Giải pháp hướng tới mục tiêu 90-90-90 để kết thúc dịch HIV/AIDS

08:12, 01/12/2015

Năm 2015, Việt Nam tập trung vào chủ đề "Hướng tới mục tiêu 90-90-90 để kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam" với nội dung chủ yếu là vận động và truyền thông thay đổi hành vi, mở rộng việc tiếp cận các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị bằng thuốc kháng vi rút cho người nhiễm HIV/AIDS. 

Năm 2015, Việt Nam tập trung vào chủ đề “Hướng tới mục tiêu 90-90-90 để kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam” với nội dung chủ yếu là vận động và truyền thông thay đổi hành vi, mở rộng việc tiếp cận các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị bằng thuốc kháng vi rút cho người nhiễm HIV/AIDS. 
 
Diễu hành kêu gọi toàn dân tham gia phòng chống HIV/AIDS
Diễu hành kêu gọi toàn dân tham gia phòng chống HIV/AIDS

Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) phát động toàn cầu hưởng ứng các mục tiêu 90-90-90 (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút và 90% người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng vi rút kiểm soát được số lượng vi rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác) và hướng tới kết thúc dịch HIV/AIDS ở Việt Nam vào năm 2030. Việt Nam đã cam kết hưởng ứng mục tiêu này, do vậy, năm 2015, Việt Nam tập trung vào chủ đề “Hướng tới mục tiêu 90-90-90 để kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam” với nội dung chủ yếu là vận động và truyền thông thay đổi hành vi mở rộng việc tiếp cận các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị bằng thuốc kháng vi rút cho người nhiễm HIV/AIDS. 
 
Tại Lâm Đồng, tính đến hết ngày 31/10/2015, toàn tỉnh đã phát hiện 1.085 người nhiễm HIV tích lũy. Trong đó, 255 người đã chuyển sang giai đoạn AIDS và 489 người nhiễm HIV đã tử vong do AIDS. Trong 10 tháng năm 2015 đã phát hiện 110 trường hợp nhiễm HIV mới (99 người có địa chỉ trong tỉnh và 11 người ngoài tỉnh). Địa phương có số người nhiễm HIV cao là Đà Lạt, Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lộc và Bảo Lâm. Qua kết quả giám sát trọng điểm năm 2014 thì số người nhiễm HIV/AIDS vẫn tập trung vào các đối tượng có hành vi nguy cơ cao như: nhóm người nghiện chích ma túy là 6,67%, nhóm mại dâm là 0,67% và đang có xu hướng lan ra cộng đồng. Trong năm 2015, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS đã tham mưu cho Sở Y tế triển khai tốt Tháng chiến dịch dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con và Tháng hành động phòng chống HIV/AIDS. Công tác truyền thông thay đổi hành vi được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như tuyên truyền trên Đài PTTH tỉnh, Bản tin Sức khỏe Lâm Đồng, Báo Lâm Đồng về hoạt động phòng chống HIV tại địa phương; tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế huyện, xã, phường, thị trấn; phối hợp tổ chức tập huấn trang bị kiến thức phòng chống HIV/AIDS cho cán bộ các ban ngành, đoàn thể, công nhân của một số công ty đóng trên địa bàn tỉnh. Duy trì các nhóm giáo dục đồng đẳng và các CLB phòng chống HIV/AIDS ở những địa bàn trọng điểm về tình hình dịch HIV. Duy trì các điểm cung cấp dịch vụ phòng chống HIV/AIDS, bao gồm các hoạt động cung cấp bao cao su, bơm kim tiêm, tài liệu truyền thông cho các đối tượng có hành vi nguy cơ cao và người dân có nhu cầu. Sản xuất và cấp phát các tài liệu truyền thông như tờ rơi, áp phích, đĩa CD, băng rôn tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS cho các đơn vị và các doanh nghiệp trong toàn tỉnh. 
 
Công tác giám sát phát hiện triển khai thường xuyên theo định kỳ tháng, quý trên tất cả các đối tượng, thực hiện giám sát trọng điểm nhằm xác định tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm đối tượng có hành vi nguy cơ cao để có những biện pháp can thiệp kịp thời. Duy trì hoạt động 2 phòng tư vấn xét nghiệm tự nguyện tại Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS và Trung tâm Y tế thành phố Bảo Lộc. Công tác can thiệp giảm tác hại được đẩy mạnh, từ thực hiện thí điểm tại 3 địa phương là Đà Lạt, Đức Trọng, Lâm Hà, đến nay đã mở rộng ra 6 địa phương trọng điểm về HIV/AIDS với 34 nhân viên tiếp cận cộng đồng được cấp thẻ thực hiện các nhiệm vụ tiếp cận tuyên truyền, phân phát bao cao su, bơm kim tiêm cho các đối tượng có hành vi nguy cơ cao, thu gom bơm kim tiêm bẩn đã qua sử dụng. Tiếp tục triển khai hoạt động điều trị ARV tại 3 cơ sở điều trị thuốc kháng HIV tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa II Lâm Đồng, Trung tâm Y tế Đức Trọng. Đến 31/10/2015, tổng số bệnh nhân đang được điều trị thuốc kháng HIV là 395 bệnh nhân, trong đó có 9 trẻ em. Thực hiện xét nghiệm sàng lọc HIV cho 31.377 phụ nữ mang thai; điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con 26 bà mẹ và cấp sữa thay thế cho 18 trường hợp trẻ đã sinh ra từ bà mẹ có nhiễm HIV; xét nghiệm sàng lọc HIV cho 284 bệnh nhân lao và số người nhiễm HIV được sàng lọc lao là 206 người. Từ tháng 7/2015, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS đã triển khai cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone tại số 4 Phạm Ngọc Thạch, phường 6, thành phố Đà Lạt, đến nay đang điều trị cho 94 bệnh nhân nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone, kết quả điều trị ổn định và bệnh nhân tuân thủ điều trị tốt góp phần giảm thiểu tác hại của việc tiêm chích ma túy và dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS.
 
Để phấn đấu tiến tới kết thúc dịch HIV/AIDS tại Việt Nam vào năm 2030, phải triển khai toàn diện, đồng bộ các hoạt động phòng chống HIV/AIDS. Trong đó, đòi hỏi cần sự cam kết và nỗ lực hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa của các cấp lãnh đạo, của người dân và cả cộng đồng trong việc nâng cao nhận thức về phòng chống HIV/AIDS. Đồng thời, đòi hỏi chương trình phòng chống HIV/AIDS cần phải có những điều chỉnh thích hợp với tình hình mới. Các hoạt động cần đi vào chiều sâu, hướng về cơ sở, tập trung cụ thể vào từng nhóm đối tượng. Song song với truyền thông đại chúng, hoạt động tuyên truyền sẽ chú trọng vào yếu tố trực tiếp, nhất là với nhóm người hành nghề mại dâm, nghiện ma túy và dân di biến động. Kinh phí của công tác phòng chống HIV/AIDS sẽ được cân đối lại, chú trọng hơn cho công tác xét nghiệm sàng lọc để phát hiện người nhiễm HIV, đặc biệt tập trung cho các nhóm đối tượng có nguy cơ cao. Bên cạnh đó, để mở rộng hoạt động tư vấn xét nghiệm và điều trị ARV cho người nhiễm HIV, sẽ tính đến phương án tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đối tượng; trong đó, có cả tổ chức điều trị thuốc ARV tại y tế cơ sở để tạo điều kiện cho bệnh nhân tiếp cận với các dịch vụ trong phòng chống HIV/AIDS với mục tiêu kiểm soát được tải lượng vi-rút ở mức thấp và ổn định đối với người được điều trị ARV.
 
BSCKII ĐỖ CÔNG KIM - GĐ Trung tâm PC HIV/AIDS Lâm Đồng