Di Linh nỗ lực giảm nghèo

09:01, 25/01/2016

Ông Hà Văn Thạnh, Trưởng Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Di Linh, cho biết: Cùng với Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo và nhiều chương trình, dự án lồng ghép khác, huyện Di Linh đã nỗ lực vận động sự đóng góp của cộng đồng để chung tay triển khai công tác giảm nghèo.

Ông Hà Văn Thạnh, Trưởng Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Di Linh, cho biết: Cùng với Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo và nhiều chương trình, dự án lồng ghép khác, huyện Di Linh đã nỗ lực vận động sự đóng góp của cộng đồng để chung tay triển khai công tác giảm nghèo. Kết quả, trong 5 năm qua, hộ nghèo và cận nghèo giảm đáng kể; đời sống hộ nghèo từng bước được nâng cao hơn; đảm bảo an sinh xã hội và góp phần đáng kể trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.  
 
Gia đình ông K’Kinh (bệnh binh 2/3, ở thôn Kon Rum, xã Hòa Bắc) được hỗ trợ xây nhà tình nghĩa
Gia đình ông K’Kinh (bệnh binh 2/3, ở thôn Kon Rum, xã Hòa Bắc) được hỗ trợ xây nhà tình nghĩa

Thực hiện Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ, huyện Di Linh đã hỗ trợ 16,8 tỷ đồng (kể cả ngân sách của Trung ương và địa phương) giúp hộ nghèo làm được 933 căn nhà. Đồng thời, trong 5 năm qua, UBMTTQ và các đoàn thể quần chúng vận động nhân dân và các nhà tài trợ, các doanh nghiệp hỗ trợ gần 6 tỷ đồng xây dựng và sửa chữa trên 300 căn nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết và nhà tình thương giúp các gia đình chính sách, gia đình nghèo và cận nghèo còn khó khăn về nhà ở. 
 
Hàng năm, huyện Di Linh đều xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Từ năm 2011 đến nay, huyện đã tổ chức được 81 lớp dạy nghề về kỹ thuật trồng và chăm sóc cà phê, sầu riêng, nấm rơm; sửa chữa, vận hành máy nông nghiệp; thêu tay; may công nghiệp; đan thủ công… Tham gia các lớp học này có trên 2.500 học viên là lao động nông thôn thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số, gia đình chính sách chưa có việc làm ổn định. Đồng thời, huyện đã tạo điều kiện thuận lợi cho trên 300 lao động đi làm việc ở nước ngoài (Malaysia, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc…). 
 
Thực hiện Chương trình tín dụng ưu đãi, thông qua các đoàn thể quần chúng, Phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện đã giải quyết cho trên 20.000 lượt hộ (nghèo, cận nghèo, học sinh, sinh viên, giải quyết việc làm, đồng bào DTTS, hộ mới thoát nghèo…) vay, với tổng dư nợ hiện nay lên tới 246 tỷ đồng. Nhờ vậy, nhiều hộ nghèo và cận nghèo đã thoát được nghèo, học sinh và sinh viên có điều kiện tiếp tục học tập. 
 
Việc cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số (ở vùng khó khăn, vùng đặc biệt khó khăn), người có công cách mạng và đối tượng bảo trợ xã hội… đã được thực hiện đầy đủ, đảm bảo quyền lợi khám, chữa bệnh. Hàng năm, huyện cấp từ 45 - 50 ngàn thẻ bảo hiểm y tế, đảm bảo theo yêu cầu. Việc thực hiện chính sách hỗ trợ chi phí học tập và miễn giảm học phí cho học sinh, sinh viên theo Nghị định 49/2010/NĐ - CP và Nghị định 74/2013/NĐ - CP của Thủ tướng Chính phủ; việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền điện; chính sách trợ giúp pháp lý…, hàng năm, huyện đều triển khai đầy đủ, kịp thời. 
 
Thực hiện Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, huyện triển khai tại 2 xã nghèo (Gia Bắc, Đinh Trang Thượng), 23 thôn nghèo và 6 thôn cận nghèo. Đối với 2 xã nghèo, từ 2011 - 2015, với nguồn kinh phí của tỉnh, huyện đã hỗ trợ trên 8 tỷ đồng để triển khai các biện pháp giảm nghèo. Nhờ vậy, xã Gia Bắc có thêm điều kiện để giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 30,45% (năm 2011) xuống còn 2,8% (năm 2015); xã Đinh Trang Thượng giảm từ 35,68% (2011) xuống còn 2,6% (2015). Đối với các thôn nghèo và cận nghèo, từ 2011 đến nay, huyện đã chi từ ngân sách địa phương trên 9,3 tỷ đồng để hỗ trợ thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nông cụ phục vụ sản xuất, con giống, chăm sóc và quản lý bảo vệ rừng... Nhờ vậy, các thôn nghèo và cận nghèo có thêm điều kiện để giảm tỷ lệ hộ nghèo từ trên 25% (năm 2011) xuống còn dưới 5% (năm 2015). 
 
“Qua 5 năm thực hiện Chương trình giảm nghèo, huyện Di Linh đã đạt được kết quả nhất định. Theo chuẩn hộ nghèo giai đoạn 2011 - 2015, tỷ lệ hộ nghèo chung của huyện từ 14,37% (2011) giảm xuống còn 2,5% (năm 2015) và 2 xã nghèo, 23 thôn nghèo, 6 thôn cận nghèo đều được thoát nghèo” - Trưởng Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Di Linh Hà Văn Thạnh cho biết. Tuy nhiên, qua khảo sát mới đây theo tiêu chí hộ nghèo mới (giai đoạn 2016 - 2020), thì huyện Di Linh có tới 3.920 hộ nghèo, chiếm 10,13% và 2.371 hộ cận nghèo, chiếm 6,13%. Đây là vấn đề đáng phải lo ngại. Và điều lo ngại hơn “Di Linh là vùng chuyên canh cà phê, nhưng niên vụ 2015 vừa qua, năng suất và sản lượng cà phê của huyện giảm khoảng 25 - 30% và giá chỉ còn dưới 31 ngàn đồng/ 1kg, nên nguy cơ tái nghèo rất cao. Do đó, trong lãnh đạo và điều hành phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, các tổ chức cơ sở Đảng và UBND các xã, thị trấn phải hết sức chú ý” - ông Nguyễn Canh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện, nhắc nhở tại Hội nghị tổng kết công tác xây dựng Đảng năm 2015 vừa được tổ chức mới đây.
 
XUÂN LONG