Gia Lâm không phải là xã được ưu tiên trong đầu tư xây dựng nông thôn mới (NTM), nhưng nhờ nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trong xã nên địa phương này là một trong hai xã đầu tiên về đích trong xây dựng NTM của huyện Lâm Hà. Trong phong trào xây dựng NTM, nơi đây đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, họ đã không ngần ngại bỏ tiền nhà để xây dựng NTM.
Gia Lâm không phải là xã được ưu tiên trong đầu tư xây dựng nông thôn mới (NTM), nhưng nhờ nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trong xã nên địa phương này là một trong hai xã đầu tiên về đích trong xây dựng NTM của huyện Lâm Hà. Trong phong trào xây dựng NTM, nơi đây đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, họ đã không ngần ngại bỏ tiền nhà để xây dựng NTM.
|
Cụ Nguyễn Văn Đài bên con đường bê tông do cụ cầm sổ đỏ vay ngân hàng đóng đối ứng xây dựng |
Cầm sổ đỏ vay ngân hàng xây dựng NTM
Thôn Gan Thi của xã Gia Lâm được thành lập năm 2005. Trước đây, Gan Thi là một thôn có địa bàn cách trở, đường sá đi lại khó khăn và tỷ lệ hộ nghèo trong thôn cao. Từ khi thực hiện phong trào xây dựng NTM, Gan Thi đã từng bước “thay da đổi thịt”. Đến nay, toàn thôn chỉ còn một hộ nghèo, đường bê tông và hệ thống điện thắp sáng đã về tận thôn. Nói về phong trào xây dựng NTM, người dân ở đây thường nhắc đến công lao của cụ Nguyễn Văn Đài - Chi hội trưởng Hội Người cao tuổi.
Cụ Nguyễn Văn Đài sinh năm 1937, nay đã gần 80 tuổi nhưng mắt vẫn sáng, tai vẫn tỏ và vẫn còn minh mẫn. Đặc biệt, trong phong trào xây dựng NTM, cụ luôn gương mẫu đi đầu cũng như tích cực tuyên truyền, vận động để người dân chung tay góp sức xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Tiêu biểu như năm 2012, thôn được nhà nước hỗ trợ xây dựng con đường bê tông với chiều dài hơn 600m và tổng kinh phí hơn 600 triệu đồng, trong đó, người dân phải đối ứng là 246 triệu đồng. Thế nhưng, do đời sống của nhiều hộ gia đình còn khó khăn và chưa đến mùa thu hoạch cà phê nên khi vận động đối ứng, người dân chỉ đóng góp được 46 triệu đồng. Trong tình cảnh đó, cụ Nguyễn Văn Đài đã không ngần ngại mang sổ đỏ của gia đình đi thế chấp ngân hàng vay 200 triệu đồng về kịp thời làm đường, khi nào người dân có sẽ đóng góp sau. Khi nghe tin ông vay tiền ngân hàng, nhiều người đã cảm thấy ái ngại cho ông. Thế nhưng, ông vẫn cương quyết thực hiện. Bên cạnh đó, gia đình ông cũng gương mẫu đóng góp hàng triệu đồng và hiến hơn 3.000m2 đất với trị giá khoảng 300 triệu đồng để làm đường. Ngoài ra, cụ Nguyễn Văn Đài tự bỏ tiền túi để mua dụng cụ như: cuốc, xẻng, bay, thước… để cho người dân trong thôn thi công đường bê tông.
Điều đáng nói là kinh tế gia đình ông Nguyễn Văn Đài cũng chẳng phải khấm khá gì so với nhiều hộ khác trong thôn. Hiện nay, con cái đã trưởng thành ở riêng, hai ông bà tuổi đã cao (cụ bà sinh năm 1938) vẫn đang sản xuất 3ha cà phê và dâu tằm. Thu nhập của gia đình ông thấp hơn nhiều so với nhiều gia đình khác trong thôn nhưng khi đóng góp xây dựng NTM ông luôn đi đầu. Trước đây, cụ Nguyễn Văn Đài cũng là người đi vận động xây cầu sắt bắc qua suối để con em đi học thuận tiện. Cụ Đài đồng thời là người đứng ra xin chủ trương và vận động quyên góp, tài trợ để xây dựng trường mầm non của thôn.
Tuy có nhiều đóng góp cho chương trình xây dựng NTM tại địa phương nhưng khi hỏi về công lao của mình, cụ Nguyễn Văn Đài nhỏ nhẹ cho biết: “Có gì đâu, là người cao tuổi nên mình phải gương mẫu để con cháu noi theo. Xây dựng NTM là mình làm mình hưởng, con cháu, người thân và bà con, chòm xóm mình hưởng chứ có ai vào đâu mà thiệt. Trước đây, mình đi lập nghiệp trên miền quê mới, đời sống khó khăn, nay được nhà nước hỗ trợ, mình phải tranh thủ đóng góp, chung tay xây dựng đời sống mới tươi đẹp hơn”.
“Đóng góp xây dựng NTM không nên so bì”
Đó là phát biểu của chị Nguyễn Thị Yên ở thôn 4 xã Gia Lâm. Hiểu được mục đích, ý nghĩa của chương trình xây dựng NTM nên gia đình chị Nguyễn Thị Yên rất tích cực và sẵn sàng đóng góp kinh phí để xây dựng công trình dân sinh tại địa phương.
Khi được vận động đóng góp đối ứng để làm đường giao thông thôn 4, nhiều hộ dân còn ngần ngại, khó khăn nên gia đình chị Nguyễn Thị Yên đã đứng ra đóng đối ứng hơn 100 triệu đồng để làm đường. Ngoài ra, chị cũng bỏ ra hơn 20 triệu đồng xây dựng đoạn đường bê tông với chiều dài 21m dẫn vào vườn của gia đình. Bên cạnh đó, ở các tuyến đường khác có đất hoặc vườn của gia đình, gia đình chị cũng tiên phong góp hàng chục triệu đồng. Tính đến nay, gia đình chị Nguyễn Thị Yên đã đóng góp xây dựng NTM tại địa phương gần 200 triệu đồng tiền mặt. Trong đó chưa kể 600m2 đất gia đình chị hiến để làm đường giao thông nông thôn. Chị Nguyễn Thị Yên cho biết: “Xây dựng NTM là mình làm cho mình, đóng góp xây dựng NTM không nên so bì, mình có điều kiện thì mình góp nhiều, không có điều kiện thì góp ít. Quan trọng là mình phải tranh thủ được sự hỗ trợ của nhà nước. Nếu người dân không kịp thời đóng đối ứng, cơ hội qua đi thì chưa biết khi nào mới làm được đường. Khi tôi bàn bạc với gia đình để đóng góp tiền làm đường NTM thì các thành viên trong gia đình đều đồng tình ủng hộ”.
Ông Đào Văn Hinh - Chủ tịch UBND xã Gia Lâm cho biết: “Khi triển khai chương trình xây dựng NTM tại địa phương, chúng tôi đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu và nhiệt tình tham gia. Vì vậy, chúng tôi đã phát huy được nội lực trong nhân dân, trong xây dựng NTM. Khi được huy động đóng góp cho chương trình xây dựng NTM, nhiều hộ dân đã tích cực, tự giác đóng góp với số tiền lớn để xây dựng hạ tầng cơ sở trên địa bàn. Hiện nay, Gia Lâm đã được công nhận xã đạt chuẩn NTM, nhưng trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, vận động để người dân tiếp tục phát huy vai trò chủ chể của mình, cùng góp sức để nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được và làm cho bộ mặt nông thôn của Gia Lâm ngày càng khang trang, sạch đẹp hơn”.
DUY NGUYỄN