"Điều may mắn và hạnh phúc nhất là sau khi tốt nghiệp đại học sư phạm ở TP Hồ Chí Minh về, tôi được dạy chính con em của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) mình. Với tôi, 17 năm tuổi nghề chưa phải là quá dài để cống hiến cho sự nghiệp "trồng người", nhưng cũng đủ để bản thân nhận rõ được trách nhiệm đối với thế hệ trẻ đồng bào DTTS huyện nhà…" - cô giáo Mo Lom Thúy thực sự trải lòng khi tâm sự với chúng tôi.
“Điều may mắn và hạnh phúc nhất là sau khi tốt nghiệp đại học sư phạm ở TP Hồ Chí Minh về, tôi được dạy chính con em của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) mình. Với tôi, 17 năm tuổi nghề chưa phải là quá dài để cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”, nhưng cũng đủ để bản thân nhận rõ được trách nhiệm đối với thế hệ trẻ đồng bào DTTS huyện nhà…” - cô giáo Mo Lom Thúy thực sự trải lòng khi tâm sự với chúng tôi.
|
Cô giáo Mo Lom Thúy |
Cô giáo Mo Lom Thúy là người DTTS K’Ho, sinh ra và lớn lên ở thôn Di Linh Thượng (xã Gung Ré, huyện Di Linh). Năm 1998, sau khi tốt nghiệp ra trường, cô được phân công về dạy tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PT DTNT) huyện Di Linh. Phần lớn học sinh trong trường là con em đồng bào DTTS K’Ho. Ngoài nhiệm vụ chính là dạy môn Ngữ văn, cô còn được nhà trường phân công kiêm nhiệm rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh.
Theo tâm sự của cô giáo Mo Lom Thúy, là một giáo viên, trước hết là phải tự mình thấm nhuần đạo đức nghề nghiệp; có lối sống trong sáng, giản dị, hòa đồng với đồng nghiệp; có mối quan hệ với phụ huynh học sinh… để luôn là tấm gương tốt với học sinh, với nhà trường. Là một giáo viên chủ nhiệm, cô luôn trăn trở và xác định mình như một người thân trong gia đình các em học sinh vậy. Bởi vì, các em sống xa gia đình, chưa đủ ý thức tự chăm lo cho bản thân mình, nên cô hết lòng yêu thương các em. Cô nói: “Khi được nhà trường phân công chủ nhiệm lớp nào, điều đầu tiên, tôi phải cố gắng theo sát từng bước chân của các em tìm hiểu hoàn cảnh, tâm tư, nguyện vọng của từng học sinh để rồi cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ các em vượt qua khó khăn trong học tập cũng như trong sinh hoạt, đời sống. Tôi luôn dành những lời khuyên bổ ích khi các em gặp những vướng mắc và luôn khích lệ, khen ngợi khi các em làm được điều hay”.
Với mình, cô giáo Mo Lom Thúy luôn đồng hành cùng các em trong việc học tập cũng như trong việc tham gia các phong trào của nhà trường. Ngoài ra, cô còn liên hệ chặt chẽ với các giáo viên bộ môn khác để nắm bắt tình hình học tập của các em học sinh. Ở Trường PT DTNT Di Linh, mức độ tiếp thu kiến thức của học sinh DTTS có những hạn chế nhất định. Từ thực tế qua nhiều năm giảng dạy tại trường, điều mà cô giáo Mo Lom Thúy rút ra là học sinh DTTS muốn học được các môn khác, trước tiên là các em phải học tốt môn Ngữ văn. Đây là điều mà cô luôn trăn trở và có trách nhiệm trong việc giảng dạy. Ngoài ra, biết được các em học yếu môn Toán và môn Anh văn, cô thường trao đổi với giáo viên bộ môn để giúp các em rèn luyện thêm trong những tiết phụ đạo. Chính sự quan tâm đó của cô, giáo viên bộ môn nhiệt tình hơn trong việc giúp đỡ học sinh yếu. Nhờ vậy, lớp học của cô chủ nhiệm luôn đạt kết quả tốt trong học tập cũng như trong các phong trào và thường là lớp tiên tiến xuất sắc của Trường. Trong năm học này, trường giao nhiệm vụ cô làm chủ nhiệm lớp có nhiều học sinh yếu nhất.
Trong quá trình giảng dạy môn Ngữ văn, để dạy hay, học tốt, cô giáo Mo Lom Thúy luôn khiêm tốn học hỏi ở đồng nghiệp những kinh nghiệm về chuyên môn và cách giải quyết các tình huống sư phạm để từ đó tìm ra cho mình cách giảng dạy tốt và có hiệu quả nhất. Ngoài giờ lên lớp, cô còn được phân công trực ngoài giờ để giúp đỡ các em trong ăn ở, sinh hoạt và rèn luyện thêm cho các em kỹ năng trong cuộc sống. Cô còn phối hợp với Tổ Sinh làm những chuyên đề giáo dục, hướng dẫn kỹ năng vệ sinh cá nhân tuổi mới lớn; cách sử dụng trang phục; cách giao tiếp, ứng xử… Ngoài ra, nhà trường còn phân công cô tham gia Tổ Tư vấn học đường để giúp học sinh cởi mở, chia sẻ với cô giáo, với nhà trường, với Tổ Quản lý, cấp dưỡng những điều mà các em khó nói, còn ngại ngùng và những mong muốn, đề xuất trong việc ăn uống, sinh hoạt hoặc sự bất hòa thỉnh thoảng phát sinh trong khu nội trú. Điều thuận lợi ở Mo Lom Thúy, cô là người K’Ho nên rất dễ gần gũi, tiếp xúc với các em ngoài giờ học.
Mo Lom Thúy tuy là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, giáo viên dạy giỏi và chủ nhiệm giỏi cấp trường nhiều năm, nhưng trong cô vẫn còn trăn trở là làm thế nào tiếp tục phấn đấu rèn luyện, từng bước hoàn thiện để dành trọn tâm huyết với học trò. Bởi, nhà trường vẫn còn học sinh yếu; chất lượng giáo dục luôn đòi hỏi phải được nâng cao.
BÙI TRƯỞNG