Xóa nhòa khoảng cách

09:12, 03/12/2015

Không còn rào cản hay những cách ngăn, những con người không lành lặn, thiếu hụt một phần cơ thể ấy đã vượt qua mặc cảm để đến với đời sống xã hội bằng những cách đáng trân trọng nhất. Hơn thế, phía sau con đường đầy nhọc nhằn của họ, còn rất nhiều những tấm lòng nhân ái, biết sẻ chia, mở rộng vòng tay, bao bọc, nâng đỡ, cùng nhau viết nên những câu chuyện cổ tích giữa đời thường.

Không còn rào cản hay những cách ngăn, những con người không lành lặn, thiếu hụt một phần cơ thể ấy đã vượt qua mặc cảm để đến với đời sống xã hội bằng những cách đáng trân trọng nhất. Hơn thế, phía sau con đường đầy nhọc nhằn của họ, còn rất nhiều những tấm lòng nhân ái, biết sẻ chia, mở rộng vòng tay, bao bọc, nâng đỡ, cùng nhau viết nên những câu chuyện cổ tích giữa đời thường.
 
Nụ hồng chào ngày mới. Ảnh: PHAN NHÂN
Nụ hồng chào ngày mới. Ảnh: PHAN NHÂN

Không dễ để người khuyết tật (NKT) có thể vượt qua được mặc cảm bản thân, sự mất mát, thiếu hụt một phần cơ thể để hòa nhập với đời sống.Càng không dễ để họ có thể làm được những điều tưởng chừng như không thể ngay cả với những người bình thường. Câu chuyện của họ, chỉ có thể giải thích bằng ý chí, nỗ lực không ngừng, sự tự tin và lạc quan dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Tính đến tháng 12/2015,  toàn tỉnh có 13.720 NKT nặng và đặc biệt nặng (bao gồm NKT thần kinh, tâm thần), chiếm 16,2% trên tổng số NKT đã và đang được hưởng các chính sách bảo trợ xã hội như: cấp thẻ BHYT, trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng với mức tối thiểu 240.000đồng/người/tháng (cao hơn mức chuẩn của Chính phủ 60.000đ). Trợ cấp đột xuất, hỗ trợ mai tang phí với tổng kinh phí gần 70 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước. NKT đặc biệt nặng được đảm bảo có người chăm sóc nuôi dưỡng trong các cơ sở BTXH; được hỗ trợ đào tạo nghề và tìm việc làm phù hợp cho 970 NKT; từ 2013 đến 2015 đã tiến hành xác định mức độ khuyết tật cho 22.600 người và 21.700 giấy chứng nhận khuyết tật bao gồm các hạng. 
Đó là câu chuyện của bà Nguyễn Thị Thu Hường - thị trấn Đạ Tẻh, một NKT bị liệt hai chân nhưng với sự động viên, giúp đỡ của người thân, hơn hết bằng chính nỗ lực phi thường của mình, đã vượt qua bản thân, hiện gia đình chị đã có một cơ sở photocopy và quầy bán sách báo quy mô bậc nhất của thị trấn, mỗi tháng cho thu nhập trên 15 triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Dong - Chủ tịch Hội Người mù huyện Đức Trọng, một người không chỉ biết vươn lên mà còn dành rất nhiều thời gian quan tâm đến đời sống của những người đồng cảnh ngộ. Ông đã làm được 7 căn nhà tình thương cho những người có hoàn cảnh khó khăn trong hội, bản thân cũng đã hoàn thành khóa đào tạo quản lý do TW Hội Người mù Việt Nam tổ chức, học vi tính để soạn thảo văn bản, hiện ông là chủ của một đại lý cấp 1 về phân phối thức ăn gia súc và cơ sở nuôi heo cho thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm.
 
Nhiều NKT cũng đã trở thành những “người thầy không biên chế” mang kiến thức của mình truyền dạy cho người khác để họ có cơ hội thay đổi đời sống như ông Đinh Văn Dần ở thị trấn Đinh Văn (huyện Lâm Hà). Ông đã phối hợp với Trung tâm Khuyết tật DRD (Trường ĐH KHXH&NV), Trung tâm dạy nghề Lâm Hà tập huấn và Dạy nghề mây tre đan cho hội viên khuyết tật. Bản thân cũng không ngại tuổi cao, lặn lội về Bình Dương, Đồng Nai… để học nghề và về truyền lại cho hội viên, cho những người đồng cảnh ngộ như mình. Đó còn là tấm gương của Đa Cát Ka Niêm (Đạ Tông - Đam Rông) về sự hiếu học. Bị khuyết hai chân, bàn tay thiếu ngón, cánh tay bị ngắn hơn bình thường, hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng vẫn miệt mài theo đuổi con chữ, nhiều năm là học sinh khá. Em mơ ước được làm cô giáo để dạy học cho các em nhỏ, có hoàn cảnh khó khăn trên quê hương của mình.

Hiện tại, toàn tỉnh có khoảng 88.775 người khuyết tật từ nhẹ đến nặng và đặc biệt nặng, chiếm 6,71% dân số. Trong đó, 45% là nữ và 70% sống ở nông thôn, trẻ em trong độ tuổi đi học phổ thông chiếm 2,1%. Có bốn dạng khuyết tật chiếm tỷ trọng cao nhất là khuyết tật vận động 24%; khuyết tật thị giác 23,6%; khuyết tật trí tuệ chiếm 23% và khuyết tật nghe nói là 19,5%.
Không thể kể hết những tấm gương về NKT có hoàn cảnh khó khăn, vượt qua nghịch cảnh éo le của cuộc sống để hòa nhập với đời sống cộng đồng. Sự thành công của họ, càng minh chứng cho một điều, những đóng góp của họ không đơn thuần là những công việc giản đơn, họ hoàn toàn có thể trở thành nhà quản lý, chủ doanh nghiệp; thành đạt trên mọi lĩnh vực như: lao động sản xuất, công nghệ thông tin, văn hóa, thể thao, giáo dục… Tuy bị khiếm khuyết, nhưng như sự bù khuyết của cuộc sống và sự bù đắp của cộng đồng, bằng tất cả khả năng còn lại, họ đã đứng dậy để lao động, học tập và cống hiến. Mạnh mẽ, kiên cường, vượt lên hoàn cảnh để khẳng định giá trị bản thân, tạo dựng cuộc sống cho riêng mình là những gì xã hội và mọi người phải nhìn nhận về họ.
 
NKT chưa bao giờ cô đơn, cộng đồng xã hội với nhiều tấm lòng nhân ái luôn ghi nhận, quý trọng, cảm phục và dành trọn tình thương cũng như niềm tin trên con đường vươn lên của NKT. 
 
Triển lãm tranh của học sinh Trường Khiếm thính. Ảnh: PHAN NHÂN
Triển lãm tranh của học sinh Trường Khiếm thính. Ảnh: PHAN NHÂN

NKT Lâm Đồng chắc sẽ luôn ghi nhớ tấm lòng đầy thiện cảm của bà Phạm Thị Cúc - Giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Ý Thu, một doanh nghiệp đã hỗ trợ hàng trăm triệu đồng để xây nhà tình thương, giúp đỡ người hoạn nạn. Bà là bạn đồng hành của NKT trong tỉnh từ nhiều năm qua với rất nhiều sự giúp đỡ thiết thực. Ông Trần Trung Nam - TT Liên Nghĩa, Đức Trọng, chủ nhà hàng Nam Giang, ông là người đi đầu trong những cuộc vận động các nhà hảo tâm nấu các bữa ăn từ thiện cho Cơ sở BTXH Trọng Đức, giúp đỡ người già neo đơn, NKT, người nghèo được ăn miễn phí tại bệnh viện. Linh mục Trần Thả - TT Di Linh, người thường xuyên liên hệ với Hội NKT Di Linh để quyên góp tặng quà, thực phẩm, thuốc uống, quần áo cho NKT đặc biệt nặng tại các xã vùng sâu trong huyện. Ông đã giúp đỡ và tạo điều kiện cho 18 hội viên có việc làm và thu nhập ổn định; vận động hơn 50 doanh nghiệp và 30 mạnh thường quân thường xuyên đồng hành cùng nhà thờ Di Linh và Hội NKT để giúp đỡ cho hội viên. Đó còn là hình ảnh của Bà Nguyễn Thị Dung - Di Linh, bà Hà Thị Thanh Thủy - Đà Lạt, bà Nguyễn Thị Dung - Cát Tiên, ông Nguyễn Quốc Phục - Lạc Dương, ông Nguyễn Tiến Lễ - Lâm Hà, ông Nguyễn Văn Thanh - Đơn Dương… rất nhiều, nhiều người khác nữa với những việc làm của mình đã thực sự mang đến cho NKT có được niềm tin, chỗ dựa để mạnh mẽ và vững vàng hơn trên con đường hòa nhập.
 
Vì một cuộc sống không rào cản, cách ngăn, xóa nhòa đi những khoảng cách với NKT là điều tất cả chúng ta cùng mong đợi.
 
Linh Đan