Món quà từ người con xa xứ

08:11, 23/11/2015

Từng là một sinh viên của Trường Đại học Yersin Đà Lạt, Nguyễn Thị Bích Trâm, đến với tiếng Pháp như một cái duyên khi nhà trường mở lớp tiếng Pháp miễn phí, nhờ sự nỗ lực, Trâm đã giành được học bổng du học tại Pháp với chuyên ngành quản lý thiết kế các dự án du lịch...

Từng là một sinh viên của Trường Đại học Yersin Đà Lạt, Nguyễn Thị Bích Trâm, đến với tiếng Pháp như một cái duyên khi nhà trường mở lớp tiếng Pháp miễn phí, nhờ sự nỗ lực, Trâm đã giành được học bổng du học tại Pháp với chuyên ngành quản lý thiết kế các dự án du lịch. Trong khoảng thời gian học tập tại Pháp, Trâm đã bảo vệ thành công luận án thạc sỹ với đề tài: “Bảo vệ phát triển làng dân tộc thiểu số K’Nai với tảo xoắn và du lịch xanh”. Cũng chính đề tài này, khi trở lại quê nhà, Trâm đã vận dụng vào thực tiễn một cách bài bản và bước đầu đem lại hiệu quả.
 
Trâm đang chia sẻ kinh nghiệm nuôi tảo cho người bạn của mình
Trâm đang chia sẻ kinh nghiệm nuôi tảo cho người bạn của mình

Thời gian ở xứ người, Bích Trâm nung nấu ý tưởng làm thế nào để góp phần đưa làng dân tộc K’Nai - xã Phú Hội - huyện Đức Trọng phát triển, người dân nơi đây được tiếp cận với những công nghệ mới và áp dụng vào chính mảnh đất quê mình để làm giàu. Khi đang học năm 2 thạc sĩ tại Trường Đại học Avignon - Pháp, trong chuyến thực tập tại một ngôi làng, cô gái trẻ 25 tuổi Nguyễn Thị Bích Trâm đã quen một người bạn Pháp đang ấp ủ dự án trồng tảo xoắn Spirulina để chế biến thành thực phẩm chức năng. Từ đó, đã thôi thúc Trâm thực hiện luận án tảo xoắn gắn với nơi mình sinh sống. Khi trở về quê nhà, với giống tảo được người bạn tặng về trồng thử, Trâm đã bắt tay vào thực hiện. Sau nhiều lần thất bại, Trâm rút ra nhiều kinh nghiệm và đến thời điểm này Trâm đã nhân giống tảo thành công ra môi trường tự nhiên ở 3 hồ với diện tích 40m 2. Đồng thời, cô gái trẻ này cũng đang thử nghiệm trồng một loại tảo xoắn giống mới cũng của Pháp có tên khoa học là Arthrospira Platensis. Trâm cho biết thêm: “Công việc của những người dân xung quanh khá vất vả mà lợi ích kinh tế không cao, chính vì thế, tôi muốn phát triển một mô hình canh tác mới giúp gia đình và những người dân trong làng K’Nai có thu nhập cao hơn, công việc nhẹ nhàng hơn. Với mô hình này, tôi hy vọng sẽ được nhân rộng, giúp làng K’Nai trở thành một điểm du lịch tham quan tảo - du lịch xanh”. 
 
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, tảo xoắn Spirulina có tác dụng chống lão hóa, đồng thời, có khả năng chống ung thư, viêm gan; cung cấp nhiều dưỡng chất cho trẻ em, người già, bệnh nhân bị cholesterol trong máu cao và viêm da lan tỏa, bệnh tiểu đường, loét dạ dày tá tràng, suy yếu hoặc viêm tụy, bệnh đục thủy tinh thể và suy giảm thị lực; tăng sức đề kháng và tăng sức dẻo dai trong vận động... Điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ấm nóng khoảng 28 đến 300C ở vùng đất K’Nai phù hợp để loại tảo này phát triển, hiện tại Trâm đã cho thu sản phẩm, từ 5kg tảo tươi thì cho ra 1kg tảo khô, cứ 40 ngày cho thu hoạch 1 lần. Khi hàm lượng thuốc phân bổ đều sẽ nuôi tảo sống đạt chất lượng; nếu đảm bảo yếu tố này, quá trình chăm tảo rất đơn giản và khá nhẹ nhàng, phù hợp cho người lớn tuổi thực hiện.
 
Qua kết quả ban đầu, Trâm cũng đã chia sẻ kinh nghiệm trồng tảo xoắn cho Anh Vũ Ngọc Quý nhân giống và trồng thử, đến nay cũng đạt được kết quả: “Ban đầu do chưa có kinh nghiệm nên tôi gặp nhiều khó khăn trong quá trình trồng tảo, sau đó được sự hướng dẫn của Trâm nên đã được khắc phục. Thu nhập gia đình ổn định hơn trước, hiện tại một ký tảo khô thô xuất đi nước ngoài có giá 3 triệu đồng. Tôi sẽ tiếp tục đầu tư nhà lồng và hồ để mở rộng diện tích nuôi trồng tảo trong thời gian tới”. Anh Lê Minh Tân - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đức Trọng cho biết “Đây là hướng đi mới trong phát triển kinh tế nhưng còn ở quy mô tự phát hộ gia đình, vì vậy huyện cũng sẽ theo dõi, giám sát, sau đó có định hướng phát triển một cách cụ thể”.
 
Tuy còn những khó khăn bước đầu cần được khắc phục nhưng điều này không làm cho cô gái trẻ chùn bước mà còn xem đây là thách thức để vượt qua. Bằng những kiến thức được học, cùng với kinh nghiệm thực tế, ý chí mạnh mẽ, kiên định đã giúp Trâm có những khởi sắc ban đầu. Mong rằng những dự định trong tương lai của Trâm về việc quảng bá hình ảnh du lịch gắn với làng nghề đến bạn bè khắp nơi sớm đi vào thực tế, đem lại hiệu quả như mong đợi.
 
PHAN NHÂN