Những người cô tâm huyết

08:11, 13/11/2015

Thời gian cứ trôi và những giáo viên từ thuở mới thành lập Trường THPT Lâm Hà vẫn miệt mài như những người đưa đò thầm lặng, tâm huyết, bền bỉ, để đưa các thế hệ học sinh đến với bến bờ tri thức, Đó là những cô giáo tận tụy suốt cuộc đời vì học sinh thân yêu. 

Thời gian cứ trôi và những giáo viên từ thuở mới thành lập Trường THPT Lâm Hà vẫn miệt mài như những người đưa đò thầm lặng, tâm huyết, bền bỉ, để đưa các thế hệ học sinh đến với bến bờ tri thức, Đó là những cô giáo tận tụy suốt cuộc đời vì học sinh thân yêu. 
 
Cô Võ Thị Thanh - giáo viên sử đầu tiên của trường
 
Sinh ra và lớn lên ở quê hương Bến Hải, Quảng Trị, năm 1987 sau khi tốt nghiệp Khoa Sư phạm lịch sử ở Đại học Huế, cô Võ Thị Thanh đã được phân công về dạy sử ở Trường THPT Lâm Hà. Gắn bó với mái trường này từ những năm đầu mới thành lập, gần 30 năm nay cô Thanh vẫn miệt mài truyền dạy kiến thức cho bao thế hệ học sinh nơi đây.
 
Cô Thanh cho hay: Vừa ra trường còn “chân ướt chân ráo”, cô lại phải khăn gói rời xa quê hương lên đường lên Tây Nguyên để dạy học. Đến với miền đất đỏ cao nguyên với mọi thứ còn xa lạ và không người thân bên cạnh nên nhiều lúc cô cũng thấy xao lòng. Mặt khác, cô về trường từ những năm đầu mới thành lập, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học còn thiếu thốn nên điều kiện dạy, học của giáo viên và học sinh gặp rất nhiều khó khăn. Chưa kể lúc đó giáo viên thiếu, một mình cô dạy môn lịch sử nên những lúc ốm đau cũng không được nghỉ, sinh con xong một tháng là phải lên lớp. Không chỉ dạy tập trung ở trường mà cô Thanh còn phải đạp xe đạp hàng chục km để dạy tăng cường cho các cơ sở khác trên địa bàn. Khó khăn trong công việc đã đành, cuộc sống của cô Thanh còn gặp phải cảnh ngộ đơn chiếc nuôi con.  Đó là chồng bị bệnh mất sớm khi đứa con lớn mới lên 5 tuổi, đứa nhỏ mới 6 tháng tuổi. Từ đó, cô một mình vừa làm mẹ vừa làm cha để nuôi dạy con cái trưởng thành. Với đồng lương giáo viên ít ỏi lúc đó, cô rất khó khăn để trang trải cuộc sống. Nhưng được sự giúp đỡ của bạn bè đồng nghiệp và phụ huynh, học sinh nên cô cũng dần vượt qua. Đến nay, người con gái lớn đã ra trường đi làm và người con trai đang học ngành công an. 
 
Điều đáng quý ở cô, dẫu khó khăn vất vả là vậy nhưng với tình yêu nghề, yêu học sinh chưa bao giờ vơi. Đặc biệt là trong quá trình giảng dạy, cô đã đào tạo nên nhiều học sinh giỏi môn sử. Đến nay, cô đã trực tiếp bồi dưỡng môn lịch sử cho 22 học sinh đạt học sinh giỏi cấp tỉnh và 4 em đạt học sinh giỏi cấp quốc gia. Ngoài ra, hàng năm, những học sinh do cô dạy cũng đạt kết quả cao môn sử ở các kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh đại học. Nói về kinh nghiệm trong giảng dạy, cô Võ Thị Thanh cho biết: “Môn sử trước đây là một môn học được nhiều học sinh yêu thích. Nhưng ngày nay số lượng học sinh lựa chọn môn sử không nhiều. Vì vậy, mình phải truyền cảm hứng để các em yêu thích môn sử hơn. Trong quá trình giảng dạy, phải truyền đạt ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu và rõ sự kiện cơ bản. Bên cạnh đó, cũng phải có nhiều sáng kiến và áp dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy như sử dụng máy chiếu và truyền đạt kiến thức lịch sử qua hình ảnh, video clip, phim ảnh… Ngoài ra, cần thường xuyên tổ chức các cuộc thi liên quan đến kiến thức lịch sử để các em học sinh tham gia”.
 
Hiện nay, không chỉ làm công tác chuyên môn giảng dạy, cô Võ Thị Thanh còn kiêm nhiệm nhiều chức vụ khác nhau, nhưng ở cương vị nào cô cũng hoàn thành xuất sắc. Ở trường, cô Võ Thị Thanh được đánh giá là một giáo viên luôn chấp hành kỷ cương, gương mẫu và hết mực yêu thương học sinh, giúp đỡ đồng nghiệp khi cần. Với những thành tích đạt được, thời gian qua, cô Võ Thị Thanh đã nhận được nhiều danh hiệu, khen thưởng khác nhau do các cấp, các ngành trao tặng.
 
Cô Phan Thị Thanh Mai - cô giáo giàu cảm xúc văn chương 
 
Với cặp kính trắng dày cộm, cô Phan Thị Thanh Mai vẫn miệt mài như con tằm nhả tơ để truyền dạy kiến thức cho học trò.
 
Cô Phan Thị Thanh Mai sinh ra và lớn lên trên quê hương anh hùng Điện Bàn, Quảng Nam. Năm 1992, sau khi tốt nghiệp đại học cô được phân công về dạy văn tại Trường THCS Võ Thị Sáu, xã Đạ Đờn, Lâm Hà. Đến năm 1994 cô được chuyển về dạy tại Trường THPT Lâm Hà. Có lẽ ấn tượng của bao nhiêu thế hệ học sinh đi qua dưới mái trường này về cô Thanh Mai đó là một giáo viên dạy văn truyền cảm và luôn tâm huyết với nghề. Cô không ngừng tìm tòi học hỏi để tích lũy kiến thức giảng dạy cho học trò. Những áng văn, những câu thơ do cô giảng giải vẫn đọng mãi trong tâm trí học trò. Em Huỳnh Đoàn Trúc Phương - một cựu học sinh của Trường THPT Lâm Hà chia sẻ: “Những bài giảng của cô Thanh Mai đã làm cho chúng em yêu thích môn văn học hơn. Cô giảng bài rất truyền cảm, súc tích, cô đọng cuốn hút người nghe. Chính vì vậy mà sau khi học xong phổ thông nhiều học trò chúng em cũng đã chọn vào ngành sư phạm văn để được đứng trên bục giảng dạy văn như cô”.
 
Trên bục giảng, cô Thanh Mai luôn say sưa với những tác phẩm văn chương và cùng buồn vui với những thân phận nhân vật, khơi gợi cảm xúc cho học trò. Hiện nay, sau bao nhiêu năm gắn bó với nghề, cô vẫn luôn hết mình vì học trò thân yêu và là tấm gương sáng để học trò noi theo, cô đã vượt lên hoàn cảnh neo đơn, tận tình chăm sóc mẹ già thường xuyên đau yếu, bản thân cô cũng bị bệnh nghề nghiệp nhưng luôn nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nhận xét về cô Phan Thị Thanh Mai, thầy Trần Ngọc Điềm - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Cô Mai là một giáo viên rất tâm huyết với nghề. Hàng năm những học sinh do cô trực tiếp bồi dưỡng đi thi đều đạt học sinh giỏi cấp tỉnh. Hiện nay, tuy kiêm nhiệm nhiều công việc nhưng cô đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Cô Mai cũng thường xuyên học tập nâng cao trình độ chuyên môn và là một trong những người đầu tiên của trường có trình độ thạc sỹ. Trong công tác, cô Mai rất nhiệt tình, gương mẫu và thường xuyên giúp đỡ đồng nghiệp”.
 
Nói về những danh hiệu thi đua và các hình thức khen thưởng của cô Thanh Mai có lẽ khó liệt kê hết bởi bề dày thành tích mà cô đã được các cấp, các ngành ghi nhận.
 
DUY DANH