Sự cần thiết phải ban hành "Bộ quy chuẩn về chăm sóc trẻ em tại cơ sở Bảo trợ Phật giáo"

09:01, 27/01/2016

Trên các phương tiện thông tin đại chúng thời gian qua, liên tục xuất hiện các vụ buôn bán trẻ em hoặc bạo hành trẻ em gây chấn động dư luận, xã hội. Gần đây nhất, một cơ sở từ tâm nhận nuôi dạy trẻ, nhưng lại không tuân thủ các quy định pháp luật và đã bị giải thể, để lại nhiều dư luận trái chiều… 

Trên các phương tiện thông tin đại chúng thời gian qua, liên tục xuất hiện các vụ buôn bán trẻ em hoặc bạo hành trẻ em gây chấn động dư luận, xã hội. Gần đây nhất, một cơ sở từ tâm nhận nuôi dạy trẻ, nhưng lại không tuân thủ các quy định pháp luật và đã bị giải thể, để lại nhiều dư luận trái chiều… Trước thực trạng đó, Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh đã có sáng kiến triển khai Bộ quy chuẩn về chăm sóc trẻ em tại cơ sở Bảo trợ Phật giáo và đã nhận được sự đồng tình thống nhất cao của Ủy ban MTTQVN thành phố Hồ Chí Minh, Cục Bảo vệ & chăm sóc trẻ em (BVCSTE) - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và đặc biệt là Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Quốc tế và Tổ chức UNICEF. Một cuộc hội thảo về nội dung này vừa được tổ chức tại Đà Lạt.
 
Trẻ em có hoàn cảnh ĐBKK rất cần được nuôi dưỡng chăm sóc giáo dục theo đúng quy chuẩn
Trẻ em có hoàn cảnh ĐBKK rất cần được nuôi dưỡng chăm sóc giáo dục theo đúng quy chuẩn

Việc thực hiện Bộ quy chuẩn tối thiểu cho các cơ sở nuôi dạy trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có ý nghĩa rất lớn đối với công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Tạo cho trẻ có môi trường an toàn, lành mạnh và thân thiện, đảm bảo thực hiện đầy đủ các quyền cơ bản của trẻ em, giúp trẻ được phát triển hài hòa về thể chất, trí tuệ và nhân cách. Đây được xem là tiêu chí đánh giá kết quả trong việc hoàn thành các mục tiêu về trẻ em theo “Chương trình hành động quốc gia Vì trẻ em Việt Nam giai đoạn 2012 - 2020”, là một trong những tiêu chí đánh giá việc thực hiện chiến lược bảo vệ trẻ em hàng năm của các cơ sở Bảo trợ xã hội (BTXH) ngoài công lập - bà Nguyễn Thị Nga - Phó Cục trưởng Cục BVCSTE - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết.
 
Theo đó, sau gần 2 năm nghiên cứu, khảo sát thực tế và xây dựng, Bộ quy chuẩn tối thiểu về chăm sóc trẻ em được ban hành gồm 6 nhóm chủ đề chính với 21 tiêu chí cụ thể. Nhóm 1 - quy định các chuẩn mực về đạo đức nghề nghiệp, tác phong và các nguyên tắc hành xử bắt buộc đối với cán bộ quản lý và người chăm sóc; Nhóm 2 - quy định về bảo vệ trẻ em, cơ chế giám sát, theo dõi, xử lý các vi phạm về bảo vệ trẻ em. Nhóm này được xây dựng nhằm đảm bảo tất cả trẻ em đều phải được đối xử bình đẳng, tôn trọng quyền riêng tư. Nhóm 3 - quy định về các hoạt động chuyên môn; Nhóm 4 - về chăm sóc cá nhân. Nhóm này được thực hiện căn cứ vào quyền trẻ em theo Công ước Quốc tế về quyền trẻ em của Liên Hiệp quốc và Luật CSBV Trẻ em của Việt Nam, quy định về việc duy trì mối quan hệ giữa trẻ em và cơ sở bảo trợ với gia đình, người giám hộ và việc chuẩn bị hồi gia cho trẻ... Nhóm 5 - quy định về cơ sở vật chất, nhóm này tập trung vào việc đáp ứng yêu cầu bảo đảm sức khỏe và sự riêng tư, vệ sinh môi trường phải được đảm bảo sạch sẽ, cơ sở vật chất phù hợp cho trẻ phát triển, đảm bảo một môi trường ấm cúng, thân thiện. Nhóm 6 - quy định về công tác quản lý, nhóm này quy định các hồ sơ và dữ liệu liên quan đến tất cả các vấn đề quản lý được bảo quản tốt, cẩn thận.
 
Việc xây dựng bộ quy chuẩn được coi là công cụ giúp cho Giáo hội Phật giáo VN thành phố Hồ Chí Minh trong việc giám sát và hỗ trợ cho các cơ sở bảo trợ xã hội thực hiện có hiệu quả công tác CSBV - GD trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trên cơ sở đó, sau một thời gian áp dụng đã tạo nhiều chuyển biến tích cực như cải tạo lại nơi ở, cơ sở vật chất, giúp môi trường sống cho các em tốt hơn, quan tâm đến công tác chăm sóc sức khỏe, y tế, có nhân viên y tế, có tủ thuốc, thực hiện các thủ tục pháp lý để đăng ký hoạt động với cơ quan có thẩm quyền... Trao đổi về vấn đề này, Ni sư Thích Nữ Như Thảo - Hiệu trưởng Trường Mồ côi Pháp Võ (thành phố HCM) cho biết: Được sự quan tâm của GHPG thành phố HCM, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp quốc (UNICEF), Tổ chức Cứu trợ Trẻ em quốc tế và Ủy ban MTTQ thành phố HCM nên Bộ quy chuẩn được triển khai. Nhờ đó, sau khi áp dụng cơ sở của chúng tôi đã đảm bảo được sự phát triển hài hòa cho trẻ, giúp các cháu yên tâm học tập, cởi mở vui đùa, từ đó trẻ ngoan hơn và có ý thức tuân thủ theo đúng nề nếp từ học tập đến sinh hoạt hàng ngày. Giúp các nhân viên chăm sóc có nhận thức đúng đắn hơn, nâng cao trách nhiệm của mình hơn về việc làm thiện nguyện đối với công tác CSBV - GD trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. 
 
Đại Đức Thích An Đạt - Chánh Thư ký Ban thực hiện Dự án sáng kiến lãnh đạo Phật giáo - GHPG thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Thành phố HCM là địa phương tập trung đông nhất, với 30 cơ sở chăm sóc trẻ em do các chùa, cơ sở bảo trợ thực hiện. Trên thực tế, việc thực hiện tự nguyện, tự phát, nhưng lại nảy sinh nhiều bất cập. Việc thiện nguyện không chỉ dừng lại ở việc cho các em ăn, mặc, mà còn phải giúp các em được phát triển toàn diện. Yêu thương theo quan điểm của Đức Phật chính là từ bi, nhưng yêu thương phải trên cơ sở hiểu biết, tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Nếu Phật giáo không đi trước một bước, không chuẩn hóa quy chuẩn này sẽ làm ảnh hưởng xấu đến công tác thiện nguyện của Phật giáo. Chính vì vậy, Bộ quy chuẩn được xây dựng và đi vào áp dụng trên thực tế đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ nhiều phía. Bộ quy chuẩn sẽ được coi là tài sản chung để tất cả các cơ sở áp dụng, chúng tôi mong muốn GHPG Việt Nam đưa vào chương trình nghị sự và nhân rộng toàn quốc.
 
NGUYỆT THU