Giáo sư danh dự Hàn Quốc và quê hương thứ hai - Đà Lạt

09:02, 14/02/2016

Đây đã là năm thứ 6, ông Yoo Tae Hyun - Nguyên Đại sứ Đại Hàn Dân Quốc tại Việt Nam và vừa được Trường Đại học Đà Lạt trao tặng danh hiệu Giáo sư danh dự đầu tiên đón cái Tết cổ truyền của dân tộc Việt trên mảnh đất cao nguyên Đà Lạt, nơi ông chọn làm quê hương thứ hai để gắn bó hết quãng đời còn lại của mình. Ông đến và ở lại thành phố này như một mối lương duyên…

Đây đã là năm thứ 6, ông Yoo Tae Hyun - Nguyên Đại sứ Đại Hàn Dân Quốc tại Việt Nam và vừa được Trường Đại học Đà Lạt trao tặng danh hiệu Giáo sư danh dự đầu tiên đón cái Tết cổ truyền của dân tộc Việt trên mảnh đất cao nguyên Đà Lạt, nơi ông chọn làm quê hương thứ hai để gắn bó hết quãng đời còn lại của mình. Ông đến và ở lại thành phố này như một mối lương duyên…
 
Mối duyên với Đà Lạt
 
Vẻ thân thiện của ông Yoo Tae Hyun khiến tôi không cảm thấy xa lạ, khoảng cách khi tiếp xúc với một người ngoại quốc mà trái lại, trước ông, tôi như một người cháu gái lâu ngày gặp lại (ông nói rằng khi gặp bất cứ bạn trẻ nào ở Việt Nam ông cũng cảm thấy như gặp cháu chắt trong nhà của mình). Nhiều năm về trước, ông đến Việt Nam với vai trò Đại sứ Đại Hàn Dân Quốc. “Khi làm việc ở đây, hàng ngày tiếp xúc với những người Việt Nam, rồi thấy Hàn Quốc và Việt Nam có nhiều nét tương đồng đã khiến tôi nảy sinh tình cảm và yêu mến nước Việt tự lúc nào. Nhưng có lẽ tôi ấn tượng nhất đó là sự kiên cường của dân tộc các bạn, một dân tộc đã bằng chính sức mình đứng lên đấu tranh thống nhất đất nước, điều mà không quốc gia nào làm được. Mặt khác, cảm giác hối lỗi với đất nước các bạn khi trước đây Chính phủ Hàn Quốc đã tham chiến vào Việt Nam khiến tôi thấy mình cần phải làm gì đó để đáp lỗi cũng như trả ơn việc các bạn đã luôn xem Hàn Quốc như bằng hữu. Từ khi đó, tôi đã xem Việt Nam là quê hương thứ hai của mình”, bằng tiếng Hàn Quốc nhưng ông Yoo Tae Hyun vẫn cố diễn tả sự xúc động của mình. 
 
Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt Nguyễn Đức Hòa trao tặng danh hiệu giáo sư danh dự đầu tiên cho ông Yoo Tae Hyun (bên trái)
Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt Nguyễn Đức Hòa trao tặng danh hiệu giáo sư danh dự đầu tiên cho ông Yoo Tae Hyun (bên trái)

Sự thiện cảm với con người, đất nước Việt Nam càng nhân lên khi ông Yoo Tae Hyun có dịp ghé thăm Đà Lạt hai lần lúc đang làm Đại sứ. Chính sự hiền hòa, thanh lịch, mến khách của người Đà Lạt cùng cảnh quan, khí hậu ôn hòa nơi đây đã vụt lóe lên trong tâm trí ông cảm giác gắn bó, thân thiết như từ lâu lắm… Trong những buổi thuyết giảng tại Trường Đại học Đà Lạt, thấy nhiều sinh viên đến nghe và quan tâm đến đất nước Hàn Quốc, ông đã ngỏ ý với thầy hiệu trưởng thành lập ngành Hàn Quốc học. Khi ấy, rất ít trường đại học có mở ngành này. Thời điểm đó, mối quan hệ giữa Việt Nam - Hàn Quốc ngày càng phát triển sâu rộng. Ông cho rằng, việc đào tạo những người Việt biết nói tiếng Hàn sẽ càng thúc đẩy mối quan hệ hợp tác này. Nhất là ở Đà Lạt, lúc bấy giờ hầu như không có doanh nghiệp và người Hàn Quốc làm việc…
 
Góp phần “điểm tô” thành phố hoa
 
Kết thúc nhiệm kỳ làm Đại sứ, ông Yoo Tae Hyun quay trở về Hàn Quốc giảng dạy tại một số trường đại học. Nhưng ấn tượng về Đà Lạt luôn ngự trị trong ông. Niềm thôi thúc ông quay trở lại thành phố hoa ngày càng mãnh liệt đã khiến ông từ bỏ công việc giảng dạy ở quê hương với mức thù lao tương đối cao. Ông chia sẻ: “Đà Lạt tuy nhỏ nhưng rất có tiềm năng. Tôi yêu mến thành phố này và muốn đóng góp chút công sức của mình để xây dựng Đà Lạt ngày càng phát triển. Và tôi đã về lại Đà Lạt như quay về chính quê hương của mình. Tôi đã tận hưởng hạnh phúc của con người có hai tổ quốc và cảm thấy thoải mái như ở chính quê nhà chứ không có cảm giác như đang đi ra nước ngoài”. Ông chính thức trở thành giảng viên ngành Hàn Quốc học của Trường Đại học Đà Lạt sau khi tốt nghiệp khóa nghiệp vụ sư phạm dành cho người Hàn Quốc đi dạy người nước ngoài. 65 tuổi, ông là học viên lớn tuổi nhất, lớn hơn cả giảng viên đứng trên bục giảng và cả hiệu trưởng của trường. Khóa học này rất khó đậu, nhưng khi biết ông theo học để tham gia hoạt động tình nguyện tại Việt Nam, hội đồng nhà trường đã tạo điều kiện để ông vào học. 
 
Đại học Đà Lạt đã trở thành mái nhà thứ hai của ông, khi ngày ngày, ông tự đi làm trên chiếc xe máy “đúng chất” Việt Nam. Không giống như hồi còn làm Đại sứ, sự bỡ ngỡ ban đầu khi phải tự tay nấu ăn, giặt giũ… nhường chỗ cho niềm vui được trở về ngôi nhà xưa. Tuy đã bước qua tuổi 73, nhưng ngày ngày, ông vẫn miệt mài trên giảng đường truyền đạt kiến thức cho các bạn sinh viên. Với mong muốn sinh viên Việt Nam sử dụng tiếng Hàn để đóng góp vào sự hợp tác phát triển của hai nước Việt - Hàn, cùng với tình yêu thương sinh viên như cháu của mình, những bài giảng được ông Yoo Tae Hyun chuẩn bị kỹ lưỡng, ông quan tâm đến từng sinh viên để bồi dưỡng thêm cho các em. Những gương mặt đầy thành ý của sinh viên là món quà mà ông được nhận lại. Sau mỗi giờ lên lớp, ông lại say sưa nghiên cứu về văn hóa, con người Việt Nam, đặc biệt là về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các bài viết về Bác Hồ của ông đã được xuất bản rộng rãi tại Hàn Quốc. Không chỉ là một nhà giáo tận tâm, hết lòng với nghề, với sinh viên, ông còn tiếp tục phát huy sở trường ngoại giao của mình để thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác giữa Trường Đại học Đà Lạt với các đối tác Hàn Quốc. “Có thể nói, các mối quan hệ hợp tác mà giáo sư Yoo Tae Hyun thúc đẩy đã mang lại những kết quả tốt đẹp cho nhà trường như tăng cường quảng bá hình ảnh của trường đến bạn bè quốc tế, đổi mới một số chương trình đào tạo tại trường, tăng cường trang thiết bị dạy học và nghiên cứu được tài trợ từ Hàn Quốc…”, PGS.TS Nguyễn Đức Hòa - Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt khẳng định. Ngoài ra, ông còn tìm kiếm các trường đại học Hàn Quốc để gửi sinh viên Việt Nam sang du học và tìm được nhiều học bổng cho sinh viên. 
 
Bên cạnh làm giảng viên Trường Đại học Đà Lạt, ông Yoo Tae Hyun còn nhận lời mời làm Cố vấn xúc tiến thương mại giữa tỉnh Lâm Đồng và các đối tác Hàn Quốc với mong muốn là cầu nối để kết nối Lâm Đồng - Hàn Quốc khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư tại Lâm Đồng. Thông qua hoạt động này, ông đã không ngừng thúc đẩy mối quan hệ hợp tác về kinh tế, văn hóa, giáo dục và xã hội cho tỉnh với các đối tác Hàn Quốc nhằm mang lại những lợi ích thiết thực cho Lâm Đồng. Ông còn là Hội trưởng Hội giao lưu văn hóa Việt - Hàn, trong dịp Festival Hoa vừa qua, ông đã cùng Hiệp hội đến tham gia và làm việc với các doanh nghiệp Lâm Đồng để tìm kiếm cơ hội đầu tư tại đây. 
 
Sự thân thiện, hiền hòa của con người Đà Lạt đã khiến giáo sư Yoo Tae Hyun chọn nơi đây làm quê hương thứ hai của mình
Sự thân thiện, hiền hòa của con người Đà Lạt đã khiến giáo sư Yoo Tae Hyun chọn nơi đây làm quê hương thứ hai của mình

Nỗi lòng người “hai quê”…
 
Gia đình vẫn ở Hàn Quốc, một mình ông gắn bó với Đà Lạt. Một năm hai lần, ông về thăm quê hương vào mỗi dịp hè và vợ ông sang thăm ông vào kỳ nghỉ đông ở Hàn Quốc. Tâm nguyện của ông là gắn bó quãng đời còn lại của mình tại quê hương thứ hai - Đà Lạt với mong muốn sẽ đón vợ qua khi con cái trưởng thành. Vui sống ở thành phố hoa, ông không muốn bị xem như một người nước ngoài mà muốn mọi người xem mình như một người Việt Nam và muốn có quyền công dân tại Việt Nam để sống mãi nơi này. Trong đó, việc phải đi xin lại thị thực mỗi năm khi ông muốn sống lâu dài ở đây là một điều bất tiện đối với ông. Mong muốn được công nhận như một công dân Việt Nam để trở thành một thành viên của đại gia đình nước Việt là điều khao khát của ông. Cùng với đó, việc nỗ lực kiên trì học tiếng Việt để hiểu hơn về con người nơi đây đang là quyết tâm lớn nhất của vị giáo sư ngoài “thất thập cổ lai hy” này… 
 
Một mùa xuân nữa đang về, giống như bao người Việt, ông cũng chuẩn bị cho căn phòng của mình những thứ mang không khí Tết cổ truyền Việt Nam. Bởi có nhiều người quan tâm, chia sẻ nên những cái Tết ở Đà Lạt - Việt Nam luôn được ông đón chờ trong sự ấm áp, yêu thương…
 
Tuấn Hương