Người giữ "lửa" nghề truyền thống

08:01, 08/01/2016

Mặc dù xã hội ngày càng phát triển, nhưng một số nông cụ, những vật dụng trong gia đình làm ra từ nghề rèn truyền thống vẫn chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống sinh hoạt của đồng bào DTTS. Hiện nay, ở một số nơi, đồng bào vẫn giữ "lửa" để nghề rèn truyền thống không bị mai một.

Mặc dù xã hội ngày càng phát triển, nhưng một số nông cụ, những vật dụng trong gia đình làm ra từ nghề rèn truyền thống vẫn chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống sinh hoạt của đồng bào DTTS. Hiện nay, ở một số nơi, đồng bào vẫn giữ “lửa” để nghề rèn truyền thống không bị mai một.
 
Ông K’Bình xã Bảo Thuận (Di Linh)
Ông K’Bình xã Bảo Thuận (Di Linh)

Trước đây, đời sống của đồng bào DTTS luôn gắn bó với núi rừng. Họ sống chủ yếu bằng nghề làm nương rẫy và ruộng lúa nước. Để đáp ứng nhu cầu cuộc sống, nghề rèn đã ra đời như là một sự tất yếu và góp phần giữ vai trò hết sức quan trọng trong việc chế tác các nông cụ và vật dụng phục vụ sản xuất và đời sống sinh hoạt hàng ngày, như: cuốc, xẻng, lưỡi cày, xà gạc, xà bách, dao, giáo, lao, rìu...
 
Mặc dù, các dụng cụ phục vụ lao động sản xuất khác được bán phổ biến ở thị trường, nhưng những năm qua, già làng K’Sen (Tổ dấn phố Ka Ming, thị trấn Di Linh) vẫn duy trì nghề rèn truyền thống. Bởi lẽ, những sản phẩm do bàn tay của mình tạo ra luôn bền đẹp, sắc bén và đáp ứng tốt nhu cầu cuộc sống, sinh hoạt của bà con. “Với đồng bào DTTS nói chung, nghề rèn là nghề truyền thống và là một trong những nghề ra đời từ rất lâu và còn tồn tại cho đến ngày nay. Những năm trước đây, ở các buôn đồng bào DTTS thường có ít nhất 2 đội rèn, nhưng hiện nay do xã hội phát triển, các công cụ sản xuất trên thị trường trở nên phổ biến hơn, nên các đội rèn ở vùng đồng bào không còn duy trì nữa. Hiện nay, trên địa bàn huyện Di Linh chỉ có vài người thợ còn duy trì nghề rèn truyền thống” - già làng K’Sen nói.
 
Ông K’Bình ở thôn Bảo Tuân, xã Bảo Thuận (Di Linh) học và theo nghề rèn đã gần 50 năm, chủ yếu rèn theo yêu cầu đặt hàng của bà con. Điều mà ông trăn trở nhất hiện nay là nghề rèn truyền thống đang đứng trước nguy cơ thất truyền. Những thế hệ trẻ họ không mặn mà với nghề rèn, nên muốn truyền nghề rất khó. Năm 2015, ở Bảo Thuận có 3 thôn duy trì nghề rèn thì đến nay chỉ còn thôn Bảo Tuân và Kròt Dờng còn giữ nghề.
 
Khác với người K’Ho phải chọn cây rừng có thân to, chắc, thẳng, có tuổi thọ cao và khoét hai lỗ để làm ống thụt hơi thì với người Châu Mạ điều này có vẻ đơn giản hơn, họ thường dùng cây lồ ô, nứa để làm ống thụt hơi, nên chỉ sử dụng một thời gian ngắn rồi thay thế bằng cái mới. Buôn Go, thị trấn Cát Tiên (huyện Cát Tiên) là một trong những buôn của người Mạ còn khá nhiều người giữ nghề rèn. Ông Điểu K’Banh cho biết: “Tôi theo nghề này từ ông cha, chủ yếu rèn rìu, xà gạc, rựa, dao... để phục vụ đời sống, sinh hoạt cho gia đình. Trước kia, ở Buôn Go có nhiều người biết rèn, nhưng nay họ đã bỏ dần và hiện tại chỉ còn khoảng 6 hộ duy trì nghề truyền thống này. Do các dụng cụ này trên thị trường bán phổ biến và nhiều tiện lợi hơn, nên họ không duy trì nghề nữa. Riêng những người còn duy trì cũng không làm thường xuyên như trước đây”. 
 
Ngày nay, nghề rèn ở vùng đồng bào DTTS cũng có nhiều thuận lợi hơn. Họ đã trang bị quạt quay tay để thổi hơi khá đơn giản, tiện dụng giúp người thợ đỡ mất công sức, thời gian khi rèn và chỉ cần hai người là có thể rèn được. Bên cạnh đó, các nguyên vật liệu, như sắt, thép cũng phổ biến hơn cộng với bàn tay khéo léo của mình, họ đã tạo ra các sản phẩm, như loại rìu, liềm, dao, cuốc... đáp ứng được nhu cầu phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày của bà con. 
 
Mặc dù trên thị trường có sẵn, nhưng đồng bào DTTS vẫn thích sử dụng các công cụ do chính bàn tay mình làm ra. Bởi lẽ, ở những khía cạnh nào đó, những công cụ ấy thường phát huy nhiều công dụng mà các sản phẩm khác trên thị trường không thể có được. “Nghề rèn truyền thống của người Mạ nói riêng và các đồng bào DTTS khác nói chung có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống sinh hoạt của tộc người. Ngày nay, tuy nghề rèn truyền thống không được duy trì tốt như trước đây nhưng chúng tôi luôn giữ “lửa” và truyền lại nghề truyền thống để con cháu ý thức lưu giữ và bảo tồn”- ông Điểu K’Đông nói.
 
NDONG BRỪM