Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh vừa kết thúc đợt kiểm tra công tác quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) sau hơn 5 tháng thực hiện nhiệm vụ theo chỉ đạo của UBND tỉnh (tại Quyết định số 1113/QĐ-UBND ngày 18.5.2015). Đầu tháng 11 mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt đã có buổi làm việc với đoàn kiểm tra liên ngành, nghe đoàn báo cáo kết quả kiểm tra và Chủ tịch UBND tỉnh đã có những kết luận quan trọng.
Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh vừa kết thúc đợt kiểm tra công tác quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) sau hơn 5 tháng thực hiện nhiệm vụ theo chỉ đạo của UBND tỉnh (tại Quyết định số 1113/QĐ-UBND ngày 18.5.2015). Đầu tháng 11 mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt đã có buổi làm việc với đoàn kiểm tra liên ngành, nghe đoàn báo cáo kết quả kiểm tra và Chủ tịch UBND tỉnh đã có những kết luận quan trọng.
|
Nhiều cánh rừng ở vùng sâu bị đốn hạ nằm ngoài tầm kiểm soát của lực lượng chức năng |
Cùng với việc ghi nhận những cố gắng của đoàn, những nỗ lực của các địa phương và đơn vị trong QLBVR, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã chỉ ra những hạn chế đáng quan tâm: Công tác QLBVR và đất lâm nghiệp ở các địa phương tuy có cố gắng nhưng hiệu quả chưa cao; các đơn vị, địa phương chưa dành nhiều thời gian cho công tác QLBVR và đất lâm nghiệp; lãnh đạo cấp huyện, cấp xã ít đi kiểm tra công tác QLBVR như chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; các biện pháp, giải pháp chưa quyết liệt; số vụ vi phạm chưa xác định được đối tượng còn nhiều, nhiều vụ việc hồ sơ liên quan chưa đầy đủ, đúng quy định; xử lý vi phạm chưa triệt để; việc khắc phục hậu quả vi phạm còn chậm trễ; trách nhiệm của một số ban quản lý rừng, doanh nghiệp thuê đất, thuê rừng để đầu tư dự án chưa cao; có địa phương, đơn vị xử lý không đúng thẩm quyền; chưa thể hiện sự quyết liệt trong xử lý vi phạm, có vụ việc còn để kéo dài nên tính răn đe, giáo dục trong nhân dân chưa cao.
Để làm tốt hơn công tác QLBVR trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu giám đốc và tập thể lãnh đạo các công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp, các ban quản lý rừng trên địa bàn tỉnh và Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà “Tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, xử lý kỷ luật đối với tập thể, người đứng đầu và các cá nhân liên quan có sai phạm trong công tác QLBVR, quản lý đất lâm nghiệp, khoáng sản...”. Cùng đó, Chủ tịch UBND tỉnh còn yêu cầu chủ tịch UBND các huyện và TP “tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan đến những thiếu sót, sai phạm trong công tác QLBVR, đất lâm nghiệp, khai thác khoáng sản trên địa bàn, xử lý, đề xuất xử lý theo quy định...”. Cụ thể hơn, Chủ tịch UBND tỉnh còn yêu cầu chủ tịch UBND các huyện Lạc Dương, Lâm Hà, Di Linh và Bảo Lâm ngoài việc tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của tập thể và cá nhân liên quan ở cấp huyện còn phải chỉ đạo UBND các xã Đạ Sar, Đạ Nhim, thị trấn Lạc Dương (huyện Lạc Dương), Phúc Thọ, Tân Thanh (Lâm Hà), Tam Bố, Đinh Trang Thượng (Di Linh), Lộc Ngãi, Lộc Tân, Lộc Bảo (Bảo Lâm) và các ban quản rừng phòng hộ Đa Nhim, Tà Nung, Lán Tranh, Nam Ban, Tân Thượng và Đạm Bri phải kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức và cá nhân liên quan đến các vi phạm trong công tác QLBVR; riêng đối với lãnh đạo và chuyên viên của Phòng Tài nguyên và môi trường huyện Lâm Hà, chính quyền và cơ quan chức năng phải tiến hành kiểm điểm và xử lý kỷ luật các cá nhân của phòng này vì đã tham mưu xử lý vi phạm không đúng quy định trong một số vụ việc cụ thể.
Với Sở NN-PTNT, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo: Chủ trì, phối hợp với Sở TN-MT và UBND các huyện và TP kiểm tra, rà soát và đưa toàn bộ diện tích đất có rừng đang quy hoạch ngoài lâm nghiệp vào trong quy hoạch 3 loại rừng để thống nhất quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; kiểm tra, đánh giá hiệu quả của công tác giao khoán đất rừng sản xuất; tổng hợp diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm đã được giải tỏa trên địa bàn tỉnh để đưa vào kế hoạch trồng lại rừng trong năm 2016... Với riêng lực lượng kiểm lâm, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở NN-PTNT (đơn vị chủ quản) chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tiến hành kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, trên cơ sở đó có hình thức xử lý phù hợp theo quy định của pháp luật đối với tập thể, lãnh đạo và công chức kiểm lâm có liên quan của các hạt kiểm lâm Lạc Dương, Di Linh và Bảo Lâm do chưa làm tròn trách nhiệm, chưa thường xuyên tuần tra, kiểm tra, kịp thời ngăn chặn, lập hồ sơ xử lý vi phạm; để xảy ra nhiều sai phạm trong công tác QLBVR trong thời gian dài làm tài nguyên rừng bị thiệt hại nghiêm trọng trên địa bàn...
Với môt số vụ việc cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã tỏ ra khá mạnh tay: Giao cho Sở TN-MT chỉ đạo, kiểm tra, lập hồ sơ xử lý theo quy định đối với Công ty TNHH Xây dựng thương mại Bảy Tài và Công ty TNHH An Việt đã có hành vi vi phạm khai thác khoáng sản và đào bới (san ủi) đất ngoài ranh giới cho phép tại huyện Bảo Lâm. Cùng đó, UBND tỉnh còn giao cho Công an tỉnh Lâm Đồng khẩn trương điều tra, hoàn tất hồ sơ đối với các vụ vi phạm đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam đối tượng để đưa ra xét xử công khai như các vụ ken cây, hủy hoại rừng, khai thác gỗ trái phép tại các huyện Lạc Dương, Bảo Lâm, Đạ Tẻh, Cát Tiên và TP Bảo Lộc.
Như trên vừa nêu có thể thấy, lần này, UBND tỉnh Lâm Đồng đã tỏ rõ sự kiên quyết trong việc xử lý trách nhiệm của tập thể và cá nhân có liên quan trong vi phạm về QLBVR. Tuy nhiên, từ ý kiến chỉ đạo đến thực tế vẫn còn một khoảng cách; bởi vậy, vấn đề đáng quan tâm trong lúc này là việc thực thi của các cơ quan hữu trách và chính quyền các địa phương trong tỉnh.
THI HOÀNG