Những năm trước đây, nhiều thôn, buôn ở Tân Thanh (Lâm Hà) đêm đêm còn leo lắt ánh đèn dầu thì nay đa phần đã rạng ngời ánh điện. Với điện khí hóa nông thôn, đời sống bà con có nhiều cải thiện. Một phần thành quả đó xuất phát từ sự nhạy bén, đi đầu, chung sức chung lòng của chính người dân nơi này.
Những năm trước đây, nhiều thôn, buôn ở Tân Thanh (Lâm Hà) đêm đêm còn leo lắt ánh đèn dầu thì nay đa phần đã rạng ngời ánh điện. Với điện khí hóa nông thôn, đời sống bà con có nhiều cải thiện. Một phần thành quả đó xuất phát từ sự nhạy bén, đi đầu, chung sức chung lòng của chính người dân nơi này.
|
Niềm vui của gia đình chị Trương Thị Hương ngày có điện |
Từ cuối năm 2013 trở về trước, đời sống người dân ở các thôn vùng sâu của Tân Thanh gặp nhiều khó khăn bởi cơ sở vật chất hạ tầng thấp kém. Người dân hầu như sống biệt lập, ít tiếp nhận những thông tin của cuộc sống hiện đại bởi cả ngày quần quật trên nương rẫy. Mỗi khi đêm về, các thôn, xóm im lìm trong bóng tối bởi chưa có hệ thống điện kéo vào nhà dân. Sinh sống tại thôn Đà Sơn đã mấy chục năm nay, chị Trương Thị Hương (dân tộc Tày) vẫn nhớ như in ngày tháng sống trong cảnh “khát” điện: “Những ngày không có điện, bà con thức dậy từ tờ mờ sáng, tranh thủ làm hết việc nhà rồi lên rẫy, chiều về cũng cố làm xong việc nhà trước khi trời tối. Đêm đến, nhà nào sang thì có cây đèn dầu, có nhà đốt đống lửa từ thân cây cà phê khô giữa nhà để lấy chút ánh sáng, còn lại đa phần là đi ngủ để mai còn dậy sớm”. Ông Đinh Thiên Tường - Trưởng thôn Bằng Sơn, cho biết thêm: “Không có điện, bà con ở đây khổ lắm. Khi ấy, chúng tôi sản xuất chủ yếu nhờ trời. Năm nào mưa thuận gió hòa thì còn đỡ, có năm đến mùa khô, cà phê của bà con héo rũ bởi không có cách nào bơm nước lên để tưới. Cuộc sống của bà con từ sinh hoạt đến việc học hành của lũ trẻ cũng chỉ có thể dựa vào ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn dầu hay chiếc đèn pin đội đầu. Cũng vì lý do không có điện mà nhiều hộ dân phải chuyển đi nơi khác, nhiều đứa trẻ bỏ cả việc đến trường”. Và cảnh “khát” điện ở Đà Sơn cũng là tình trạng của nhiều thôn, buôn khác ở thời điểm đó.
Thấy bà con không có điện để sinh hoạt và sản xuất, chính quyền địa phương đã nhiều lần bàn bạc, phản ánh với cấp trên. Mặc dù có dự án điện Tây Nguyên, nhưng do còn nhiều khó khăn, cộng với việc dân cư các thôn vùng sâu sinh sống quá rải rác nên chưa thể đầu tư đường điện mới kéo vào những khu vực này. Nhưng nhu cầu về điện đã quá cấp thiết, hơn 200 hộ dân là người dân tộc Tày, Nùng, Dao ở thôn Đà Sơn đã mạnh dạn đưa ra phương án tự đóng góp tiền đầu tư một đường điện trung thế, một đường điện hạ thế, hai máy biến áp 50KVA với tổng kinh phí gần 700 triệu đồng. Đa số người dân nơi đây còn gặp nhiều khó khăn trong khi số tiền mỗi hộ phải đóng tương đối lớn, từ 3,5 - 4 triệu đồng/hộ. Tuy nhiên, khi Ban nhân dân thôn vận động, mọi người dân đều đồng lòng ủng hộ. Chỉ trong thời gian ngắn, lãnh đạo thôn đã thu đủ số tiền và bắt tay vào khởi công kéo đường điện. Sau hai tháng thi công, đến cuối năm 2013, Đà Sơn đã có điện về. Được biết, ngoài khoản đóng góp xây dựng đường điện, bà con nơi đây còn kéo dây và mắc đồng hồ từ cột điện vào nhà với tổng kinh phí tất cả các hộ lên đến 730 triệu đồng. Anh La Văn Lợi (dân tộc Nùng), hồ hởi, nói: “Chúng tôi từ phía Bắc vào đây lập nghiệp, đời sống đỡ đói khổ hơn trước, nhưng chỉ khổ nỗi sống thiếu điện. Thương nhất là lũ trẻ, ngồi học bằng nến hay đèn dầu mà mắt cứ phải nhìn sát vào trang giấy. Nên khi điện về tận thôn, bà con từ già đến trẻ trong lòng cứ vui như Tết. Và nhờ có điện mà việc tưới tiêu cà phê của bà con không còn trông chờ vào may rủi nữa”.
Sau cách làm hiệu quả ở thôn Đà Sơn, đầu tháng 10/2015, bà con xóm Vũng Sập, xóm Suối Lạnh thuộc thôn Kon Păng cũng chọn cách làm này. 55 hộ dân ở khu vực đã đóng góp gần 500 triệu đồng xây dựng 1.200m đường dây trung thế, 1.600m đường dây hạ thế và trạm biến áp 50KVA. Sau 50 ngày thi công, đến nay đường điện đã hoàn thành và được bàn giao đưa vào sử dụng. Ông Phan Văn Thìn - Trưởng thôn Kon Păng, kể: “Lúc chưa có điện cứ đến sẩm tối là nhà ai cũng chốt cửa cài then bởi chẳng biết làm gì. Có điện rồi nhiều hộ sắm ti vi, đầu đĩa; nhờ thế mà nhận thức của bà con cũng được nâng cao hơn. Ai cũng tiếp thu cách sản xuất mới, chăm chỉ làm ăn, sản xuất, mùa màng cũng bội thu hơn xưa”.
Bên cạnh việc người dân tự đóng góp xây dựng đường điện, Tân Thanh hiện còn có 7 nhóm tự quản đèn đường ở các thôn. Đó cũng chính là cách làm sáng tạo của chính người dân ở các thôn gần trung tâm xã. Mỗi nhóm có từ 15 - 20 hộ. Mỗi hộ đóng góp từ 1,5 đến 2 triệu đồng để mắc hệ thống đèn đường thắp sáng. Ngoài số tiền mua vật liệu lắp đặt, số tiền dư còn lại sẽ được cho những hộ còn khó khăn trong tổ vay làm vốn sản xuất kinh doanh với lãi suất 1 %/tháng. Tiền lãi suất thu được sẽ dùng vào việc duy trì hoạt động của hệ thống đèn đường thuộc sự quản lý của tổ. Nhờ vậy mà nhiều đường làng ngõ xóm ở Tân Thanh giờ đây luôn rạng ngời ánh điện.
Ông Nguyễn Hải Quân - Phó Chủ tịch xã Tân Thanh khẳng định, nhờ sự mạnh dạn, đồng lòng của bà con mà điện đã về sớm hơn ở các thôn vùng sâu của xã. Việc người dân tự góp tiền để kéo điện về sử dụng đã khẳng định tinh thần trách nhiệm của người dân. Đồng thời cũng nhờ vậy mà đời sống bà con được nâng lên đáng kể, tình trạng trộm cắp, tai nạn giao thông cũng giảm nhiều, nhất là góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương. Hiện Tân Thanh vẫn còn những thôn khó khăn về điện và cách làm này sẽ được lãnh đạo xã khuyến khích nhân rộng.
P. NHÂN - N. NGÀ