Trong những năm qua, việc tổ chức chào cờ từ tỉnh đến các xã, thị trấn được duy trì thường xuyên, trở thành nền nếp và tạo chuyển biến tích cực trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Đây là việc làm thiết thực, ý nghĩa nhằm tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và đây là cơ hội để mọi người có thêm cơ hội được tìm hiểu hơn về những mẩu chuyện về tư tưởng, tấm gương đạo đức và phong cách của Bác
Trong những năm qua, việc tổ chức chào cờ từ tỉnh đến các xã, thị trấn được duy trì thường xuyên, trở thành nền nếp và tạo chuyển biến tích cực trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Đây là việc làm thiết thực, ý nghĩa nhằm tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và đây là cơ hội để mọi người có thêm cơ hội được tìm hiểu hơn về những mẩu chuyện về tư tưởng, tấm gương đạo đức và phong cách của Bác, những bài học quý giá trong công tác, trong đối nhân, xử thế và trong trách nhiệm với công việc hằng ngày... Chính vì vậy, chào cờ đã trở thành nét đẹp văn hóa trong từng cơ quan, đơn vị và trong ý thức tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức tỉnh nhà...
Ý nghĩa hơn, việc làm này đã và đang lan tỏa xuống tận các thôn, tổ dân phố trong tỉnh. Tính đến tháng 10 năm 2015, toàn tỉnh có 120 thôn, tổ dân phố thuộc 4 huyện Đức Trọng, Đạ Tẻh, Lâm Hà, Đam Rông đã triển khai mô hình chào cờ. Tiêu biểu là Đức Trọng, có 102/177 thôn, tổ dân phố đã thực hiện khá tốt nội dung này. Con số 120 thôn, tổ dân phố tổ chức chào cờ sáng thứ hai đầu tháng chưa phải là nhiều so với tổng số 1.565 thôn, tổ dân phố toàn tỉnh, nhưng với việc làm ý nghĩa này, đã có tác động sâu sắc đến ý thức của cán bộ, đảng viên cơ sở và đông đảo nhân dân. Thông qua những buổi chào cờ, cùng hướng về lá cờ Tổ quốc, hát bài Quốc ca, cùng nhau kể những câu chuyện về tấm gương đạo đức của Bác Hồ kính yêu mới thấy hết được tình cảm thiêng liêng đối với Tổ quốc, với vị Cha già kính yêu của dân tộc. Và cũng từ đây, các vấn đề bức xúc, nổi cộm của người dân được giải quyết kịp thời, bà con ý thức hơn đến việc chăm lo lao động, sản xuất; cho con em đến trường, ăn ở hợp vệ sinh; trách nhiệm trong việc xây dựng nông thôn mới; xây dựng đời sống văn hóa, an ninh trật tự, tình làng nghĩa xóm...
Xuất phát từ ý nghĩa thực tiễn này mà mô hình tổ chức chào cờ ở thôn, tổ dân phố đang dần được các địa phương nhân rộng; cụ thể như ở Bảo Lâm, bắt đầu từ tháng 11 năm 2015 sẽ tổ chức chào cờ tại tất cả các thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện vào sáng thứ hai tuần đầu tiên của tháng. Bằng một kế hoạch bài bản với đầy đủ mục đích, yêu cầu và hướng dẫn các bước tiến hành cụ thể cho nội dung này, Ban Thường vụ Huyện ủy Bảo Lâm đang có quyết tâm chính trị rất lớn để phấn đấu huyện Bảo Lâm là huyện đầu tiên trong tỉnh và có thể nói rộng hơn là huyện đầu tiên trong cả nước có 100% thôn, tổ dân phổ tổ chức chào cờ vào sáng thứ hai đầu tháng.
Vẫn còn có ý kiến cho rằng việc làm này khó thực hiện, nhưng thiết nghĩ, bằng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự quyết tâm, gương mẫu của cấp ủy, người đứng đầu thì việc làm này sẽ được thực hiện một cách đồng bộ. Từ thực tế ở các địa phương, có thể thấy được sự hồ hởi, nhiệt tình tham gia của đảng viên, cán bộ ban nhân dân thôn, thành viên ban công tác mặt trận và các ban, ngành, đoàn thể, già làng tiêu biểu tại các thôn, tổ dân phố. Điều đáng nói hơn, từ trước đến nay, trong sinh hoạt chào cờ đầu tuần tại các địa phương, cơ quan, đơn vị người dân hầu như chỉ đứng ngoài cuộc bởi điều kiện tham gia không nhiều. Nhưng nay, với mô hình tổ chức chào cờ đến thôn và tổ dân phố thì điều kiện này đã rất gần với người dân và từ đây ý thức cộng đồng được nâng lên rõ rệt.
Rút kinh nghiệm từ những địa phương triển khai thực hiện chào cờ tại thôn, tổ dân phố đầu tháng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã ban hành Hướng dẫn số 02-HD/TG, hướng dẫn cụ thể việc làm này cho các địa phương, đơn vị. Cụ thể như: thời gian tiến hành chào cờ linh động trong khoảng từ 6h đến 7h30’, thời gian thực hiện cho một buổi chào cờ khoảng 15 phút (nếu địa phương có nhiều việc cần phổ biến cũng không quá 30 phút để không ảnh hưởng đến việc tăng gia sản xuất của bà con). Các bước tiến hành gồm: Ổn định tổ chức; Chào cờ; Hát Quốc ca trên nền nhạc hoặc không có nhạc; yêu cầu tất cả những người tham gia lễ chào cờ đều phải hát Quốc ca, có như vậy mới thực sự cảm nhận hết được lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và thấy rõ hơn sức mạnh của tinh thần đoàn kết cộng đồng, ý thức trách nhiệm công dân... Sau phần chào cờ, hát Quốc ca sẽ tổ chức sinh hoạt chính trị dưới cờ, nội dung: Kể chuyện về tấm gương đạo đức Bác Hồ hoặc một bài viết về tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách của Người, từ đó liên hệ tình hình thực tế gắn với tuyên dương các gương điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực của đời sống xã hội tại địa phương, nhằm nâng cao tính thuyết phục, tính giáo dục cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đồng thời, thông qua buổi chào cờ có thể triển khai ngắn gọn một số công việc liên quan đến chi bộ, thôn, tổ dân phố...
Hơn lúc nào hết, việc chào cờ ở các địa phương, đơn vị và các thôn, tổ dân phố trong tỉnh cần nhân rộng để tất cả người dân được tham gia. Để việc làm này đi vào thực chất, có hiệu quả, không mang tính hình thức, cần lắm một cơ chế giám sát thực hiện, đặc biệt phải gắn với quyết tâm, trách nhiệm và sự gương mẫu đi đầu của lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, cần tích cực tuyên truyền, vận động các đoàn thể, các tầng lớp nhân dân cùng hưởng ứng để việc chào cờ, hát Quốc ca trở thành ý thức tự thân của mỗi người; để việc chào cờ, hát Quốc ca lan tỏa sâu rộng, trở thành một nét đẹp văn hóa trên địa bàn toàn tỉnh.
HỒNG VĨNH