Tình người bên dòng Krông Nô

10:01, 08/01/2016

Lâu lắm rồi và cho đến tận bây giờ, cũng chẳng ai biết, từ đâu và vì sao những người Cơ Ho đang sống trong những buôn làng xa xôi và nghèo khó bên cạnh dòng sông cha Krông Nô vẫn trọn vẹn giữ nếp sống đầy hơi ấm tình người.

Lâu lắm rồi và cho đến tận bây giờ, cũng chẳng ai biết, từ đâu và vì sao những người Cơ Ho đang sống trong những buôn làng xa xôi và nghèo khó bên cạnh dòng sông cha Krông Nô vẫn trọn vẹn giữ nếp sống đầy hơi ấm tình người. Mỗi khi ai đó đau ốm, hoạn nạn hoặc nhà nào có chuyện vui như cưới hỏi, họ vẫn tìm đến nhau bằng sự sẻ chia thật lòng nhất. Người khó thì chút gạo, mắm muối; người dư dả thì heo, gà, rượu cần… tùy từng hoàn cảnh gia đình, góp thêm cho mâm cơm thêm đầy. 
 
Các dân tộc Đam Rông vui lễ hội. Ảnh: Vi Xuân
Các dân tộc Đam Rông vui lễ hội. Ảnh: Vi Xuân

Kể cả những người già lớn tuổi như cây cổ thụ trong rừng già, như tảng đá bên bờ suối trong mỗi buôn làng người Cơ Ho của mảnh đất Đam Rông cũng không thể nhớ nổi phong tục này bắt đầu từ bao giờ. Chỉ biết rằng, mỗi khi trong buôn có gia đình nào bị hoạn nạn, ốm đau, tang ma, cưới hỏi thì những hộ khác trong thôn và những gia đình có cùng dòng họ lại chung tay giúp đỡ lẫn nhau tùy lòng hảo tâm và tùy thuộc vào hoàn cảnh kinh tế của mỗi gia đình. Những hộ nào khá giả thì hỗ trợ tiền mặt, heo, thậm chí cả con bò. Đối với những hộ khó khăn hơn thì hỗ trợ bằng gạo, rượu cần, gà, mắm muối, củi đốt… Trong trường hợp, những gia đình có tang ma, cưới hỏi, thì sự hỗ trợ này sẽ được dùng để chi phí cho việc ăn uống và những chi phí khác có liên quan. Đối với những gia đình bị hoạn nạn, ốm đau thì dùng để hỗ trợ khắc phục hậu quả và chi phí thuốc men, viện phí. Già làng Rơ Ông Ha Liên, thôn Mê Ka, xã Đạ Tông, cho biết: “Theo phong tục tập quán của dân tộc mình thì gia đình nào có người chết mọi người sẽ đi thăm, có người mang heo, gà, rồi tiền. Đối với đám cưới thì giúp gạo, nếu anh em ruột thì giúp đỡ đồng la, một con heo, hoặc 1 con bò. Mục đích của việc giúp đỡ là phát huy tinh thần đoàn kết”.
 
Gần đây thôi gia đình anh Cil Ha Tông, ở thôn Mê Ka, xã Đạ Tông phải gánh chịu nỗi đau tột cùng khi người vợ đầu gối tay ấp, cùng anh đi qua 20 mùa mưa nắng đã lìa xa anh, trở về với đất mẹ. Giữa cơn đau ấy, anh đã được bà con trong buôn, anh em, bạn bè đến động viên chia sẻ những đau thương mất mát, cũng như giúp đỡ về tiền, gạo và những vật dụng khác để anh lo hậu sự cho vợ. Không nhiều, nhưng sự giúp đỡ đầy tình người, sự sẻ chia đầy cảm thông ấy, đã là lời yêu thương về sự đùm bọc đầy nhân ái của người dân nơi đây. Anh Cill Ha Tông, ở thôn Mê Ka, xã Đạ Tông, thổ lộ: “Vừa rồi, vợ mình mất, mình cũng rất đau buồn. Nhưng nhờ được anh em bạn bè và bà con hàng xóm đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ cho gia đình mình chi phí đưa tang vợ. Nếu không có sự hỗ trợ này thì mình cũng không biết làm thế nào, vì nhà mình rất nghèo”.
 
Anh Kơ Sá Ha Jim, ở thôn 2, xã Đạ Long cũng vừa bán 1 con bò được gần 20 triệu đồng - đây được xem là tài sản lớn của gia đình. Toàn bộ số tiền trên anh đã giúp đỡ cho anh trai vợ bị bệnh hiểm nghèo đang điều trị tại bệnh viện. Anh Kơ Sá Ha Jim, ở thôn 2, xã Đạ Long, nói: “Theo phong tục của dân tộc mình, thì mỗi khi anh em họ hàng hay những gia đình trong thôn, xóm có người bị ốm đau, hoạn nạn thì cùng giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau. Gia đình mình cũng vừa bán 1 con bò để giúp đỡ anh trai vợ bị bệnh để chi phí tiền thuốc men”.
 
Giống như anh Kơ Sá Ha Jim, chị Liêng Hót K’Then, ở thôn NTôn, xã Đạ Tông cũng vừa đóng góp 2 con gà để giúp đỡ gia đình hàng xóm vừa có người bị mất. Ngoài hỗ trợ về gà, chị còn giúp đỡ ngày công để nấu nướng, dọn dẹp và phụ giúp các công việc khác. Chị Liêng Hót K’Then, ở thôn NTôn, xã Đạ Tông, cho biết: “Gia đình mình còn khó khăn nên chỉ hỗ trợ được 2 con gà thôi, vì tùy lòng hảo tâm của mỗi gia đình mà. Đây là thể hiện tình cảm của gia đình mình để động viên, chia sẻ những khó khăn với gia đình có người bị mất”.
 
Cho đến tận bây giờ, có lẽ là mãi mãi về sau, người Cơ Ho ở Đam Rông vẫn đến với nhau trong những ngày vui hoặc nỗi buồn bằng tấm lòng bình dị, giản đơn nhưng thấm đẫm tình người. Ở đó, nơi những nóc nhà bình yên vẫn buông khói bếp mỗi khi chiều xuống, những người phụ nữ vẫn tảo tần, hôm sớm giữ lửa ấm êm, những người đàn ông vẫn chân trần mỗi sáng mai lên rẫy. Ở đó có cả những thứ đổi thay theo thời gian, nhưng tình làng nghĩa xóm vẫn được người già và lũ trẻ sau này lớn lên gìn giữ đến muôn đời.
 
Lê Tuấn