Qua 5 năm thực hiện Đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2010 - 2020", ý thức dạy học, tự học, sử dụng ngoại ngữ của giáo viên, học sinh, sinh viên, người lao động được nâng lên rõ rệt. Ngành Giáo dục cũng đã có sự đầu tư cả về nguồn nhân lực và cơ sở vật chất cho việc dạy và học ngoại ngữ.
Qua 5 năm thực hiện Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2010 - 2020”, ý thức dạy học, tự học, sử dụng ngoại ngữ của giáo viên, học sinh, sinh viên, người lao động được nâng lên rõ rệt. Ngành Giáo dục cũng đã có sự đầu tư cả về nguồn nhân lực và cơ sở vật chất cho việc dạy và học ngoại ngữ.
|
Ngành Giáo dục thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu tiếng Anh giúp học sinh nâng cao kỹ năng học ngoại ngữ |
Theo số liệu của Sở GDĐT, tổng số giáo viên dạy tiếng Anh trên địa bàn tỉnh hiện nay gồm 1.297 giáo viên, trong đó: tiểu học 327 GV, THCS 580 GV, THPT 354 GV, cao đẳng 27 GV, GDTX 4 GV và TCCN 5 GV. Những năm qua, Sở GDĐT luôn chú trọng việc nâng cao trình độ cho giáo viên tiếng Anh bằng cách hợp tác với Cambridge, Trường Đại học Đà Lạt, Trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng, Công ty cổ phần giáo dục EMCO, Công ty 3A để bồi dưỡng, khảo sát và đánh giá năng lực giáo viên tiếng Anh. Tính đến tháng 5/2015, số giáo viên tiếng Anh được bồi dưỡng nâng cao năng lực ngôn ngữ tại địa phương là 718 giáo viên, đạt 55,35%. Bên cạnh đó, Sở GDĐT đã cử 19 giáo viên đi bồi dưỡng năng lực tiếng Anh tại Malaysia. Hiện nay, số giáo viên tiếng Anh đạt chuẩn là 666/1.297, chiếm 51,42%.
Từ năm học 2011 - 2012, Sở GDĐT bắt đầu triển khai chương trình tiếng Anh 10 năm từ lớp 3 ở cấp tiểu học, toàn tỉnh có 68/254 trường tham gia, đạt 14,79%; ở cấp THCS, năm học 2012 - 2013 triển khai chương trình tiếng Anh thí điểm ở 3 trường, đạt 0,09%; đối với bậc THPT, năm học 2013 - 2014 triển khai chương trình tiếng Anh thí điểm ở 3 trường, đạt 1,1%. Đến năm học 2015 - 2016, toàn tỉnh có 105/245 trường tiểu học tham gia đạt 44,82%, có 39/158 trường THCS tham gia đạt 7,3% và 7/59 trường THPT tham gia đạt 1,8%. Sở GDĐT cũng đã xây dựng đơn vị điển hình về dạy học ngoại ngữ năm học 2015 - 2016 với 3 đơn vị được chọn là Trường Tiểu học Nguyễn Trãi, Trường THCS Phan Chu Trinh và Trường THPT Bùi Thị Xuân (Đà Lạt). Theo đó, Trường Tiểu học Nguyễn Trãi đã mở rộng triển khai chương trình tiếng Anh 10 năm với 100% học sinh lớp 3 học tiếng Anh 4 tiết/tuần; Trường THCS Phan Chu Trinh tiếp tục triển khai chương trình tiếng Anh thí điểm ở lớp 9 và mở rộng ở các khối lớp khác; Trường THPT Bùi Thị Xuân tiếp tục triển khai chương trình tiếng Anh thí điểm lớp 12 và mở rộng ở các khối lớp khác. Các trường đều xây dựng CLB tiếng Anh và tổ chức hội thi hùng biện tiếng Anh nhằm tạo cơ hội cho các em phát triển kỹ năng nghe, nói và sử dụng ngôn ngữ. Ngoài ra, các trường còn tổ chức hoạt động giao lưu với một số giáo viên tiếng Anh nước ngoài và các trường bạn. Đồng thời, tổ chức các chuyên đề về phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển năng lực học sinh, xây dựng ngân hàng đề...; tăng cường cơ sở vật chất phục vụ dạy và học ngoại ngữ như hệ thống loa tại các lớp học, tủ sách tiếng Anh... Bên cạnh đó, cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học ngoại ngữ cũng được tăng cường đầu tư như lắp đặt 196 phòng học ngoại ngữ, trang bị 75 bảng tương tác thông minh Actiboard, máy chiếu, phần mềm học ngoại ngữ…
Tuy nhiên, việc thực hiện Đề án vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế như trình độ chuyên môn và năng lực ngôn ngữ của đội ngũ giáo viên tiếng Anh chưa đồng đều, số lượng giáo viên đạt chuẩn theo Khung năng lực ngoại ngữ quy định của Bộ GDĐT còn ít, hầu hết giáo viên dạy tiếng Anh cấp tiểu học chưa được đào tạo đúng chuyên ngành dạy tiếng Anh bậc tiểu học. Cùng với đó là chất lượng học tập môn tiếng Anh của đa số học sinh còn yếu, thời lượng dạy học ngoại ngữ 3 tiết/tuần đối với cấp THCS và THPT chưa đảm bảo thời gian để học sinh luyện tập các kỹ năng ngoại ngữ cần thiết...
“Để tiếp tục nâng cao hiệu quả của Đề án giai đoạn 2015 - 2020 thì việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, giảng viên ngoại ngữ ở các bậc học, cấp học là rất cần thiết. Sở GDĐT đang xây dựng lộ trình, chọn cử giáo viên trung học ở các bộ môn Toán, Lý, Hóa, Sinh đi học tiếng Anh chuyên ngành để dạy các môn này. Thời gian tới, theo kế hoạch sẽ bồi dưỡng và đánh giá năng lực tiếng Anh cho 630 giáo viên tiếng Anh trên toàn tỉnh theo khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam do Bộ GDĐT quy định. Đồng thời, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ việc dạy và học ngoại ngữ, đảm bảo 100% các trường lần lượt đều có phòng học tiếng nước ngoài và có phòng nghe nhìn. Thực hiện các chương trình hợp tác, trao đổi giáo viên với nước ngoài tham gia đào tạo ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục của tỉnh...”, ông Trần Đức Lợi - Phó Giám đốc Sở GDĐT nhấn mạnh.
VIỆT HÙNG