Đó là vấn đề cốt lõi mà hội thảo về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước" do Sở VH-TT-DL Lâm Đồng tổ chức tại Resort Terracotta (KDL hồ Tuyền Lâm) ngày 26/11.
Toàn cảnh hội thảo |
Đề dẫn của bà Nguyễn Thị Nguyên - Giám đốc Sở VH-TT-DL Lâm Đồng nêu rõ: Trong thời gian qua, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh các hoạt động: xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới; bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc, đặc biệt là các dân tộc bản địa; tăng cường ngoại giao văn hóa; giáo dục con người văn hóa trong nhà trường; nâng cấp đồng bộ thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở... Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận rằng những kết quả đạt được chưa cao, chưa tạo thành động lực, có sức lan tỏa lớn trong tập thể, cộng đồng. Sự quan tâm phát triển văn hóa chưa ngang tầm với phát triển xã hội.
Chúng tôi xin giới thiệu một số ý kiến thiết thực, tâm đắc:
* Ông Trần Trung Hiếu (Phó Bí thư Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh): Văn hóa Đảng phải cắm rễ sâu vào văn hóa dân tộc, mang những giá trị tinh túy nhất, tinh hoa nhất của văn hóa dân tộc.
Xây dựng văn hóa trong chính trị, trước hết phải quan tâm đến xây dựng văn hóa Đảng, và vấn đề này có nhiều nội dung, nhiệm vụ, trong đó trên hết và cốt lõi là vai trò tiên phong của mỗi đảng viên. Để góp phần xây dựng con người Việt Nam có nhân cách, lối sống tốt đẹp, lành mạnh là trọng tâm của nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Là lực lượng tiên phong, tổ chức lãnh đạo xã hội thì toàn Đảng và mỗi đảng viên phải thật sự trở thành biểu tượng của phẩm giá, đạo đức con người Việt Nam trong thời đại ngày nay. Văn hóa Đảng có đặc thù riêng, nhưng văn hóa Đảng cũng là một bộ phận của văn hóa dân tộc, bộ phận tiên tiến nhất, ưu tú nhất. Văn hóa Đảng chỉ có thể được xây dựng trên nền tảng phát huy tinh hoa văn hóa dân tộc, cắm rễ sâu vào văn hóa dân tộc.
* Ông Nguyễn Ước (Nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Lạt): Cần phải đổi mới phương pháp tuyên truyền, giáo dục về văn hóa, về con người: tuyên truyền cần ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ vận dụng thì sẽ rộng khắp, lâu bền.
Đà Lạt đang xây dựng thành phố văn minh, thân thiện với 7 tiêu chí trọng tâm: xây dựng trang trí nhà cửa, hàng quán; giao tiếp ứng xử nơi công cộng; văn minh thân thiện trong tham gia giao thông; trong sản xuất kinh doanh, dịch vụ; trong ứng xử với môi trường thiên nhiên; tổ chức tang ma, cưới xin, lễ hội; xây dựng môi trường xã hội an toàn. Tất cả các tiêu chí đều thể hiện nội dung văn hóa, trình độ và phẩm chất con người. Tuy nhiên, muốn đi sâu, đi rộng, đủ sức cảm hóa trở thành dấu ấn nền tảng trong sinh hoạt mỗi người, mỗi nhà, cần phải đổi mới phương pháp tuyên truyền, giáo dục về văn hóa, về con người: tuyên truyền cần ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ vận dụng thì sẽ rộng khắp, lâu bền.
* Ông Phan Hoàng Anh (Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Lâm Đồng): Cán bộ phải làm gương cho nhân dân làm theo.
Bảo tồn văn hóa phải đi song hành với việc gạn lọc những giá trị văn hóa, loại bỏ hủ tục lạc hậu (thách cưới, lễ nghi tang ma) làm cho văn hóa phù hợp với sự phát triển. Cán bộ, đảng viên phải luôn làm gương cho nhân dân, kêu gọi nhân dân tiết kiệm, thực hiện nếp sống văn minh trong cưới xin, ma chay thì cán bộ, đảng viên phải là những người gương mẫu đi đầu cho nhân dân làm theo.
Trong thực trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống như tệ nạn xã hội, những vụ án kinh hoàng, bạo lực học đường; con người Đà Lạt - Lâm Đồng vẫn đối xử với nhau, đối xử với du khách trong cái tình. Phong cách ứng xử văn hóa của người Đà Lạt: hiền hòa, thanh lịch, mến khách đã được nhiều bè bạn khắp nơi khi đến với Đà Lạt - Lâm Đồng ngợi khen. Cần có cơ sở khoa học, triển khai thành một công trình nghiên cứu khoa học làm cơ sở để triển khai rộng rãi, coi đó là niềm tự hào, đi vào đời sống nhân dân như một quy ước, làm cho nét đẹp văn hóa đó ngày càng được nhân rộng lên, không bị mai một.
* Ông Trần Thanh Hoài (Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ): Văn hóa là công cụ, sức mạnh mềm trong ngoại giao
Khi khoảng cách về sức mạnh chính trị và kinh tế giữa các quốc gia ngày càng thu hẹp thì ngoại giao văn hóa trở thành một công cụ mang tính “sức mạnh mềm” gắn kết các quốc gia và là chìa khóa đối ngoại hiệu quả nhất. Muốn vậy, mỗi quốc gia, mỗi dân tộc phải xác định và định hình bản sắc riêng của mình để ngoại giao. Trong thời gian qua, Đà Lạt - Lâm Đồng đón nhiều đoàn khách cấp cao với 5.000 khách nước ngoài đến làm việc, tổ chức từ thiện, tham quan cơ sở sản xuất; đồng thời tỉnh đã cử gần 1.000 lượt cán bộ, công chức tham gia học tập, tham quan, trao đổi kinh nghiệm với các địa phương, các nước trên thế giới. Qua đó, đã đưa văn hóa, con người Đà Lạt - Lâm Đồng đến với bạn bè quốc tế, được bạn bè nhận diện và đánh giá cao. Phải bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giữ nét đẹp riêng của mình trong quá trình hội nhập.
|