Gần bước sang tuổi 50, tình yêu đối với nghề giáo của cô như càng được hun đúc mãnh liệt hơn. Trải qua bao nhiêu khó khăn, vất vả, cô mới thực hiện được ước mơ đứng trên bục giảng. Vì lẽ đó, niềm đam mê nghề giáo trong cô lúc nào cũng cháy bỏng…
Gần bước sang tuổi 50, tình yêu đối với nghề giáo của cô như càng được hun đúc mãnh liệt hơn. Trải qua bao nhiêu khó khăn, vất vả, cô mới thực hiện được ước mơ đứng trên bục giảng. Vì lẽ đó, niềm đam mê nghề giáo trong cô lúc nào cũng cháy bỏng…
|
Cô giáo Nguyễn Thị Năm chuẩn bị giáo án trước giờ lên lớp |
Nói về cô giáo Nguyễn Thị Năm (giáo viên lớp 5, Trường TH Đam Bri, TP Bảo Lộc), bà Bùi Thị Hạnh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đam Bri, chia sẻ: “Cô Năm không chỉ là một giáo viên dạy tốt mà còn là người vợ, người mẹ đảm đang của gia đình. Ngoài giờ lên lớp, cô còn là một “cánh tay phải” đắc lực giúp chồng trong việc kinh doanh, buôn bán. Điều đáng quý là cả hai người con gái của cô hiện cũng đã tiếp bước nghề giáo của mẹ!”.
Có được như ngày nay, cô giáo Năm cùng chồng là anh Đỗ Văn Mạnh phải trải qua rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Vào giữa những năm 80, cô Năm rời quê hương Đô Lương (Nghệ An) vào vùng đất Đam Bri cùng chị gái. Ước mơ của cô Năm lúc này là thi vào sư phạm như ngành của chị gái đang theo học. Thế nhưng, cuộc sống khó khăn, cô buộc phải tạm gác ước mơ của mình, ở nhà chăm sóc vườn tược để chị gái tiếp tục đi học. Trong thời gian này, cô xin vào làm công nhân cho Nông trường Kohinda. Sau đó, cô gặp và nên nghĩa vợ chồng với anh Mạnh. “Cưới chồng, sinh 2 đứa con, ước mơ trở thành cô giáo ngày càng xa vời và như vụt khỏi tầm tay. Sau gần 10 năm làm công nhân Nông trường Kohinda, tôi có một quyết định trọng đại trong đời là thi vào sư phạm. Chồng tôi thì ủng hộ, nhưng anh cứ lo lắng, sợ kiến thức của tôi đã bỏ quá lâu thì làm sao thi được. Dù tốt nghiệp cấp ba đã 12 năm, nhưng sau khi ôn luyện, tôi đã đậu 2 ngành là cao đẳng sư phạm văn và trung cấp sư phạm (Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt). Tôi chọn trung cấp sư phạm vì thời gian học ngắn hơn. Lúc này, con lớn của tôi mới 3 tuổi, còn con nhỏ chỉ 1 tuổi. Tôi đưa cả 2 con lên Đà Lạt để vừa lo cho con vừa học. Hàng ngày, đứa lớn thì tôi gởi trẻ, đứa nhỏ thì bế theo lên giảng đường. Giờ nghĩ lại, tôi thấy mình phải có đam mê mãnh liệt lắm mới làm được điều đó” - chị Năm tâm sự.
Ba năm theo học tại Đà Lạt, khó khăn chồng chất khó khăn khi một mình cô vừa chăm 2 con, vừa đi học. Trong suốt thời gian đó, cô giáo tương lai Nguyễn Thị Năm chỉ dám sắm cho mình một bộ áo dài duy nhất. Bữa ăn hàng ngày của mấy mẹ con rất đạm bạc. Thứ bảy, chủ nhật, cô ra đồng “mót” rau, cải thiện bữa ăn hàng ngày. Nói về thời gian khó khăn đó, anh Đỗ Văn Mạnh, chia sẻ: “Sau khi Nông trường giải thể, tôi về chạy xe ôm để kiếm tiền lo cho vợ đi học. Những lúc vợ thi cử thì tôi đem con về nhà chăm sóc. Khó khăn, vất vả là thế, nhưng vì vợ mê nghề quá nên tôi cũng ủng hộ. Chưa bao giờ vợ có ý định bỏ học và bản thân tôi cũng chưa một lần bảo vợ phải thôi học để về chăm lo cho gia đình”.
Tốt nghiệp trung cấp sư phạm, cô Năm về lại xã Đam Bri để dạy học. Thời gian này, cô vừa đi dạy vừa tiếp tục học đại học tiểu học (hệ từ xa). Xã nghèo, đường sá đi lại khó khăn, nhưng ngày ngày cô vẫn vượt qua quãng đường dài để đến trường. Đến giờ, đã gần 20 năm gắn bó với mái trường Đam Bri, cô lại thêm yêu ngôi trường, thêm yêu nghề giáo mình đã chọn. “Có những lúc mình có cơ hội, có điều kiện để chuyển ra một trường ở gần trung tâm hơn nhưng vẫn quyết định ở lại trường. Bởi lẽ, mình là người địa phương nơi đây, hơn ai hết mình hiểu và đồng cảm với hoàn cảnh, điều kiện sống của các em học sinh còn nhiều khó khăn. Đó chính là lý do để tôi bám trường, bám lớp dạy học bằng cả tấm lòng của mình với những học trò thân yêu” - cô giáo Năm chia sẻ.
Trong thời gian công tác tại Trường Tiểu học Đam Bri, cô giáo Năm đã được giao nhiệm vụ khối trưởng khối lớp 5 nhiều năm liền. Hiện tại, cô là Phó Bí thư Chi bộ, Chủ tịch Công đoàn Trường TH Đam Bri. Điểm mạnh nhất của Công đoàn Trường Tiểu học Đam Bri là công tác từ thiện.
Hiện tại, ngoài giờ lên lớp, cô giáo Năm cùng chồng buôn bán tại nhà. Nhà cửa khang trang, con cái được học hành là niềm hạnh phúc lớn của vợ chồng cô giáo Nguyễn Thị Năm. Nhắc đến 2 người con của mình, cô giáo Năm chia sẻ: “Khi ước mơ của mình đã thành hiện thực, tôi cũng hướng cho 2 con theo nghề của mẹ. Hiện, con gái lớn đã tốt nghiệp đại học sư phạm và đang đi dạy; con gái thứ hai đang học ngành hóa Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh. Lý do tôi muốn con theo nghề mẹ là vì tôi yêu nghề giáo”.
ĐÔNG ANH