Từ năm 2002 đến nay, tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện tốt các chủ trương của Chính phủ về khám chữa bệnh cho người nghèo. Đặc biệt, trong vòng 5 năm qua, tỉnh Lâm Đồng đã hỗ trợ một phần chi phí điều trị; hỗ trợ tiền ăn và đi lại cho 9.542 lượt bệnh nhân với tổng kinh phí hơn 29,4 tỷ đồng.
Từ năm 2002 đến nay, tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện tốt các chủ trương của Chính phủ về khám chữa bệnh cho người nghèo. Đặc biệt, trong vòng 5 năm qua, tỉnh Lâm Đồng đã hỗ trợ một phần chi phí điều trị; hỗ trợ tiền ăn và đi lại cho 9.542 lượt bệnh nhân với tổng kinh phí hơn 29,4 tỷ đồng.
|
Bệnh nhân Nguyễn Thành N mắc bệnh hiểm nghèo được Quỹ hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh 2 đợt 10 triệu đồng đang xem lại các hóa đơn chứng từ để làm hồ sơ xin Quỹ hỗ trợ đợt 3 |
BS Phạm Thị Hồng Minh - Sở Y tế - Phụ trách trực tiếp Quỹ khám chữa bệnh người nghèo tỉnh Lâm Đồng cho biết: Nguồn quỹ này đã giúp cho bệnh nhân nghèo, người mắc bệnh hiểm nghèo và người bệnh khó khăn đột xuất có được nguồn lực để tiếp tục chữa bệnh. Bệnh nhân có thẻ BHYT hay không có thẻ BHYT đều được Quỹ hỗ trợ chi phí theo quy định: Đối với người bệnh có thẻ BHYT chi phí khám chữa bệnh từ 100 ngàn đồng trở lên sẽ được Quỹ hỗ trợ và đối với bệnh nhân không có thẻ BHYT chi phí khám chữa bệnh từ 1 triệu đồng trở lên cũng được Quỹ hỗ trợ. Mức hỗ trợ cho bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo 1 năm 4 đợt, chi phí khám chữa bệnh không quá 10 triệu đồng/đợt. Mức hỗ trợ khám chữa bệnh người nghèo, ngoài BHYT đã thanh toán thì Quỹ sẽ hỗ trợ 50% chi phí điều trị/đợt.
Trong 5 năm qua, ngành Y tế Lâm Đồng đã triển khai có hiệu quả công tác khám chữa bệnh cho người nghèo, đồng bào DTTS, người mắc bệnh hiểm nghèo. Quỹ khám chữa bệnh người nghèo của tỉnh đã giải quyết 42 đợt hỗ trợ chi phí điều trị trực tiếp ngoài quy định chi trả của BHYT cho 4.662 lượt bệnh nhân với tổng kinh phí gần 28 tỷ đồng. Đồng thời, hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại cho người thuộc hộ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống tại xã, thị trấn thuộc vùng đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 14 của Thủ tướng Chính phủ, toàn tỉnh đã hỗ trợ 26 đợt cho 4.880 bệnh nhân với số tiền khoảng 1,5 tỷ đồng (thống kê từ năm 2013 đến tháng 10/2015). Theo quy định này, bệnh nhân nghèo, người DTTS vùng đặc biệt khó khăn đi khám chữa bệnh được hỗ trợ tiền ăn 34.000 đồng/ngày (bằng 3% mức lương cơ bản) và hỗ trợ tiền đi lại 0,2 lít xăng/100km (giá xăng tính thời điểm hiện tại). Tổng cộng Quỹ hỗ trợ một phần chi phí điều trị và hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại giai đoạn 2011 - 2015 tỉnh Lâm Đồng đã giúp cho 9.542 lượt bệnh nhân với tổng kinh phí hơn 29,4 tỷ đồng. Riêng năm 2015, Quỹ đã chi 8 đợt hỗ trợ khám chữa bệnh người nghèo cho 2.221 bệnh nhân, hỗ trợ tiền ăn và tiền đi lại với chi phí là 5,5 tỷ đồng.
Trong danh sách các trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo được Quỹ hỗ trợ chiếm phần lớn là bệnh nhân mắc bệnh ung thư, trong đó nhiều nhất là mắc bệnh thận phải chạy thận nhân tạo. Riêng tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, trong 1 quý có khoảng 100 lượt bệnh nhân chạy thận nhân tạo được Quỹ hỗ trợ khoảng 500 triệu đồng và bệnh nhân được Quỹ thanh toán hỗ trợ chi phí trực tiếp tại BVĐK Lâm Đồng. Người bệnh để được Quỹ hỗ trợ, thủ tục đơn giản gồm: đơn theo mẫu, thẻ BHYT (nếu có), sổ nghèo (trường hợp hỗ trợ tiền ăn và đi lại), chứng từ thanh toán chi phí khám chữa bệnh, giấy chuyển viện (trường hợp có thẻ BHYT) nộp tại các Trung tâm Y tế huyện - thành phố; hồ sơ chuyển cơ quan BHXH huyện - thành phố thẩm định trong vòng 30 ngày rồi chuyển hồ sơ lên Sở Y tế để trình qua UBND tỉnh phê duyệt theo đợt, bình quân 1 tháng/đợt. Trong vòng 2 tháng, bệnh nhân được nhận tiền từ Quỹ hỗ trợ khám chữa bệnh người nghèo tại các Trung tâm Y tế huyện - thành phố.
Theo đoàn giám sát việc thực hiện chính sách khám chữa bệnh người nghèo của Sở Y tế, chúng tôi đến thăm một hộ ở khu phố Gia Thạnh - thị trấn Đinh Văn (Lâm Hà), gia đình chỉ có 2 vợ chồng già sống với nhau, ông Nguyễn Thành N (70 tuổi) từ năm 2013 đi khám tại Bệnh viện Chợ Rẫy phát hiện bị u gan đa ổ, u xơ tuyến tiền liệt, bướu thận phải, tiểu đường tuýp 2, viêm gan C, cao huyết áp… Đợt điều trị đầu tiên can thiệp khối u ung thư gan bằng kỹ thuật TACE gia đình ông đã vay ngân hàng 50 triệu đồng chi phí điều trị hết 30 triệu đồng, số tiền vay còn lại dùng chăm sóc cà phê. Bệnh nhân N đã mắc nhiều bệnh suốt 10 năm nay, bác sĩ có chỉ định mổ thận nhưng do sức khỏe bệnh nhân yếu không dám mổ, chỉ tập trung chữa gan. Cứ mỗi đợt chữa bệnh, bà vợ lại đưa ông đi điều trị, đều đặn 1 tháng tái khám 1 lần tại Bệnh viện Chợ Rẫy, cuối tháng 11 này, bệnh nhân sẽ tiếp tục điều trị can thiệp khối u gan bằng kỹ thuật TACE lần thứ 8. Từ năm 2014 biết được Quỹ hỗ trợ khám chữa bệnh người nghèo của tỉnh, ông N đã làm hồ sơ nộp và đã được giải quyết hỗ trợ chi phí điều trị 2 đợt 10 triệu đồng, hiện bệnh nhân tiếp tục nộp hồ sơ xin hỗ trợ đợt 3. Bà Hồ Thị B, vợ bệnh nhân cho biết: “Nhờ có mua thẻ BHYT tự nguyện từ 5 năm qua và gần 2 năm nay được Quỹ hỗ trợ khám chữa bệnh của tỉnh, gia đình cũng đỡ chi phí rất nhiều, chứ không thì cũng bán hết đất đai đang trồng cà phê để chữa bệnh, năm 2015 gia đình tôi đã rớt xuống diện hộ nghèo được cấp sổ”.
BSCK II Nguyễn Văn Thịnh - Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp Sở Y tế - Thư ký BQL Quỹ khám chữa bệnh người nghèo Lâm Đồng cho biết: Nhờ sự quan tâm của tỉnh, mỗi năm, dự toán ngân sách dành cho Quỹ khám chữa bệnh người nghèo của tỉnh từ 7 - 10 tỷ đồng; năm 2015, ngân sách phân bổ cho Quỹ 10 tỷ đồng cơ bản đáp ứng đủ thực tế việc cần hỗ trợ khám chữa bệnh người nghèo trong tỉnh; có năm 2013 ngân sách dành cho Quỹ 6 tỷ đồng nhưng thực chi hỗ trợ cho bệnh nhân hơn 7 tỷ đồng và cũng đã được tỉnh xem xét cấp bổ sung. Từ năm 2002 đến nay, tỉnh đã vận dụng nhiều chính sách và dự án (SIDA - Thụy Điển) để đảm bảo duy trì liên tục nguồn hỗ trợ khám chữa bệnh người nghèo, đặc biệt từ năm 2011 đến nay, số bệnh nhân được giúp đỡ điều trị các bệnh hiểm nghèo ngày càng nhiều hơn, góp phần tiếp sức cho bệnh nhân yên tâm chữa bệnh, đảm bảo an sinh xã hội và tính ưu việt của nhà nước ta.
DIỆU HIỀN