Lâm Đồng là tỉnh miền núi phía Nam Tây Nguyên có diện tích rộng lớn, địa hình hiểm trở, là địa bàn hiểm yếu, có vị trí chiến lược quân sự rất quan trọng. Toàn tỉnh có 43 dân tộc, 12 tôn giáo khác nhau, là tỉnh có đặc điểm dân tộc tôn giáo đa dạng...
Lâm Đồng là tỉnh miền núi phía Nam Tây Nguyên có diện tích rộng lớn, địa hình hiểm trở, là địa bàn hiểm yếu, có vị trí chiến lược quân sự rất quan trọng. Toàn tỉnh có 43 dân tộc, 12 tôn giáo khác nhau, là tỉnh có đặc điểm dân tộc tôn giáo đa dạng. Nhân dân các dân tộc Lâm Đồng có truyền thống cách mạng, cần cù chịu khó, chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Những năm qua, KT-XH của tỉnh đạt được nhiều thành tựu to lớn, tình hình ANCT, TTATXH ổn định, QP-AN được giữ vững.
|
Tổ chức cho học sinh tham quan nhà truyền thống LLVT tỉnh |
Song trên địa bàn tỉnh cũng chứa đựng nhiều yếu tố phức tạp, khó lường. Các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh chiến lược “Diễn biến hòa bình”, lợi dụng vấn đề “dân tộc, tôn giáo, nhân quyền” để kích động ly khai, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, gây mất ổn định ANCT, TTATXH...
Đặc điểm đó đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh là phải giữ vững trận địa tư tưởng, củng cố lực lượng, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, thực sự là lực lượng nòng cốt bảo vệ Đảng, chính quyền, nhân dân, công cuộc phát triển KT-XH của tỉnh nhà.
Thực hiện Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới”, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Lâm Đồng đã đề ra những chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp hết sức thiết thực nhằm xây dựng LLVT tỉnh vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, phát huy ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết nội bộ, gắn bó máu thịt với nhân dân. Quá trình triển khai, thường xuyên kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục chính trị với phổ biến giáo dục pháp luật, giáo dục truyền thống gắn với thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”.
Sau 2 năm thực hiện Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới”, LLVT tỉnh Lâm Đồng có sự chuyển biến tích cực về tư tưởng, nhận thức và hành động, xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay, hiệu quả. Bộ CHQS tỉnh và các cơ quan, đơn vị đã kịp thời kiện toàn đội ngũ giảng dạy chính trị tại đơn vị; tổ chức chặt chẽ công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho các đối tượng theo quy định. Hiện nay, toàn tỉnh đã thành lập được 20 tổ giáo viên với 74 cán bộ giảng dạy chính trị, trong đó 25 đồng chí thường xuyên giảng dạy chính trị; có 2 giáo viên trình độ thạc sĩ, 55 giáo viên trình độ đại học, 17 giáo viên trình độ cao đẳng. Qua khảo sát có 100% đội ngũ giáo viên đạt trình độ khá giỏi, trong đó có 25% đạt giỏi. Hai năm liền Bộ CHQS tỉnh đều tổ chức Hội thi giáo viên giảng dạy chính trị và Hội thi báo cáo viên cho bộ đội thường trực và đội ngũ chính trị viên (chính trị viên phó) Ban CHQS cấp xã, kết hợp với tập huấn để nâng cao kỹ năng, trình độ cho đội ngũ giáo viên, báo cáo viên trong LLVT tỉnh.
Với đặc thù của tỉnh miền núi có nhiều dân tộc và tỷ lệ đồng bào theo đạo cao, Bộ CHQS tỉnh đã lựa chọn các đồng chí cán bộ có năng lực, trách nhiệm, trong đó có các đồng chí là người dân tộc bản địa để tiến hành công tác tuyên truyền trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có đông đồng bào theo các tôn giáo. Riêng cơ quan Bộ CHQS tỉnh duy trì Đội Tuyên truyền xung kích, thường xuyên luyện tập, kết hợp biểu diễn văn nghệ, chiếu bóng lưu động với tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, các chủ trương, nhiệm vụ của địa phương cho nhân dân. Tham mưu với Tỉnh ủy - UBND tỉnh mở 1 khóa học 6 tháng dạy tiếng K’Ho cho 42 cán bộ cơ sở để tiến hành công tác tuyên truyền, vận động quần chúng... Bằng những việc làm cụ thể trên, những năm qua LLVT tỉnh đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nói chung và tín đồ tôn giáo, đồng bào dân tộc nói riêng về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, củng cố niềm tin vững chắc của nhân dân vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Việc biên soạn tài liệu, đổi mới chương trình, phương pháp giảng dạy được đặc biệt quan tâm đầu tư. Bên cạnh đề cương do cấp trên cung cấp, Bộ CHQS tỉnh đã chỉ đạo sâu sát việc biên soạn các nội dung do từng cấp xác định như: Kết quả và tình hình thực hiện nhiệm vụ quân sự - quốc phòng của LLVT địa phương hàng năm; thông tin định hướng hoạt động của LLVT tỉnh hàng tháng; xuất bản Bản tin LLVT tỉnh hàng quý, và thông tin nhanh chóng, kịp thời tình hình mới, nhạy cảm, để làm cơ sở cho các cơ quan, đơn vị và đội ngũ giáo viên, báo cáo viên, thông tin viên định hướng tư tưởng, hướng dẫn hành động cho cán bộ, chiến sĩ.
Cùng với công tác tuyên truyền giáo dục, Bộ CHQS tỉnh đã đầu tư kinh phí để xây dựng, nâng cấp nhà truyền thống, xây dựng tượng đài truyền thống, phòng Hồ Chí Minh, thư viện, tủ sách... và xây dựng cảnh quan môi trường văn hóa trong đơn vị. Tính đến tháng 11/2015, có 16/19 đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ chỉ huy đã được trang bị máy chiếu (gồm máy tính xách tay, máy chiếu, phông chiếu) phục vụ cho công tác giáo dục chính trị và các hoạt động bổ trợ khác.
Đề án đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị tuy mới triển khai trong thời gian ngắn nhưng đã cho thấy sự chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị tại đơn vị, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, xây dựng phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống cho cán bộ, chiến sĩ, củng cố vững chắc lòng tin vào mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vào sự lãnh đạo của Đảng, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
Đại tá TRẦN CHIẾN (Phó Chính ủy Bộ CHQS tỉnh)