi tốt nghiệp đều về phục vụ tại địa phương.
“Mục tiêu phấn đấu của nhà trường là đến năm 2020 đạt chuẩn trường đào tạo nghề chất lượng cao của cả nước, được kiểm định chất lượng đào tạo công nhận đạt cấp độ ASEAN cho các nghề Điện công nghiệp, Kỹ thuật chế biến món ăn, Công nghệ ô tô (ứng dụng phần mềm) và cấp độ quốc tế nghề Công nghệ sinh học. Đào tạo lực lượng công nhân, nhân viên lành nghề và kỹ thuật viên chủ yếu để đáp ứng nguồn nhân lực cho nhu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa của địa phương, của cả nước và thị trường lao động nước ngoài”, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Đà Lạt Trương Thúc Hiếu cho biết thêm.
TUẤN HƯƠNG