Sau 13 năm thành lập, bằng tấm lòng tận tụy, bao dung của tập thể giáo viên (các soeur) Trường Khiếm thính tình thương Ánh Sao (phường Lộc Phát, TP Bảo Lộc) đã nâng bước giúp hàng chục trẻ em khiếm thính, chậm phát triển trí tuệ, tự kỷ… tại Bảo Lộc và các địa phương khác trong và ngoài tỉnh vượt qua khó khăn bệnh tật để từng bước tự tin, tự lập trong cuộc sống.
Sau 13 năm thành lập, bằng tấm lòng tận tụy, bao dung của tập thể giáo viên (các soeur) Trường Khiếm thính tình thương Ánh Sao (phường Lộc Phát, TP Bảo Lộc) đã nâng bước giúp hàng chục trẻ em khiếm thính, chậm phát triển trí tuệ, tự kỷ… tại Bảo Lộc và các địa phương khác trong và ngoài tỉnh vượt qua khó khăn bệnh tật để từng bước tự tin, tự lập trong cuộc sống.
|
Trong giờ học tại Trường Ánh Sao |
Theo chia sẻ của Linh mục Vũ Đình Tân, người có công xây dựng nên ngôi trường này, thì ngay sau khi thành lập Trường Ánh Sao đã đáp ứng được niềm mong mỏi của các gia đình có con em khuyết tật được học hành và có cơ hội hòa nhập với cuộc sống cộng đồng. Bằng tấm lòng sẻ chia và tình yêu thương con trẻ của 7 soeur thuộc Dòng viện mến thánh giá Đà Lạt, Mái ấm tình thương này đã từng bước khắc phục được khó khăn và đi vào hoạt động hiệu quả. Trường hiện tại là một “gia đình” lớn với hơn 60 em theo học tại 7 lớp, từ can thiệp cho đến dự bị.
Sơ Vũ Thị Kim Yến - người phụ trách Trường Ánh Sao, cho biết: “Đối với trẻ khiếm thính (câm, điếc) thì lớp dự bị chính là lớp đệm cho các lớp học sau và mang tính quyết định để các em trưởng thành, hòa nhập tốt với cuộc sống. Hầu hết, trẻ khiếm thính ban đầu được gửi vào trường đều rụt rè và không thể giao tiếp bằng ngôn ngữ nên để uốn nắn các em cần có một quá trình. Đặc biệt, giáo viên đứng lớp phải có lòng kiên nhẫn, tình yêu thương trẻ hết mực và phải có nhiều kinh nghiệm mới nắm bắt được tâm lý của các em”.
Việc dạy học cho trẻ khiếm thính được trường áp dụng theo chương trình tiểu học theo quy định. Nhưng điều đặc biệt, chương trình này phải dạy trong vòng 10 năm (2 năm 1 lớp). Sau khi các em học hết lớp 5 là tốt nghiệp ra trường. Hầu hết các tiết học trong tất cả các lớp đều được các soeur dàn dựng thành một cuộc hội thoại. Trong đó, các soeur đóng vai là người diễn lại nội dung của bài học. “Để dạy trẻ khiếm thính, chúng tôi phải làm quen với những ký hiệu ngôn ngữ của trẻ, rồi từ đó áp dụng các phương pháp nghe, nói để luyện cho trẻ cách phát âm chữ cái; những câu chào hỏi, giao tiếp thường ngày thông qua một cuộc hội thoại. Khi các em chưa hiểu, chúng tôi phải sử dụng phương pháp dạy múa dấu và múa chữ cái theo quy định. Mục đích mà chúng tôi hướng tới là giúp trẻ phát âm và giao tiếp với người khác bằng ngôn ngữ. Trong đó, việc dạy phát âm cho trẻ khiếm thính là khó khăn nhất, nên cần sự kiên trì để sắp xếp thời gian dạy riêng cho từng em”, soeur Trần Thị Như Hoa - Hiệu phó nhà trường chia sẻ.
Song hành với việc dạy văn hóa, để tạo điều kiện cho các em có cơ hội tìm việc làm, nuôi sống bản thân thì bước vào năm lớp 4 tùy vào nguyện vọng của từng học sinh, các soeur còn dạy nghề và hướng nghiệp cho các em. Hiện tại, trường chỉ dạy các em khiếm thính hết chương trình lớp 5, một phần do kinh phí của trường còn hạn hẹp, cơ sở vật chất chưa đủ đáp ứng cho các lớp học cao hơn. Mặt khác, phần lớn trẻ khiếm thính sau khi học hết lớp 5 đều đã lớn tuổi nên cần có công ăn việc làm. Đến nay, trường đã có 18 trẻ khiếm thính tốt nghiệp tiểu học; nhiều người đã biết đọc, biết viết và giao tiếp được với mọi người; đã trưởng thành, có việc làm, gia đình và hòa nhập tốt với cuộc sống.
Chia tay ngôi trường đặc biệt cùng các soeur, những con người bình dị đang âm thầm làm những điều phi thường để mang lại tương lai tốt đẹp hơn cho những trẻ em khiếm thính, chúng tôi tin, niềm vui của các em khi được đến trường sẽ là niềm vui trọn vẹn.
P. KHÁNH