Kỷ niệm 61 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam và 40 năm ngày thành lập ngành Y tế Lâm Đồng, Sở Y tế tỉnh đã tổ chức lễ viếng dâng hương các liệt sĩ ngành Y tế tại Nhà bia tưởng niệm ở Cổng Trời - xã Lát - Lạc Dương.
Kỷ niệm 61 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam và 40 năm ngày thành lập ngành Y tế Lâm Đồng, Sở Y tế tỉnh đã tổ chức lễ viếng dâng hương các liệt sĩ ngành Y tế tại Nhà bia tưởng niệm ở Cổng Trời - xã Lát - Lạc Dương.
|
Đoàn về nguồn nghe y sĩ Lê Văn Đường, nhân chứng, người sống sót duy nhất kể chuyện hy sinh của các liệt sĩ bên Nhà bia tưởng niệm ở Cổng Trời |
Đoàn về nguồn trong buổi sáng hôm ấy có nhiều người cao tuổi từng làm cán bộ lãnh đạo ngành Y tế Lâm Đồng qua các thời kỳ, lãnh đạo Sở Y tế và các đơn vị trong ngành, lãnh đạo Huyện ủy - HĐND - UBND huyện Lạc Dương, xã Lát và các đoàn viên thanh niên của Sở Y tế. TS Phạm Thị Bạch Yến - TUV, Giám đốc Sở Y tế tỉnh thay mặt các thế hệ cán bộ ngành Y tế Lâm Đồng phát biểu tri ân các liệt sĩ. Phát biểu nhấn mạnh: “Sự kiện ngày 21/8/1980 để lại nhiều dấu ấn về sự hy sinh quên mình của cán bộ y tế tỉnh Lâm Đồng khi có 9 cán bộ của ngành đã hy sinh tại khu vực Cổng Trời thuộc xã Lát, huyện Lạc Dương trong khi đang trên đường đi làm nhiệm vụ chống dịch bệnh tại ba xã Đầm Ròn. Nhà bia tưởng niệm đã được xây dựng từ năm 2011 tại nơi các anh đã ngã xuống theo ước nguyện chung của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức ngành Y tế đóng góp xây dựng để tri ân các liệt sĩ của ngành”.
Xúc động nghẹn ngào, BSCKII - Thầy thuốc ưu tú Lê Thái, Nguyên Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng đọc bài thơ Tri ân liệt sĩ: “Ơi anh Canh, anh Cường, anh Đôn/Ơi anh Giao, anh Hải, anh Hoàn/Ơi anh Quang, anh Thìn, anh K’Téo/Ơi hai anh giao bưu Ha Phương, K’Giang ơi!/Có nghe chúng tôi gọi/Vang vọng giữa Cổng Trời/Trước nhà bia tưởng niệm/Các liệt sĩ ngành Y/Các anh đã hy sinh/Vì sức khỏe nhân dân/Khi đất nước hòa bình/Để lại niềm thương tiếc…”. BS Lê Thái chia sẻ: Tri ân người đã khuất, có các anh làm nên trang sử hào hùng của ngành Y tế, xúc cảm vì nhớ các anh ấy mà tôi viết nên những bài thơ, mộc mạc như vậy thôi nhưng là tấm lòng của mình đối với các liệt sĩ ngành Y tế ở Nghĩa trang Liệt sĩ của tỉnh, cũng như ở Nhà bia tưởng niệm Cổng Trời. Những liệt sĩ ngành Y tế hy sinh trên đường chống dịch tại Cổng Trời là những tấm gương sáng ngời cho các thế hệ ngành Y tế nói chung, và những thế hệ sau làm sao xứng danh là người thầy mà xã hội đã tôn vinh, xứng danh là người mẹ hiền của người bệnh nhân mà Bác Hồ đã căn dặn.
BS Lê Thái cho biết: Năm nào tôi cũng đi về nguồn, theo đoàn viếng Nghĩa trang liệt sĩ của tỉnh, Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ của ngành. Đi để tỏ lòng biết ơn các anh hùng liệt sĩ, thăm viếng anh em đồng nghiệp của mình. Hầu hết các liệt sĩ hy sinh ở Cổng Trời tôi đều thân thiết, có những anh trước khi đi công tác như thế có nhiều tâm sự lắm. Ví dụ như BS K’Đôn độc thân, khi ra đi bảo tất cả chúng em chỉ biết cống hiến; hay BS Cường có vợ con mãi ngoài Hoàng Liên Sơn vào đây hết mình vì công việc, vì sức khỏe nhân dân; hay là K’Téo - một cán bộ y tế người dân tộc vào chống dịch hạch. Đó là những người mà mình gắn bó, như anh Giao - y sĩ bị thương nặng trong trận tập kích, vì đường sá khó khăn, vận chuyển về Đà Lạt cấp cứu hơi trễ nên hy sinh. Lúc đó, tôi mới làm Trưởng phòng nghiệp vụ của Sở Y tế, đưa anh em về hội trường của Trạm Vệ sinh phòng dịch có tới 9 quan tài cùng nằm đấy, cả một nỗi đau đớn của toàn ngành. Tôi chứng kiến và tham gia Ban tổ chức tang lễ cho các anh. Từ đó đến giờ, tôi luôn luôn nhớ, nghĩ tới các anh. Như anh Đường, người duy nhất sống sót trong trận tập kích, hôm nay gặp nhau anh em ôm nhau muốn khóc.
Bên Nhà bia tưởng niệm hôm nay, chúng tôi xúc động nghe nhân chứng kể về chuyến xe chở đoàn cán bộ y tế đi chống dịch năm 1980 và cái chết tập thể trong tích tắc 11 người trên xe đã ngã xuống, chỉ còn lại một mình sống sót, ông Lê Văn Đường - một người đàn ông cao gầy, tóc đã bạc, giọng nói nghẹn ngào xúc động mạnh khi nhớ lại sự ra đi bất ngờ của các đồng nghiệp. Ngày ấy, ông chỉ mới 26 tuổi, là một kỹ thuật viên côn trùng của Trạm sốt rét tỉnh có gia đình ở Đà Lạt vừa mới có một đứa con trai tròn 1 tuổi. Nhận lệnh vào Đầm Ròn chống dịch, 8 giờ sáng ngày 21/8/1980, chuyến xe khởi hành từ Đà Lạt đưa 12 người thuộc đoàn y, bác sĩ chống dịch của Trạm Vệ sinh phòng dịch, Trạm sốt rét, Y tế Lạc Dương và 2 giao liên dẫn đường. Trên xe có đến 3 bác sĩ, còn lại là y sĩ, y tá và chở theo 2 cơ số thuốc để dập dịch. Khoảng 10 giờ sáng đến khu vực đường Dốc Trời, những tiếng nổ rền vang trên xe, khi tỉnh dậy, ông Đường chống chọi đau đớn vì cơ thể bị bầm dập… Cảm giác đau đớn hơn khi nhìn những đồng nghiệp trên vũng máu, chỉ còn một người là y sĩ Nguyễn Đình Giao bị thương rất nặng do trúng một viên M79 vào hông. Y sĩ Đường đã lê lết người về phía ngược lại hành trình 2 cây số thì gặp một cán bộ lâm nghiệp báo tin. Người cán bộ lâm nghiệp ấy đã vào nơi xảy ra thảm nạn và cõng anh Giao đưa ra xe lâm nghiệp chở về Bệnh viện tỉnh. Nhưng chưa đến Đà Lạt, anh Giao đã qua đời vì thương tích quá nặng, còn y sĩ Đường được chữa trị 11 vết thương ở đầu, tai, chân, đùi cho đến khi lành vết thương, sau này được công nhận là thương binh 4/4 và vẫn tiếp tục công tác 8 năm sau thì ông nghỉ làm vì mất sức. Trở về với công việc làm vườn nhưng lòng ông vẫn không yên khi nghĩ đến những đồng nghiệp đã mất, cứ vào ngày 21/8 hàng năm và dịp Quốc khánh 2/9, hay ngày Tết, ông lặng lẽ viếng Nghĩa trang Liệt sĩ để thắp hương cho các đồng nghiệp của mình giờ đã là liệt sĩ và viếng Nhà bia tưởng niệm tại khu vực Cổng Trời nơi các đồng đội, đồng nghiệp đã hy sinh.
Ông Lê Văn Đường tâm sự: Dự lễ tưởng niệm những đồng đội tôi đã hy sinh, thật xúc động nghẹn ngào. Các đồng đội, các anh em luôn luôn tưởng nhớ và ghi nhận sự hy sinh của các anh đối với ngành Y tế tỉnh nhà, phần lớn các anh còn rất trẻ. Trong thời gian những năm 1980 rất khó khăn nhưng nhiệm vụ của ngành giao, anh em không bao giờ từ chối, dù biết rằng đây không phải là lần duy nhất những anh em chúng tôi đi công tác chống dịch bệnh bị tập kích mà ở Ka Đơn, Tu Tra - Đơn Dương, ở ấp 16 La Òn, ở K’Long Đầm Ròn chúng tôi đã bị vài lần như thế nhưng với tinh thần vì nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân, chúng tôi kiên quyết hoàn thành. Tôi rất nhớ buổi sáng hôm ấy, khi anh em chúng tôi ngồi trên xe còn nhai bắp rang trong khi đó Fulro tập kích, anh em hy sinh rất đau xót. Xin các anh hãy yên nghỉ, chúng tôi, những người còn sống sẽ nhớ mãi các anh.
BS Phạm Văn Tuấn Anh - Bí thư Chi đoàn cơ sở Sở Y tế, vừa là cụm trưởng Cụm đoàn Y tế gồm có 8 Chi đoàn với gần 500 đoàn viên, cho biết: Hàng năm, Chi đoàn định kỳ tổ chức 7 lần viếng Nhà bia tưởng niệm các liệt sĩ ở Cổng Trời, vào chăm sóc, vệ sinh và tạo điều kiện cho đoàn viên biết được những anh hùng liệt sĩ của ngành. Tưởng nhớ đến các liệt sĩ của ngành cũng là dịp để đoàn viên của Sở, của Chi đoàn Y tế Dự phòng tỉnh, Chi đoàn Trung tâm Y tế huyện Lạc Dương giao lưu và phát huy truyền thống tốt đẹp của ông cha “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Bản thân tôi đã nhiều lần về nguồn như vậy, mỗi lần viếng thăm Nhà bia dâng lên mỗi cảm xúc khác nhau nhưng tựu trung lại là sự xúc động, cảm phục về những người vì ngành y tế, vì sức khỏe của người dân mà đã hy sinh luôn cả mạng sống của mình. Điều đó làm mình phải cố gắng nhiều hơn, những khó khăn mình đang gặp chỉ là rất nhỏ so với ngày xưa ông cha, cô chú đi trước đã vượt qua.
Ghi chép: DIỆU HIỀN