Quản lý, giúp đỡ những người đã chấp hành xong án phạt tù (CHXAPT) trở về tái hòa nhập cộng đồng dân cư là một việc làm đậm tính nhân văn. Thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền và nhất là lực lượng Công an phường 3, thành phố Đà Lạt đã cụ thể hóa việc này bằng nhiều hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực.
Quản lý, giúp đỡ những người đã chấp hành xong án phạt tù (CHXAPT) trở về tái hòa nhập cộng đồng dân cư là một việc làm đậm tính nhân văn. Thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền và nhất là lực lượng Công an phường 3, thành phố Đà Lạt đã cụ thể hóa việc này bằng nhiều hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực.
|
Đường 3 tháng 4, phường 3 - cửa ngõ vào thành phố Đà Lạt. Ảnh: PHẠM ANH DŨNG |
Là một trong những địa bàn rộng, nằm ở cửa ngõ của thành phố Đà Lạt, dân số đông, có bến xe liên tỉnh, có hệ thống đường đèo, hệ thống nhà nghỉ, khách sạn khá đông và giáp ranh với huyện Đức Trọng nên phường 3 là một trong những địa bàn phức tạp về tình hình tội phạm. Riêng về đối tượng đã CHXAPT và trở về sinh sống tại địa phương, tính đến cuối năm 2015, toàn phường có 12 trường hợp. Thực hiện Nghị định số 80/2011/NĐ - CP, ngày 16/9/2011 của Chính phủ quy định các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người CHXAPT, Công an phường 3, thành phố Đà Lạt đã tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ các đối tượng có hộ khẩu thường trú trên địa bàn phường, tạo điều kiện cho họ trở về cộng đồng để thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân theo đúng quy định của pháp luật.
Thiếu tá Đinh Tư - Trưởng Công an phường 3, cho biết: “Những đối tượng vừa CHXAPT trở về địa phương đều mang trong mình rất nhiều mặc cảm, nếu không giúp đỡ kịp thời họ sẽ rất dễ tiếp tục sa ngã. Để có thể tái hòa nhập cộng đồng là cả một chặng đường dài, bởi thế lực lượng công an khu vực luôn bám sát để giúp đỡ, hỗ trợ về mặt tâm lý, tránh để đối tượng tái vi phạm vào con đường lầm lỡ”.
Theo quy định, mỗi phạm nhân khi mãn hạn tù trở về phải ra phường trình diện. Trong quá trình đó, lực lượng công an khu vực, ngoài việc tuyên truyền, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng để nắm bắt chính xác tâm lý từng đối tượng, tạo tâm lý ổn định và có biện pháp thiết thực giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng cũng luôn tạo mọi điều kiện để giúp đỡ, trang bị cho các đối tượng những điều kiện cần thiết nhất cho việc tái hòa nhập như: nhập lại hộ khẩu, hay làm lại chứng minh thư nhân dân bị mất, tổ chức các hoạt động để người CHXAPT có dịp được giao lưu, học tập những tấm gương hoàn lương tiêu biểu, dần xóa bỏ tâm lý mặc cảm, tự ti…
Lực lượng công an phường 3 đã chọn cách tiếp nhận, quản lý, giáo dục người CHXAPT có địa chỉ để giúp đỡ. Mỗi công an khu vực sẽ được phân công theo dõi về công tác tái hòa nhập cộng đồng của từng đối tượng cụ thể. Nắm bắt diễn biến tâm lý của đối tượng thường xuyên để chủ động các phương án quản lý. Bên cạnh đó, Công an phường 3 còn phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị cơ sở tại phường để làm công tác tuyên truyền, thăm hỏi, động viên, giúp đỡ người CHXAPT xóa bỏ mặc cảm làm lại cuộc đời. Ngoài chính đối tượng cần hòa nhập, lực lượng công an cũng thường xuyên làm công tác tâm lý đối với hàng xóm, láng giềng của đối tượng, bởi đó là những người có tác động rất lớn đến tâm lý người cần tái hòa nhập. Công an phường 3 cũng đã tham mưu cho Đảng ủy, UBND phường nhằm thực hiện các biện pháp giúp đỡ người được mãn hạn tù, cũng như có các biện pháp giới thiệu việc làm cho người bị lầm lỡ.
Trở về cộng đồng vào tháng 9/2014 sau khi chấp hành án phạt tù vì sử dụng, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép và chiếm đoạt chất ma túy, N.T.A (sinh năm 1987) là một trong những đối tượng được lực lượng Công an phường 3 giúp đỡ tái hòa nhập cộng đồng. Ngay từ những ngày đầu trở về, T.A đã được lực lượng công an khu vực giúp đỡ rất nhiều, nhất là việc ổn định tâm lý. Đối với những chiến sỹ công an phường 3, T.A đã từng tâm sự rằng: “Cháu sai lầm một lần thôi, một ngày trong tù nó dài dằng dặc”. Gần hai năm qua, những chiến sỹ công an khu vực thường xuyên ghé thăm T.A. Họ cùng với bố mẹ T.A chung sức để đưa chàng trai trẻ đã từng lầm lỡ vượt qua khó khăn để xây dựng tương lai. “Sự quay lưng của T.A với ma túy thực sự là cuộc đấu tranh ghê gớm, quyết liệt của bản thân em và những chiến sỹ công an khu vực”, Thiếu tá Đinh Tư khẳng định. Bởi, ma túy có sức cuốn hút ghê gớm với những người đã từng sử dụng và sự lôi kéo của những kẻ bán và sử dụng ma túy cũng thực sự rất nguy hiểm. Lực lượng công an khu vực thường xuyên tuần tra ngày cũng như đêm nhằm làm “sạch” môi trường xung quanh những người lầm lỗi trở về như T.A. Cùng với đó là sự qua lại thăm hỏi, theo dõi và làm công tác tâm lý đã giúp T.A tách rời hoàn toàn khỏi những kẻ lôi kéo, thêm vững tin trên hành trình làm lại cuộc đời, để hôm nay anh trở thành một đầu bếp có thu nhập ổn định với công việc nhận nấu ăn, đặt tiệc.
Trung tá Trần Văn Thảo - Phó Công an phường 3, khẳng định: “Cách tốt nhất để người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng là có một công việc ổn định. Bởi ổn định về công việc và thu nhập sẽ góp phần quan trọng trong việc ổn định về tâm lý”. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định thêm rằng, việc hỗ trợ, giúp đỡ tạo việc làm cho người lầm lỡ trở về từ phía chính quyền địa phương còn gặp rất nhiều khó khăn. Bởi lẽ, có những việc nhạy cảm đòi hỏi độ uy tín cao, hay những cơ quan, công ty chưa hiểu còn khắt khe chưa mở lòng trong khâu xét tuyển. Vì thế, điều quan trọng nhất vẫn nằm ở chính nghị lực, quyết tâm của chính đối tượng.
Từ câu chuyện của T.A cho thấy, tấm lòng và trách nhiệm của cơ quan chức năng, nhất là lực lượng công an khu vực là yếu tố quan trong giúp chính những người đã CHXAPT thành công trong việc tái hòa nhập cộng đồng.
N. NGÀ