Hóa học đôi khi được ví với một môn "khoa học trung tâm" vì là cầu nối các ngành khoa học tự nhiên khác, và thầy giáo dạy môn hóa học Võ Như Dũng đã hoàn thành vai trò " trung tâm" khi kết nối được nhiều thầy cô giáo giỏi với đông đảo học trò tại cơ sở bồi dưỡng văn hóa Olympus và Olympic ở Đà Lạt trong những năm qua…
Hóa học đôi khi được ví với một môn “khoa học trung tâm” vì là cầu nối các ngành khoa học tự nhiên khác, và thầy giáo dạy môn hóa học Võ Như Dũng đã hoàn thành vai trò “ trung tâm” khi kết nối được nhiều thầy cô giáo giỏi với đông đảo học trò tại cơ sở bồi dưỡng văn hóa Olympus và Olympic ở Đà Lạt trong những năm qua…
|
Thầy giáo Võ Như Dũng trên bục giảng |
Ngôi biệt thự nhiệm màu
Sau 7 năm gây dựng, Olympus và sau đó là “người em” Olympic đã là địa chỉ tin cậy của đông đảo phụ huynh và học sinh ở Đà Lạt. Kết quả của quá trình giảng dạy ở đây là tỷ lệ học sinh thi đậu đại học, cao đẳng lên đến 100%. Nhưng đối với thầy Võ Như Dũng, người thành lập 2 cơ sở này thì đó không phải là con số quá có ý nghĩa trong thời điểm hiện nay. “Chủ yếu là học sinh đậu vào những trường có chất lượng như thế nào và trung tâm đào tạo được những kỹ năng gì cho học sinh”, thầy giáo trẻ nhấn mạnh.
Đến Olympus, học sinh đi học đúng giờ, trò lễ phép chào hỏi, thầy cô bước vào một môi trường sư phạm nghiêm túc với đầy đủ những thao tác của một tiết giảng như chính khóa. Những điều ấy cộng gộp và tạo được rất nhiều niềm tin về một trung tâm đầu tư kỹ lưỡng cho công tác giảng dạy, không nhốn nháo như một số định kiến về “dạy thêm, học thêm”. Đón gần 3.000 lượt học sinh mỗi tháng, thầy Dũng vẫn nói về việc quản lý rất nhẹ nhàng bởi tất cả đã đi vào nền nếp, thầy cô chủ động sáng tạo trong mỗi tiết giảng.
10 năm trước, cậu học trò lớp 12 Võ Như Dũng từ Đăk Nông sang Đà Lạt cùng ôn luyện môn Hóa học để thi quốc gia. Rồi sau đó, những ngày trên giảng đường đại học Đà Lạt, Như Dũng làm thêm bằng công việc gia sư. Ra trường, nếu như bạn bè cùng lớp sư phạm Hóa nỗ lực để có chỗ đứng tại một trường phổ thông thì Võ Như Dũng lại quyết định chuyên tâm làm một người thầy của học sinh chứ không phải thuộc về nhà trường. Ở thời điểm năm 2009, một phụ huynh có 2 con cùng theo học thầy Dũng hỏi gia sư trẻ rằng thầy có muốn dạy học trong một biệt thự hay không? Cái gật đầu đồng ý của anh vào thời điểm ấy đã được phụ huynh chắp cánh để trở thành hiện thực. Một biệt thự ở cửa ngõ thành phố được xây dựng, Như Dũng kêu gọi bạn bè có thành tích học tập tốt cùng mở một trung tâm dạy học. Và ở đó, các thầy cô giáo trẻ đưa học sinh đến với nhiều tiết học hứng thú, chuyên sâu nhưng không khô cứng. Võ Như Dũng đã kết nối được nhiều thầy cô tâm huyết, giỏi chuyên môn như thầy Huỳnh Quang Minh dạy môn Anh văn (hiện đang làm luận án Tiến sĩ Quản lý giáo dục ở Đại học Michigan, Mỹ), thầy Nguyễn Xuân Việt Nhân (đã bảo vệ xong luận án Tiến sĩ toán ở Đại học Marseille, Pháp), Võ Phúc Hưng (thủ khoa đại học và á khoa cao học ngành Vật lý), Phan Thanh Quang (hiện đang học tiến sĩ Vật lý ở Đại học Oklahoma, Mỹ)... Thầy Dũng đồng thời mời thêm được một số thầy cô lớn tuổi có tiếng trong thành phố cùng đứng lớp truyền đạt kiến thức và cả 2 trung tâm hiện có đội ngũ lên đến gần 50 giáo viên. Olympus - tên một ngọn núi có 12 vị thần trong thần thoại Hy Lạp là tên do lớp học sinh đầu tiên đặt để ghi danh một trung tâm dạy học với luồng sinh khí mới...
Môi trường mở
Thiên Ân - học sinh lớp 10A3, Trường THPT Bùi Thị Xuân hào hứng khi nói về điểm số môn Hóa học ở trường luôn thuộc nhóm đứng đầu lớp, em theo học thêm môn Hóa ở Olympus do thầy Dũng trực tiếp giảng dạy vì giáo viên thân thiện, dạy rất dễ hiểu, không áp đặt học sinh. Còn với Khánh Phương, học sinh lớp 10 B1 Trường THPT Tây Sơn thì điểm Hóa ở lớp luôn thuộc tốp đầu. Bố em, một thầy giáo dạy tiếng Pháp tại Trường Tiểu học Lê Quý Đôn đã tư vấn con gái theo học thêm những đồng nghiệp uy tín ở Olympus.
Có thể nói, cách tổ chức và hiệu quả thu hút học trò tại Olympus và Olympic đã trở thành một hiện tượng ở Đà Lạt, thay đổi cách tìm địa chỉ học thêm của nhiều học sinh. Uy tín của giáo viên đã lan tỏa để học sinh đến tìm kiến thức. Và cách thu hút giáo viên giỏi cũng là điểm đặc biệt của thầy Như Dũng.
Cô Lê Thị Dung có 30 năm kinh nghiệm dạy học (hiện đang là giáo viên Trường THCS Quang Trung) đã gắn bó với Olympus từ 4 năm nay. Cô đã cộng tác với những cộng sự trẻ như thầy Võ Như Dũng bởi tìm thấy sự đồng cảm với cách tổ chức môi trường sư phạm nơi này. Trung tâm không xô bồ, quản lý học sinh tốt từ việc tư vấn - chọn lớp - chuyển lớp - điểm danh; những học sinh khó khăn được miễn giảm học phí; thầy cô vừa dạy học và vừa dạy các em làm người rất nhẹ nhàng, nhân văn...
Việc học là không giới hạn, thầy Võ Như Dũng đã kết nối với nhiều bạn bè quốc tế để mở rộng giáo án. Đó là những buổi thí nghiệm, là các lớp dạy ngoại ngữ Tây Ban Nha, Nhật... miễn phí. Đặc biệt, có lẽ đây là một trong số ít các trung tâm đi đầu cả nước trong việc đang chiêu sinh lớp dạy lập trình robot cho người không chuyên Arduino với hy vọng sẽ cho học trò công cụ để lập trình những điều đơn giản: tự làm lò ấp trứng, lập trình robot rửa nhà kính trong nông nghiệp, robot lau nhà…
Sau bục giảng, Olympus, Olympic tiếp tục “ghi điểm” với khu nội trú hiện đại, có cả không gian vui chơi cho học sinh. Nguyễn Đông Cao Tùng - sinh viên năm 4 Khoa Vật lý hạt nhân (Đại học Đà Lạt) - người “anh cả” từng trưởng thành từ những ngày nội trú với thầy Như Dũng khi tốt nghiệp phổ thông vẫn tiếp tục ở khu nội trú. Cậu học trò từ Đơn Dương lên Đà Lạt trọ học đã khẳng định mình bằng giải 3 Quốc gia môn Vật lý và thủ khoa Khối A Đại học Đà Lạt. Khu cũng có những nhân tố khác như Trần Viết Đông, học sinh lớp 11 Tin Trường THPT Chuyên Thăng Long đoạt giải khuyến khích lớp 12 cấp Quốc gia môn Tin học và nhận học bổng Odon Vallet…
Truyền nhiệt cho mọi kết nối, giáo viên - thạc sĩ Võ Như Dũng ngoài kiến thức sâu sắc còn là một người bạn với học sinh, trẻ trung và có “gu”. Năm 2013, thầy Dũng từng thực hiện một hành trình đạp xe từ Khánh Hòa lên Lào Cai. Thầy giáo trẻ yêu môn lặn và thi thoảng lại về biển để thử thách mình trong một thế giới khác và thấm thía điều quan trọng nhất chính là hơi thở. Thầy Lý Quang Nhẫn, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Lâm Đồng, người đã gắn bó với thầy giáo trẻ Võ Như Dũng trong một thời gian dài nhận xét con đường mà thầy Võ Như Dũng đi là con đường đầy bản lĩnh và thầy đã khẳng định được mình trên con đường ấy...
HẢI YẾN