Người phụ nữ có trái tim nồng ấm

09:12, 03/12/2015

Người phụ nữ ấy đã bước đi trên cuộc đời của mình bằng đôi chân không lành lặn, bằng những bất hạnh ám ảnh, bủa vây trong đời sống. Nhưng chị không gục ngã, trái lại, còn là cầu nối để những người đồng cảnh ngộ với mình vượt qua mặc cảm vươn lên…

Người phụ nữ ấy đã bước đi trên cuộc đời của mình bằng đôi chân không lành lặn, bằng những bất hạnh ám ảnh, bủa vây trong đời sống. Nhưng chị không gục ngã, trái lại, còn là cầu nối để những người đồng cảnh ngộ với mình vượt qua mặc cảm vươn lên…
 
Chị Lan là cầu nối để những người như mình vượt qua mặc cảm vươn lên
Chị Lan là cầu nối để những người
như mình vượt qua mặc cảm vươn lên
Chị là Đỗ Thị Vân Lan - Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật huyện Đơn Dương. Hẹn gặp chị giữa lúc đang cùng với anh chị em trong Hội tất bật lo chuẩn bị cho ngày lễ tổng kết cuối năm 2015, bận rộn là vậy, nhưng chị vẫn dành thời gian cho chúng tôi với sự chia sẻ chân thành và cởi mở. 
 
Tháng 6/2012, chị chính thức gia nhập Hội Người khuyết tật huyện Đơn Dương. Và cũng chỉ 6 tháng sau khi trở thành hội viên chính thức của Hội, chị được anh chị em trong Hội tín nhiệm bầu giữ chức Phó Chủ tịch thường trực. Cũng từ đó đến nay, bao nhiêu năm gắn bó với Hội là bấy nhiêu năm chị Lan dồn hết tâm sức của mình với các hoạt động của hội, chăm lo cho từng hoàn cảnh của mỗi hội viên, dẫu hoàn cảnh riêng của chị cũng đầy trắc trở. 
 
Bị liệt một chân bẩm sinh từ trong bụng mẹ, nên từ lúc chào đời đến nay, cuộc sống của chị là một chuỗi ngày nỗ lực không mệt mỏi để vượt lên số phận, để là người thật sự có ích. Nhưng dường như bất hạnh vẫn không buông tha chị, lập gia đình, khi đứa con đầu lòng vừa lên 3 tuổi, đứa con thứ hai vừa phôi thai thì chồng chị trong chuyến đi về thăm quê đã mãi ra đi vì tai nạn giao thông. Nỗi đau bất ngờ ập đến khiến chị tưởng chừng như không thể nào gượng dậy nổi, nhưng rồi vì 2 đứa con, chị đã tự nhủ mình phải sống tiếp! “Từ khi biết tới Hội Người khuyết tật Đơn Dương, tôi thật sự tìm thấy một chỗ dựa và cả sự đồng cảm, sẻ chia” - chị Lan bộc bạch. 
 
Còn đối với những hội viên trong hội, chị cũng là chỗ dựa và là tấm gương để họ nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Bởi khi mới chân ướt, chân ráo tham gia vào Hội, chị đã không ngại “xắn tay áo” cùng với các anh chị em trong BCH đi liên hệ với các mạnh thường quân, các doanh nghiệp để xin quà cho hội viên vào các dịp trung thu, tết nguyên đán, 8/3… tạo ra nhiều hoạt động ý nghĩa cho hội viên. Cũng từ đó, chị trở thành cầu nối giữa các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân với các hoàn cảnh bất hạnh trong cuộc sống. 
 
Cùng đó, nhận thấy một số anh chị em trong Hội có giọng ca hay, chị mạnh dạn đứng ra thành lập đội văn nghệ Hội Người khuyết tật Đơn Dương. Đó là vào năm 2013, đến nay, sau 2 năm hoạt động, đội văn nghệ của chị đã trở thành “địa chỉ” tin cậy của các Hội bạn, mỗi lần có tổng kết, sinh hoạt. Và bất cứ lúc nào Hội Người khuyết tật tỉnh cần sự trợ giúp thông qua việc tổ chức các đêm văn nghệ để gây quỹ nhằm giúp đỡ các hội viên có hoàn cảnh khó khăn, đội văn nghệ của Hội Người khuyết tật Đơn Dương luôn có mặt. Đội văn nghệ ra đời không chỉ tạo việc làm cho hội viên, mà chị Lan còn mong muốn, thông qua đội văn nghệ, sẽ có nhiều người biết tới Hội Người khuyết tật hơn, và trên hết là mong muốn các em có thêm cơ hội giao lưu, vơi dần đi sự mặc cảm, tự ti. 
 
Hiện, ngoài 3 mẹ con, chị còn nuôi thêm 3 người trong đội văn nghệ. “Nhà thì vẫn ở nhà thuê thôi, trước, mẹ con tôi cùng các em trong đội văn nghệ thuê nhà ở Đạ Ròn, giờ thì chúng tôi lại dắt díu nhau lên thị trấn Thạnh Mỹ thuê nhà. Mỗi em trong đội văn nghệ đều có một hoàn cảnh đáng thương nên tôi rất thương. Bình thường các em đi bán vé số để kiếm sống, tối đến có lịch thì đi diễn, không thì chị em lại rau cháo nuôi nhau” - chị Lan nói. 
 
Nói về chị Vân Lan, ông Trần Mạnh Thu - Chủ tịch Hội Người khuyết tật tỉnh, cho biết: “Lan là người rất nhiệt tình, năng nổ. Từ khi chị Lan tham gia BCH Hội Người khuyết tật Đơn Dương, phong trào Hội ở đây mới thật sự mạnh lên”. 
 
Còn chị Lan, khi nghe chúng tôi hỏi về mong muốn lớn nhất bây giờ, chị thật lòng cho biết: “Mong muốn lớn nhất là có một ngôi nhà nho nhỏ che nắng, che mưa để các con yên tâm học hành, các em trong đội văn nghệ yên tâm làm ăn, chứ ở nhà thuê thế này lúc nào chúng tôi cũng nơm nớp lo bị lấy lại nhà! Huyện đã hứa là sẽ xây nhà tình thương cho nhưng ngặt nỗi tôi lại không có đất!”.
 
Thy Vũ