Do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, nên vợ chồng ông Lưu Đức Hải (69 tuổi) và bà Nguyễn Thị Bướm (60 tuổi) ở Tổ dân phố (TDP) 24, thị trấn Lộc Thắng (Bảo Lâm) chọn nghề chăn nuôi dê làm nghề chính trong phát triển kinh tế gia đình. Từ nuôi dê, gia đình ông không chỉ đã thoát khỏi cuộc sống nghèo khó mà còn nuôi 2 con học đại học.
Do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, nên vợ chồng ông Lưu Đức Hải (69 tuổi) và bà Nguyễn Thị Bướm (60 tuổi) ở Tổ dân phố (TDP) 24, thị trấn Lộc Thắng (Bảo Lâm) chọn nghề chăn nuôi dê làm nghề chính trong phát triển kinh tế gia đình. Từ nuôi dê, gia đình ông không chỉ đã thoát khỏi cuộc sống nghèo khó mà còn nuôi 2 con học đại học.
|
Vợ chồng ông Lưu Đức Hải với đàn dê |
Trước đây, gia đình ông Lưu Đức Hải từ Nam Định vào huyện Cát Tiên lập nghiệp và năm 1994, ông chuyển về sinh sống ở huyện Bảo Lâm. Tại đây, vợ chồng ông Hải mua ít đất rẫy để canh tác chè, cà phê và xin làm công nhân của Nông trường Chè Minh Rồng. Khi cuộc sống gia đình ông Lưu Đức Hải đã dần ổn định thì vợ ông không may mắc phải căn bệnh hiểm nghèo (suy tim độ 3). Để có tiền, ông Hải đã bán hết tài sản để điều trị bệnh cho vợ nhưng căn bệnh của bà vẫn không khỏi. Thời gian đó, gia đình ông sống nương tựa vào người thân. Tất cả gánh nặng của gia đình đều đè lên đôi vai gầy của ông Hải. Hàng ngày, ông tìm kế mưu sinh bằng nghề bắt tôm, cá ở suối Đại Bình để có tiền chữa bệnh cho vợ và chăm lo cho 2 con đang ở tuổi ăn, tuổi học. “Do hoàn cảnh rất khó khăn, nên gia đình tôi chỉ mua được 300m2 đất rẫy của bà con sát đồi thông (nằm tách biệt với khu dân cư) để cất nhà và số còn lại vừa đủ làm chuồng trại nuôi dê như hiện nay” - ông Lưu Đức Hải nói.
Với lợi thế có đồng cỏ và khu vực chăn thả khá thuận lợi, nên năm 2005, ông Hải chăn nuôi dê. Từ 3 con dê giống ban đầu (1 đực, 2 cái) được ông mua về từ Ninh Bình, đến nay, đàn dê của ông Hải sinh trưởng và phát triển tốt, ít bệnh tật. Có năm đàn dê phát triển lên đến 100 con.
Ông Lưu Đức Hải cho biết: “Qua tìm hiểu những ưu điểm của các loại giống dê, tôi quyết định chọn nuôi dê núi (dê cỏ). Đây là giống dê khỏe, ít bệnh tật và có sức chịu đựng với bệnh tật cao hơn so với giống dê lai. Sau nhiều năm nuôi, tôi thấy đàn dê này cũng rất thích nghi với điều kiện tự nhiên ở Lâm Đồng. Dê sinh trưởng và phát triển tốt. Sau khi bán để trang trải sinh hoạt gia đình, hiện đàn dê còn 80 con”.
Cũng theo ông Hải, việc nuôi dê núi cũng giống các loại dê khác. Từ khi nuôi, dê có trọng lượng từ 18 - 25kg là có thể xuất bán, vì nếu dê to quá cũng bị thương lái chê và ép giá. Từ nuôi dê, mỗi năm, gia đình ông Hải có tổng thu nhập từ 30 - 40 triệu đồng.
Ông Nông Văn Đường cho biết: “Trước đây, tôi cũng làm trưởng khu phố của TDP này. Khi vào đây, gia đình ông Hải còn rất nhiều khó khăn, vợ thì bệnh tật, các con còn nhỏ. Nhờ nỗ lực chịu thương, chịu khó, nên đến nay hộ ông Hải đã thoát nghèo, nuôi 2 con tốt nghiệp đại học và thành đạt. Gia đình ông Hải luôn được bà con yêu mến và quý trọng”.
Vợ chồng ông Hải có 4 người con. Trong đó, 2 con đầu do không có điều kiện đến trường, nay đều đã lập gia đình và có cuộc sống ổn định. Riêng 2 người con sau, ông quyết tâm cho các con học đại học và nay đều đã tốt nghiệp, là Lưu Hoàng Long học ngành điện tử viễn thông, hiện đang công tác tại Công ty Đài Loan ở Biên Hòa và Lưu Thị Bích Ngọc học ngành Đông Phương học, hiện đang làm phiên dịch tiếng Hàn Quốc ở Bình Dương. Tuy cuộc sống gia đình ông Hải vẫn còn đó những khó khăn nhất định, nhưng không còn cảnh sống vất vả như trước kia nữa. Hàng tháng, ông Lưu Đức Hải vẫn thường xuyên điều trị bệnh cho vợ, kết hợp giữa phương pháp Tây y và Đông y. Khó khăn là vậy, nhưng vợ chồng ông Hải luôn có được niềm vui, hạnh phúc, vì con cái đều đã trưởng thành. Mặt khác, gia đình ông đã được công nhận thoát nghèo và là “gia đình văn hóa” nhiều năm liền của TDP 24.
NDONG BRỪM