Bồ Bla khởi sắc

08:02, 24/02/2016

Bồ Bla là 1 trong 5 thôn có đông đồng bào DTTS của xã Liên Đầm (Di Linh) và là một trong những thôn đi đầu trong phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương. Nhờ các chính sách của Nhà nước cùng với việc phát huy tinh thần đoàn kết và sự nỗ lực vượt khó của người dân, nên đến nay, đời sống vật chất, tinh thần của bà con đã có nhiều chuyển biến rõ nét, diện mạo nông thôn ngày càng được khởi sắc. 

Bồ Bla là 1 trong 5 thôn có đông đồng bào DTTS của xã Liên Đầm (Di Linh) và là một trong những thôn đi đầu trong phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương. Nhờ các chính sách của Nhà nước cùng với việc phát huy tinh thần đoàn kết và sự nỗ lực vượt khó của người dân, nên đến nay, đời sống vật chất, tinh thần của bà con đã có nhiều chuyển biến rõ nét, diện mạo nông thôn ngày càng được khởi sắc. 
 
Một góc thôn Bồ Bla
Một góc thôn Bồ Bla

Thôn Bồ Bla có 289 hecta đất cà phê, 13,5 hecta chè và 16,9 hecta lúa nước. Thôn có 218 hộ với trên 90% hộ dân là đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên. Đến nay, đời sống của bà con trong thôn đã có bước phát triển đáng kể. Nếu so với các thôn đồng bào DTTS trên địa bàn xã thì Bồ Bla là thôn có bước phát triển khá toàn diện trên mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội. Có được kết quả này, những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy tinh thần đoàn kết trong cộng đồng dân cư, nhất là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Chương trình xây dựng nông thôn mới... Bên cạnh đó, bà con đã thay đổi được nhận thức, tự lực, tự cường, nhất là trong lao động sản xuất. Vì vậy, đến nay Bồ Bla đã xuất hiện nhiều hộ có đời sống kinh tế khá giả, như hộ ông K’Brem, K’Nhổih, K’Brô, K’Bìu, K’Sáo, K’Gim, K’Tàng, Ka Nhốih... Ông K’Brem cho biết: “Trước đây, cuộc sống của người dân trong thôn có nhiều khó khăn, nhờ chịu khó tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm những người đi trước, nên đến nay đã có nhiều hộ kinh tế vững, xây dựng nhiều ngôi nhà khang trang có trị giá từ hàng trăm triệu đồng và chăm lo cho con cái học hành”.
 
Với vai trò là cộng tác viên khuyến nông của thôn, những năm qua, ông K’Nhổih luôn nỗ lực vượt khó, vận dụng kiến thức để phát triển kinh tế gia đình, lấy đó làm cơ sở trong việc tuyên truyền, vận động bà con thay đổi tập quán canh tác lạc hậu. Gia đình ông có 3 hecta cà phê, nhờ áp dụng tiến bộ KHKT, nên hàng năm, bình quân gia đình thu được 9 tấn cà phê nhân. “Từ khi trồng chè, cà phê và biết áp dụng KHKT vào sản xuất, đến nay gia đình tôi đã có cuộc sống ổn định, xây dựng nhà cửa, mua sắm các nông cụ phục vụ sản xuất và đầu tư cho 2 người con học đại học, có một con nay đã ra trường. Từ kết quả đạt được, tôi tự tin hơn trong việc tuyên truyền cho bà con thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, biết áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất và điều đáng mừng là hiện nay đã có trên 60% hộ dân có nhận thức tốt trong việc phát triển sản xuất...” - ông K’Nhổih nói.
 
Cùng với việc phát triển kinh tế, chi bộ, Ban nhân dân thôn và các ban, ngành, đoàn thể của thôn còn chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Đến nay, số thanh thiếu niên quậy phá đã giảm đáng kể, các phong tục lạc hậu, mê tín dị đoan đã được đẩy lùi. Hiện nay, cùng với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, bà con thôn Bồ Bla đang ra sức xây dựng nông thôn mới. Trong những năm qua, nhân dân thôn Bồ Bla đã đóng góp công sức, tiền của và tự nguyện hiến đất để làm đường giao thông nông thôn, xây dựng cầu dân sinh vào khu vực sản xuất. Theo đó, 218 hộ dân trên địa bàn đều đồng thuận cao, đóng góp trên 100 triệu đồng và hàng trăm ngày công lao động để tự xây dựng cây cầu có chiều dài 12 mét, rộng 1,4 mét; đóng góp gần 220 triệu đồng, nâng cấp và thảm bê tông 600 mét tuyến đường vào khu vực sản xuất. Trong năm 2016, Ban nhân dân thôn đang triển khai, vận động bà con đóng góp tiền xây dựng hội trường thôn và bê tông hóa các tuyến đường ngõ xóm.
 
Ông K’Pẹo, Bí thư Đảng ủy xã Liên Đầm, cho biết: “Thôn Bồ Bla có trên 90% dân số là đồng bào DTTS tại chỗ. Đây là thôn có nhiều điểm thuận lợi so với một số thôn khác của xã, như hệ thống giao thông, đất sản xuất, điều kiện thổ nhưỡng và nguồn nước tưới phục vụ sản xuất được tốt hơn. Cùng với đó, thôn có 80% số hộ dân đã tự chủ được nguồn lương thực tại chỗ... Ngoài những lợi thế trên, nhận thức của bà con cũng đã được nâng cao, biết nỗ lực vượt khó phát triển kinh tế, không còn tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước và là một trong những thôn của xã luôn thực hiện tốt các khoản đóng góp của địa phương”.
Hệ thống giao thông thuận lợi đã tạo đà phát triển kinh tế thông thương hàng hóa. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Theo thống kê, toàn thôn hiện có 70% số hộ có cuộc sống khá giả, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo giảm xuống còn khoảng 20 hộ. Thôn có 184 hộ được công nhận đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”.
 
NDONG BRỪM