Vươn lên từ nghề dệt thổ cẩm

08:11, 06/11/2015

Chị Bon Niêng K'Gút - xã Đưng K'Nớh - Lạc Dương là một trong những điển hình phụ nữ dân tộc thiểu số làm kinh tế giỏi của tỉnh Lâm Đồng năm 2015. Tại hội nghị biểu dương, chị báo cáo tham luận về "Hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số vươn lên xóa đói giảm nghèo, xây dựng gia đình hạnh phúc bằng nghề dệt thổ cẩm trong gia đình".

Chị Bon Niêng K’Gút - xã Đưng K’Nớh - Lạc Dương là một trong những điển hình phụ nữ dân tộc thiểu số làm kinh tế giỏi của tỉnh Lâm Đồng năm 2015. Tại hội nghị biểu dương, chị báo cáo tham luận về “Hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số vươn lên xóa đói giảm nghèo, xây dựng gia đình hạnh phúc bằng nghề dệt thổ cẩm trong gia đình”.
 
Chị Bon Niêng K’Gút - Lạc Dương
Chị Bon Niêng K’Gút - Lạc Dương
Gia đình chị K’Gút có 12 anh chị em (4 nam, 8 nữ) đều lập gia đình ra ở riêng; K’Gút là con út trong nhà ở cùng bố mẹ. Năm 2010, chị lập gia đình và sống chung bố mẹ, chăm sóc cho người bố bị bệnh tim nặng, đã qua đời không lâu sau đó và mẹ già 70 tuổi; lúc ấy, chị gái của K’Gút đang học ngành Y Đại học Tây Nguyên năm thứ 5, đời sống gia đình K’Gút gặp nhiều khó khăn thiếu thốn trăm bề. Đến năm 2012, chị gái K’Gút ra trường nhận nhiệm vụ ở chung và chăm sóc mẹ, vợ chồng chị K’Gút được ra sống riêng.
 
Cuộc sống mới với một gia đình 2 vợ chồng, 2 con, không có tài sản gì để lại, gia đình K’Gút tự khai phá 0,5ha đất ban đầu và trồng cà phê. Hai vợ chồng vừa đi làm thuê, làm mướn, vừa khai phá thêm đất đai đến nay được  1,5ha đất sản xuất trồng cà phê. Kinh tế của gia đình chỉ trông cậy vào cà phê, phụ thuộc vào cà phê nhưng không thoát được cảnh túng thiếu. Vợ chống K’Gút bàn nhau cùng làm dệt thổ cẩm là nghề truyền thống của gia đình chị K’Gút từ bao đời nay truyền lại. Hàng tháng, K’Gút sắp xếp thời gian làm công việc vườn tược, thời gian còn lại chị tranh thủ dệt thổ cẩm vừa nâng cao tay nghề để có sản phẩm đẹp. Ban đầu, 1 tháng sản phẩm được hoàn thành chỉ 1-2 tấm dệt, dần dần chị dành nhiều thời gian dệt, tay nghề được cải thiện, sản phẩm tăng lên 5-6 tấm dệt/tháng. Giá cả sản phẩm từ 500 ngàn-600 ngàn đồng/tấm dệt sợi mua, còn sợi nhuộm thủ công truyền thống có giá từ  1-1,2 triệu đồng/tấm. Nhờ đó, đời sống kinh tế gia đình K’Gút có bước phát triển đáng kể từ nghề dệt thổ cẩm, đem lại thu nhập 80 triệu đồng/năm. 
 
Khi tay nghề tốt, sản phẩm đáp ứng được yêu cầu khách hàng, K’Gút hướng dẫn cho chị em có ước muốn làm nghề dệt để cải thiện kinh tế gia đình. K’Gút truyền cho các chị cách dệt các loại hoa văn khác nhau theo truyền thống dân tộc của Lạc Dương. Đặc biệt, 8 chị em trong gia đình K’Gút đều biết dệt thổ cẩm để duy trì nghề truyền thống gia đình và nâng cao tay nghề. Chị K’Gút trăn trở: “Những sản phẩm làm ra chỉ mang tính truyền thống và chưa được phát triển rộng trên thị trường, chủ yếu bà con sử dụng để may mặc như: áo, ui, trang phục trong các đám cưới, đám tang, lễ hội theo phong tục truyền thống. Vì vậy, sản phẩm làm ra được sử dụng trong cộng đồng dân tộc thiểu số cùng một nền văn hóa riêng, việc tiêu thụ sản phẩm chậm, một số ít bán cho khách du lịch. Nhờ chủ động tích cực tìm các mối quan hệ tiêu thụ sản phẩm và không ngừng cải tiến mẫu mã, nghề dệt của K’Gút vẫn có chỗ đứng trong làng giúp cải thiện thu nhập và duy trì bảo tồn được nghề dệt thổ cẩm mang đậm bản sắc truyền thống văn hóa dân tộc mình. 
 
Cuộc sống gia đình ổn định, K’Gút dành thời gian tham gia tích cực các phong trào thi đua của Hội phụ nữ địa phương, giúp đỡ các hội viên có hoàn cảnh khó khăn, thực hiện tốt 8 tiêu chí của cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” và thực hiện tốt chuẩn mực gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”.
 
AN NHIÊN