Để chủ động PCCCR có hiệu quả và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị quản lý rừng và các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện nghiêm các nội dung. Và, Chủ tịch UBND huyện, thành phố "phải xác định công tác PCCCR là nhiệm vụ trọng tâm của chính quyền các cấp trong suốt mùa khô".
Tháng 10/2015, hiện tượng El Nino ở Việt Nam đã bắt đầu, trước 1 tháng so với năm 2014, và sẽ kéo dài mạnh nhất trong vòng 60 năm là nhận định của các nhà khoa học. Ngày 7/1/2015, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng ký ban hành Chỉ thị 01/CT-UBND về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) mùa khô, trong đó nhấn mạnh: Để chủ động PCCCR có hiệu quả và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị quản lý rừng và các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện nghiêm các nội dung. Và, Chủ tịch UBND huyện, thành phố “phải xác định công tác PCCCR là nhiệm vụ trọng tâm của chính quyền các cấp trong suốt mùa khô”.
|
Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm kiểm tra đột xuất công tác PCCCR mùa khô cao điểm |
Ghi nhận PCCCR mùa khô 2014 - 2015
Mùa khô năm 2014 - 2015, các địa phương trong toàn tỉnh đã được thẩm định phương án PCCCR với kinh phí gần 14 tỷ đồng. Địa bàn toàn tỉnh xảy ra 33 vụ cháy với 80,64 ha; trong đó cháy rừng trồng 10 vụ với 27,2ha; cháy rừng tự nhiên 8 vụ với 9,52ha và cháy thảm cỏ, cây bụi dưới tán rừng 15 vụ với 43,92ha. Đáng khích lệ là đánh giá tổng thể, các vụ cháy đã được lực lượng chữa cháy kiểm lâm và chủ rừng dập tắt kịp thời nên hầu như không gây thiệt hại nhiều về tài nguyên rừng, chỉ thiệt hại một phần diện tích rừng mới trồng trong thời gian chăm sóc. So với mùa khô 2013 - 2014, số vụ cháy và diện tích giảm 7 vụ (50,92ha). Tuy nhiên, số vụ cháy rừng trồng, rừng tự nhiên có tăng cả về số vụ và diện tích (cháy rừng trồng tăng 3 vụ với 12,34ha và cháy rừng tự nhiên 4 vụ với 0,22ha). Tình hình vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng qua cháy rừng vẫn còn diễn ra khá phức tạp, không những không giảm mà còn gia tăng. Nguyên nhân là thời tiết khô hanh, nắng nóng gay gắt; phong tục tập quán của người dân địa phương, người dân sử dụng lửa bất cẩn trong đốt nương làm rẫy, lấy mật ong, chăn thả gia súc, đi tảo mộ...
Mùa khô năm 2013 - 2014, ngân sách tỉnh đầu tư cho hạng mục hợp đồng Tổ đội 3 tháng cao điểm mùa khô 4,342 tỷ đồng (chiếm 30,5% tổng kinh phí PCCCR toàn tỉnh) nhưng không đạt hiệu quả như mong muốn. Vì vậy, mùa khô năm 2014 - 2015, ngành NN&PTNT thí điểm tại 3 địa phương là Đà Lạt, Đức Trọng và Lạc Dương mô hình hợp đồng Tổ đội 3 tháng cao điểm giữa người dân thay vì với chủ rừng gồm 75 người. Quan sát từ thực tiễn bảo vệ rừng và trực tiếp gặp những người dân trong tổ đội, các chủ rừng, chúng tôi khẳng định mô hình đổi mới này đã thực sự vượt trội tính ưu việt. Trao đổi với ông Nguyễn Khang Thiên - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng, ông khẳng định: “Mùa khô năm 2015 - 2016 này, chúng tôi đã đúc kết những kết quả và kinh nghiệm của mô hình hợp đồng mới đã đạt được từ 3 địa bàn thí điểm nên quyết định triển khai trên toàn tỉnh. Mặt khác, năm nay chúng tôi tham mưu cho Sở NN&PTNT tổ chức tập huấn xây dựng phương án PCCCR mùa khô vừa sớm hơn vừa mở rộng đối tượng tham dự”.
Hi vọng một mùa khô hạn chế thấp nhất cháy rừng
Đợt tập huấn hướng dẫn xây dựng phương án PCCCR vừa kết thúc trong tháng 10 do Chi cục Kiểm lâm tổ chức. Đối tượng tham dự bao gồm lãnh đạo và cán bộ kỹ thuật của các Ban quản lý rừng, các công ty TNHH MTV lâm nghiệp, Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR số 1 và 2; Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà. Theo đó, mục đích xây dựng phương án PCCCR đặt ra hết sức rõ ràng là: bảo vệ rừng an toàn về lửa, hạn chế đến mức thấp nhất sự xuất hiện cháy rừng và thiệt hại do cháy rừng gây ra. Vì vậy, phương án PCCCR phải đạt được các biện pháp phòng cháy rừng (PCR) và các điều kiện an toàn về phòng cháy rừng; các tình huống cụ thể có thể xảy ra, khả năng cháy lan, phát triển của đám cháy theo các mức độ khác nhau và tình huống cháy lớn, phức tạp nhất; kế hoạch huy động, sử dụng lực lượng, phương tiện tổ chức chỉ huy, biện pháp kỹ thuật, chiến thuật chữa cháy và công việc phục vụ chữa cháy phù hợp với từng giai đoạn của tình huống cháy. Phương án PCCCR phải được bổ sung chỉnh lý kịp thời khi có những thay đổi về tính chất, đặc điểm nguy hiểm về cháy và các điều kiện liên quan đến hoạt động chữa cháy. Mặt khác, phương án PCCCR phải phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội và kinh phí đầu tư; nội dung các công việc PCCCR phải cụ thể, thiết thực, thực hiện đồng bộ các biện pháp PCR có hiệu quả và khả thi như xử lý tình huống khi có xảy ra cháy rừng ở các mức độ khác nhau theo phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy, lực lượng, phương tiện và hậu cần) và khả năng huy động chữa cháy rừng khi có cháy lớn xảy ra. Xác định các trọng điểm cháy trên lâm phần quản lý để đề ra các phương án PCCC phù hợp và hiệu quả. Đưa công tác PCCCR vào nề nếp, vận hành theo một cơ chế thống nhất, chủ động trước các tình huống cháy rừng xảy ra. Thủ trưởng các đơn vị phải chịu trách nhiệm về tính xác thực và hiệu quả của phương án PCCCR đã lập.
Trên cơ sở những mục đích và yêu cầu đặt ra nêu trên, đợt tập huấn đã cụ thể hóa một số nội dung để người tiếp nhận thông tin nắm chắc và triển khai thực hiện tại đơn vị, cơ sở của mình. Đó là giải pháp làm giảm vật liệu cháy, trong đó đối tượng rừng ưu tiên đầu tư kinh phí bao gồm: rừng thông non trong giai đoạn nuôi dưỡng có chiều cao dưới 8m chưa qua (hoặc mới qua) nuôi dưỡng; rừng cảnh quan du lịch (cụ thể 2 bên đèo Prenn, đường Mimoza, đường vào Khu du lịch hồ Tuyền Lâm và Đan Kia - Suối Vàng; các khu rừng nội ô có thực bì từ cấp I trở lên và đường lên đỉnh Lang Biang; đoạn đường đèo Bảo Lộc). Đó còn là rừng trồng trong giai đoạn chăm sóc phải tiến hành làm cỏ, vun xới. Cùng đó, nội dung tập huấn cũng phân loại cụ thể đối tượng khác như rừng hạn chế đầu tư kinh phí làm giảm vật liệu cháy; rừng không đầu tư kinh phí. Phương án PCCCR còn phải xác định cụ thể về diện tích, chu kỳ làm giảm vật liệu cháy...; về các biện pháp, kế hoạch cụ thể trong từng lĩnh vực như tuyên truyền, tổ chức tuần tra canh gác, thông tin liên lạc...; thiết bị, chế độ chính sách; đối tượng và thời gian hợp đồng; các phương án huy động chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra... Với những nội dung thiết thực vừa nêu; những kinh nghiệm và kết quả đạt được từ mùa khô năm 2014 - 2015, cùng sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh, hi vọng mùa khô năm 2015 - 2016 này rừng Lâm Đồng sẽ giảm thiểu tối đa thiệt hại do nguyên nhân từ cháy.
MINH ĐẠO