Để nâng cao chất lượng tập huấn, huấn luyện, đào tạo học viên, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới, năm 2014, Trường Quân sự tỉnh Lâm Đồng đã đề ra kế hoạch xây dựng mô hình "Người giáo viên mẫu mực".
Để nâng cao chất lượng tập huấn, huấn luyện, đào tạo học viên, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới, năm 2014, Trường Quân sự tỉnh Lâm Đồng đã đề ra kế hoạch xây dựng mô hình “Người giáo viên mẫu mực”. Sau một năm triển khai thực hiện, mô hình này bước đầu đã phát huy hiệu quả, kịp thời bổ sung nguồn cán bộ quân sự cơ sở, qua đó góp phần nâng cao chất lượng công tác quân sự, quốc phòng địa phương, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
|
Giờ học huấn luyện tại Trường Quân sự tỉnh Lâm Đồng |
Trường Quân sự tỉnh làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh (QPAN) cho các đối tượng như: đào tạo trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) ngành quân sự cơ sở, đào tạo cán bộ Ban Chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn; đào tạo sỹ quan dự bị, bổ túc sỹ quan dự bị; bồi dưỡng kiến thức QPAN đối tượng 3, 4... Trường hiện có 12 giáo viên tham gia giảng dạy ở 4 bộ môn gồm: Chính trị, kỹ thuật, chiến thuật, quân sự chung. Việc xây dựng kế hoạch giảng dạy, tổ chức thực hiện, rút kinh nghiệm theo định kỳ, thường xuyên đổi mới nội dung, biện pháp giáo dục, chú trọng thực hiện phương châm giảm lên lớp lý thuyết, tăng thực hành cho học viên; làm tốt công tác chuẩn bị và thục luyện giáo án trước khi giảng dạy... là việc làm thường xuyên của giáo viên Trường Quân sự tỉnh trong những năm qua. Bên cạnh đó, việc xây dựng tiêu chí, chuẩn mực của người giáo viên trong trường quân sự gắn với việc đẩy mạnh Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ của trường và sát với trình độ, năng lực, chuyên môn của từng giáo viên, góp phần tạo nên không khí thi đua sôi nổi trong nhà trường. Đồng thời, tạo sự hứng thú cho học viên và nâng cao hiệu quả giảng dạy. Cụ thể, “Người giáo viên mẫu mực” tại trường quân sự sẽ được đánh giá trên 4 tiêu chí gồm: Phẩm chất chính trị; đạo đức, lối sống; ý thức chấp hành kỷ luật; trình độ năng lực phương pháp sư phạm. Việc xây dựng “Người giáo viên mẫu mực” được tổ chức triển khai thực hiện, gắn trách nhiệm tới từng giáo viên, đảng viên. Theo đó, kết quả đạt được của các giáo viên sẽ gắn với việc đánh giá đảng viên “5 tốt”. Trong ngày sinh hoạt Đảng diễn ra vào thứ năm tuần cuối hàng tháng, Ban Giám hiệu nhà trường sẽ nghe Khoa Giáo viên báo cáo kết quả thực hiện của từng giáo viên. Đồng thời, nghe đánh giá nhận xét kết quả theo dõi của các ban khác trong nhà trường về việc thực hiện mô hình này của các giáo viên. Ban giám hiệu dựa vào đó để đánh giá nhận xét, từ đó, khen thưởng, tuyên dương các giáo viên có những cách làm hay và đạt thành tích tốt. Bên cạnh đó, những vấn đề chưa thực hiện tốt sẽ được Ban Giám hiệu nhà trường đưa vào nghị quyết thực hiện những tháng tiếp theo.
Sau mỗi khóa huấn luyện, nhà trường tổ chức cho các giáo viên, trưởng đầu ngành các ban đối thoại dân chủ với các học viên để nghe những đóng góp về công tác giảng dạy. Đối với những khóa học ngắn ngày, Khoa Giáo viên sẽ lấy ý kiến góp ý của học viên thông qua phiếu góp ý. Từ đó, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm, báo cáo kịp thời làm cơ sở cho công tác huấn luyện những năm tiếp theo. Những bộ môn giảng dạy tại trường có đặc thù là học viên ít tài liệu kham khảo nên đòi hỏi giảng viên phải tích lũy nhiều kiến thức, tài liệu để có thể linh hoạt trong giảng dạy đối với học viên. Giáo viên của trường tiến hành phân loại đối tượng học viên để có những phương pháp giảng dạy thích hợp.
Thiếu tá Lê Sỹ Tưởng, tâm sự: Mỗi học viên khi kết thúc khóa học sẽ về nhận công tác tại địa phương ngay, vì vậy, đòi hỏi mỗi giáo viên phải sâu sát với học viên để kịp thời bổ sung, giúp đỡ, nhằm trang bị lượng kiến thức, kỹ năng đầy đủ nhất cho học viên. Mô hình “Người giáo viên mẫu mực” được xem là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng huấn luyện của trường. Bởi vì giáo viên có “mẫu mực” mới rèn luyện được học viên “chuyên cần”.
Theo đánh giá của Ban Giám hiệu nhà trường, sau một năm thực hiện mô hình “Người giáo viên mẫu mực”, đội ngũ giáo viên tại Trường Quân sự tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực: Ý thức chấp hành kỷ luật tốt, gương mẫu trước các quần chúng; luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ, không ngại khó, ngại khổ, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đồng thời, trình độ năng lực, phương pháp sư phạm đã đáp ứng được yêu cầu đào tạo của nhà trường. Và đặc biệt trong đạo đức nghề nghiệp, các giáo viên đã thực sự là người thầy, người anh trong truyền đạt kiến thức chuyên môn gắn với tác phong công tác. Họ thật sự tâm huyết với nghề và luôn giữ vững phẩm chất cách mạng của người cán bộ, đảng viên, người chiến sỹ quân đội nhân dân Việt Nam.
Qua kết quả đánh giá chung, các khóa đào tạo, bổ túc, bồi dưỡng đều đạt khá, giỏi. Ngoài ra, nhà trường còn hoàn thành tốt các nhiệm vụ khác do Bộ CHQS tỉnh giao.
Việc xây dựng mô hình “Người giáo viên mẫu mực” đã thực sự trở thành cuộc thi đua sôi nổi trong đội ngũ cán bộ, giáo viên tại Trường Quân sự tỉnh, đồng thời tạo động lực lớn để mỗi giáo viên ngày càng phấn đấu hoàn thiện phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống cũng như năng lực công tác của mình. Được biết, hiện nay, Trường Quân sự tỉnh Lâm Đồng là một trong những đơn vị hiếm hoi trong cả nước thực hiện mô hình này. Bởi vậy, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã chọn đây làm nội dung đăng ký thi đua cấp quân khu.
NGỌC NGÀ