Từ tay "trắng" làm nên

08:11, 10/11/2015

"Năm 1992, gia đình tôi từ Lạc Sơn (tỉnh Hòa Bình) chuyển vào thôn 7, xã Tân Thượng (nay là xã Tân Lâm), huyện Di Linh để sinh cư lập nghiệp. Ban đầu mới chuyển về đây, từ tay "trắng", gặp rất nhiều khó khăn, song nhờ sự nỗ lực, không ngại gian khổ, gia đình tôi đã dần dần phát triển kinh tế, ổn định đời sống và vươn lên làm giàu" - anh trải lòng với chúng tôi. 

Ông Bùi Duy Hùng
Ông Bùi Duy Hùng
“Năm 1992, gia đình tôi từ Lạc Sơn (tỉnh Hòa Bình) chuyển vào thôn 7, xã Tân Thượng (nay là xã Tân Lâm), huyện Di Linh để sinh cư lập nghiệp. Ban đầu mới chuyển về đây, từ tay “trắng”, gặp rất nhiều khó khăn, song nhờ sự nỗ lực, không ngại gian khổ, gia đình tôi đã dần dần phát triển kinh tế, ổn định đời sống và vươn lên làm giàu” - anh trải lòng với chúng tôi. 
 
Anh là Bùi Duy Hùng, người dân tộc Mường (ở thôn 7, xã Tân Lâm). Theo lời anh kể, buổi ban đầu từ tỉnh Hòa Bình vào thôn 7 lập nghiệp, gia đình anh nghèo lắm. Qua nhiều năm tháng miệt mài, chịu khó, hiện gia đình anh đang sở hữu 2,3 hecta đất chuyên canh cây cà phê. Trước đây, cũng như mọi người trong xã, gia đình anh trồng cà phê vối (cà phê Robusta) giống cũ, chưa được chọn lựa, nên năng suất và hiệu quả không cao. Nhờ được dự các lớp tập huấn, tham quan, học tập kinh nghiệm những “lão nông tri điền” và những mô hình thâm canh ở các địa phương, anh đã biết cách trồng và chăm sóc cà phê. Anh là một trong những nông dân đầu tiên trong xã thực hiện tái canh cà phê, bằng cách trồng lại và ghép bằng giống cà phê cao sản. 
 
“Năm 2008, tôi đã tái canh (ghép và trồng lại) hoàn toàn diện tích cà phê của gia đình; đồng thời, thường xuyên liên hệ với Trung tâm Nông nghiệp huyện và các công ty cây giống để tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật chăm sóc. Nhờ vậy, sản lượng cà phê của gia đình ngày càng cao. Hiện nay, năng suất cà phê đã đạt trên 5 tấn/hecta và sản lượng bình quân hàng năm đạt từ 12 đến 14 tấn nhân” - anh Hùng cho biết. Ngoài ra, để tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình, năm 2010, anh là nông dân đầu tiên ở thôn 7 đã đầu tư trên 200.000.000 đồng để đào 800m2 ao nuôi cá Lăng và ba ba. Sau khi nuôi thử thành công 300 con cá Lăng và 700 con ba ba, hàng năm, anh tiếp tục duy trì nuôi cá và ba ba, tạo thêm nguồn thu nhập trên 60.000.000 đồng/năm. Nhờ đó, tổng thu nhập hàng năm của gia đình anh đạt khoảng 450.000.000 đồng. Với hoàn cảnh của mình, anh Hùng cho rằng, đạt được mức thu nhập này thì quả thật là một “kỳ tích”. 
 
Ngoài việc chịu khó lao động sản xuất và trở nên khá giả, gia đình anh Bùi Duy Hùng còn là một “gia đình văn hóa” tiêu biểu, đi đầu trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Bản thân anh đã có một thời gian tham gia công tác xã hội tại địa phương. Từ năm 2009 đến năm 2013, anh được bà con tín nhiệm giao nhiệm vụ làm Trưởng thôn, Trưởng Ban vận động phong trào xây dựng đời sống văn hóa thôn. Gia đình anh luôn gương mẫu, chấp hành tốt chủ trương, chính sách và pháp luật của Đảng và Nhà nước; thực hiện tốt quy ước, hương ước cộng đồng; chấp hành nghiêm túc và đóng góp đầy đủ các khoản thuế cũng như các quỹ do thôn và cấp trên vận động. 
 
Cùng với việc chăm lo phát triển kinh tế gia đình và công tác xã hội tại địa phương, anh Bùi Duy Hùng còn tích cực và sẵn lòng hỗ trợ những gia đình nghèo khó để cùng vươn lên trong cuộc sống. Trong những năm qua, anh đã hỗ trợ nhiều gia đình vay tiền không tính lãi; cung cấp mầm chồi cà phê giống cao sản giúp những gia đình có nhu cầu ghép, cải tạo vườn cà phê. Trong phong trào “Chung tay xây dựng nông thôn mới”, năm 2013, gia đình anh đã hỗ trợ 6 triệu đồng để xây dựng hội trường thôn (ngoài định mức đã đóng góp 400.000 đồng/hộ); năm 2014, gia đình anh đã hiến trên 300m2 đất (đã trồng cà phê) để mở đường vào các xóm và khu sản xuất. Ngoài ra, anh còn hỗ trợ tiền để kịp thời động viên phong trào và khích lệ các hoạt động văn nghệ, thể dục, thể thao của thôn và của xã. 
 
Trong nhiều năm, gia đình anh Bùi Duy Hùng được bà con bình chọn và được chính quyền địa phương công nhận là “gia đình văn hóa” tiêu biểu. Kinh tế gia đình ổn định và khá giả, vợ chồng hòa thuận và hạnh phúc, 2 con đều chăm ngoan và học hành tiến bộ là những điều mà anh từng mơ ước nay đã thành hiện thực. Con lớn đã học xong trung cấp và đã có việc làm tại Bình Dương. Con thứ hai đang học tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện. Gia đình anh Bùi Duy Hùng cũng đã góp phần làm vinh danh thôn 7 (Tân Lâm), một “thôn văn hóa” tiêu biểu trong nhiều năm và là một “khu dân cư an toàn”, “khu dân cư không có tội phạm”.
 
XUÂN LONG