Để đạt tiêu chí huyện nông thôn mới, Đơn Dương là địa phương đã chủ động xây dựng rất nhiều mô hình điểm và được tỉnh đánh giá cao để triển khai nhân rộng. Một trong số đó là mô hình "Tổ dân vận thôn" tại 105 tổ dân phố, thôn.
Để đạt tiêu chí huyện nông thôn mới, Đơn Dương là địa phương đã chủ động xây dựng rất nhiều mô hình điểm và được tỉnh đánh giá cao để triển khai nhân rộng. Một trong số đó là mô hình “Tổ dân vận thôn” tại 105 tổ dân phố, thôn.
|
Đại diện Hội Nông dân xã Lạc Xuân (Đơn Dương) đi vận động nông dân trồng hoa theo mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao |
Với đặc điểm Đơn Dương là huyện miền núi nằm ở phía Đông của tỉnh Lâm Đồng, diện tích tự nhiên 61.032ha, dân số toàn huyện có 23.560 hộ, trong đó, đồng bào DTTS chiếm 5.391 hộ. Hệ thống hành chính toàn huyện gồm 8 xã, 2 thị trấn và 105 thôn, tổ dân phố. Tổ dân vận thôn tại huyện Đơn Dương được thành lập ngay sau khi có Hướng dẫn của Ban Dân vận Trung ương và Ban Dân vận Tỉnh ủy, Huyện ủy Đơn Dương đã ban hành Công văn số 270 ngày 4/5/2012 về việc thành lập Tổ dân vận thôn. Căn cứ tình hình thực tế tại cơ sở đã xây dựng quy chế hoạt động, chương trình công tác của tổ dân vận.
Ủy Ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đã xây dựng kế hoạch phối hợp hoạt động, trong đó, mỗi tổ chức đều đóng vai trò thành viên. Khối Dân vận xã, thị trấn chọn một tổ dân phố để chỉ đạo triển khai thực hiện mô hình điểm, sau đó nhân rộng toàn huyện với 105 tổ dân vận hoạt động tại 105 tổ dân phố, thôn. Tổng số cán bộ trong Tổ dân vận thôn đến nay lên tới 1.037 đồng chí, trong đó 288 đồng chí là đảng viên, 575 đồng chí là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, 697 người là đại diện các chức sắc tôn giáo, đây được coi là lực lượng cốt cán có vai trò nòng cốt để Tổ dân vận thôn đi vào hoạt động hiệu quả.
Để nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, hàng năm, Ban Dân vận Huyện ủy Đơn Dương đã phối hợp với Trung tâm bồi dưỡng chính trị tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo, quy chế dân chủ, thi đua yêu nước , dân vận khéo và “dân vận khéo xây dựng nông thôn mới”... cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận từ tỉnh đến cơ sở.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Quang Được - Chủ tịch UBMTTQ huyện Đơn Dương cho biết: Tổ dân vận thôn là một tổ chức phối hợp hoạt động của các lực lượng trực tiếp làm công tác dân vận, vận động quần chúng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của chi bộ; có chức năng tham mưu cho chi bộ và trực tiếp vận động các tầng lớp nhân dân, tổ chức các phong trào quần chúng thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các nhiệm vụ chính trị trên địa bàn thôn.
Được biết, Tổ dân vận thôn do đồng chí Bí thư chi bộ trực tiếp làm tổ trưởng, Trưởng ban công tác Mặt trận làm tổ phó, thành viên gồm Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh, Nông dân, phụ nữ, Đoàn thanh niên, Người cao tuổi, thôn đội trưởng, công an viên và người có uy tín, già làng trong vùng DTTS. Theo đó, khi đi vào hoạt động, các thành viên phải chịu trách nhiệm trước chi bộ, ban thôn về công tác dân vận theo từng lĩnh vực được phân công. Cụ thể như Chi hội Nông dân sẽ chịu trách nhiệm trong vận động, tuyên truyền về công tác nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, nhất là trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo năng suất chất lượng sản phẩm cao, đạt chất lượng và Chi hội Nông dân còn là cầu nối với các công ty thực hiện tiêu thụ sản phẩm cho bà con. Chi hội Phụ nữ vận động chị em tham gia phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, xây dựng gia đình bình đẳng - ấm no - hạnh phúc. Đoàn Thanh niên vận động xây dựng các điển hình thanh niên làm kinh tế giỏi, tham gia tích cực vào việc đóng góp ngày công xây dựng các công trình công cộng, xây dựng các tuyến đường “Thắp sáng đường quê”, “Ngày chủ nhật xanh”... Người cao tuổi đóng vai trò vận động hội viên đóng góp nguồn lực chung tay xây dựng nông thôn mới…
Bên cạnh đó, việc thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, tình hình dân tộc, tôn giáo, đơn thư khiếu nại, tố cáo và những tranh chấp, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân được các thành viên trong Tổ chủ động nắm bắt, kịp thời tham mưu cấp ủy chi bộ, lãnh đạo chính quyền địa phương giải quyết.
Qua triển khai và đi vào hoạt động, những năm qua, Tổ dân vận thôn ở huyện nông thôn mới Đơn Dương đã đem lại hiệu quả tích cực, hoạt động của các Tổ ngày càng đi vào nề nếp. Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Lệ - UVBTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết: Các Tổ dân vận thôn ở huyện Đơn Dương đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là vai trò tham mưu cho chi bộ, từ đó chi bộ đã phát huy vai trò điều hành hoạt động trong thôn. Ban Công tác Mặt trận đã huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn dân trong thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ chính trị trên địa bàn.
Hệ thống Tổ dân vận từ huyện đến thôn đi vào hoạt động nề nếp, hiệu quả đã góp phần quan trọng cùng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện hoàn thành tiêu chí về nông thôn mới với kết quả đến nay có 7/8 xã đạt 19/19 tiêu chí theo Bộ quy chuẩn quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Riêng xã Pró đạt 17 tiêu chí và huyện Đơn Dương vinh dự được Thủ tướng Chính phủ công nhận Huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Toàn huyện đã xây dựng được 153 mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực đời sống xã hội.
NGUYỆT THU