Trong năm 2015 vừa qua, Lâm Đồng đã kiện toàn hệ thống kiểm soát thủ tục hành chính từ cấp tỉnh, cấp huyện đến cấp xã, phường nhằm mục tiêu đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính của tỉnh.
Trong năm 2015 vừa qua, Lâm Đồng đã kiện toàn hệ thống kiểm soát thủ tục hành chính từ cấp tỉnh, cấp huyện đến cấp xã, phường nhằm mục tiêu đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính của tỉnh.
Theo thống kê của Sở Tư pháp Lâm Đồng, trong năm 2015 vừa qua, toàn tỉnh gồm 20 sở, ban, ngành, văn phòng UBND tỉnh; 12/12 huyện, thành phố và tất cả các xã trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận 951.081 hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC). Trong đó, đã giải quyết 899.253 hồ sơ, số hồ sơ còn lại đang được tiếp tục giải quyết; tỷ lệ hồ sơ TTHC giải quyết đúng hạn của tỉnh khá cao, đạt 99,5%.
|
Tìm hiểu thông tin tại Trung tâm Hành chính tỉnh. Ảnh: Phan Nhân |
Điểm đáng lưu ý, công tác tiếp nhận hồ sơ và giải quyết TTHC ở các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh như ngành chức năng cho biết, đến nay, hầu hết đã được thực hiện theo cơ chế một cửa; khi tiếp nhận tất cả các hồ sơ đều được lập giấy biên nhận có hẹn ngày trả kết quả, có phiếu theo dõi quá trình giải quyết TTHC. Có đơn vị như thành phố Đà Lạt, đã có cả hệ thống điện tử theo dõi để người dân có thể đăng nhập kiểm tra hồ sơ của mình giải quyết đến đâu. Qui trình tiếp nhận và giải quyết hồ sơ của tất cả các đơn vị theo yêu cầu của tỉnh đều được thực hiện theo hướng thuận lợi cho người dân, tạo điều kiện tốt nhất cho công dân giám sát quá trình giải quyết TTHC.
Là cơ quan thường trực của tỉnh tiếp nhận phản ánh kiến nghị của tổ chức, cá nhân về các quy định hành chính, Sở Tư pháp Lâm Đồng đã thực hiện tốt việc công khai địa chỉ hộp thư điện tử, điện thoại đường dây nóng, đặt thùng thư ở bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả tại Trung tâm Hành chính tỉnh cùng tất cả các UBND các huyện, thành trong tỉnh để tiếp nhận ý kiến của người dân. Trong năm 2015 vừa qua, Sở Tư pháp đã tiếp nhận 4 ý kiến phản ánh của các cá nhân về thực hiện TTHC tại các cơ quan đơn vị, trong đó, có 2 ý kiến ở thành phố Đà Lạt, 1 ở thành phố Bảo Lộc và 1 ở Sở Giao thông Vận tải. Với 2 phản ánh của người dân Đà Lạt về việc chậm trễ trong giải quyết thủ tục cấp giấy phép xây dựng nhà ở và thủ tục tách thửa đất, ngành chức năng Đà Lạt sau đó đã xác định nguyên nhân và nhanh chóng giải quyết. Với ý kiến về việc thực hiện không đúng qui trình tiếp nhận hồ sơ cấp đổi giấy phép lái xe tại Sở Giao thông Vận tải Lâm Đồng, đơn vị này đã xử lý và rút kinh nghiệm. Riêng đơn kiến nghị của một người dân Bảo Lộc về việc chậm trễ trong giải quyết TTHC cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, UBND thành phố Bảo Lộc hiện đang trong quá trình giải quyết.
Theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp, toàn bộ dự thảo quyết định công bố TTHC các sở, ban, ngành của tỉnh trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt đều phải được Sở Tư pháp tham gia ý kiến. Tính cho đến tháng 10/2015, UBND tỉnh đã ban hành 22 Quyết định công bố mới, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ TTHC thuộc các lĩnh vực tư pháp, tài chính, công thương, tài nguyên môi trường, văn hóa thể thao và du lịch…; trong đó, có 10 Quyết định thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ngành, 7 Quyết định thuộc thẩm quyền UBND cấp huyện, thành và 5 Quyết định thuộc UBND cấp xã. Đồng thời tỉnh đã công bố 366 TTHC, trong đó, công bố mới 161 thủ tục; sửa đổi, bổ sung 89 thủ tục; bãi bỏ 116 thủ tục. Tổng số TTHC đã được tỉnh công bố đến nay là 1.647 thủ tục, trong đó, cấp sở 1.246 thủ tục, cấp huyện 266 thủ tục và cấp xã 135 thủ tục. Toàn bộ số thủ tục này đều được công khai hóa từ cấp tỉnh, huyện, thành đến cấp xã, phường.
Theo Phòng Kiểm soát TTHC (Sở Tư pháp), hệ thống cán bộ công chức làm đầu mối kiểm soát TTHC từ cấp tỉnh, cấp huyện, thành đến cấp xã, phường trong năm qua đã được kiện toàn một bước. Ở cấp tỉnh có 24 người; cấp huyện thành, mỗi huyện thành phố từ 5 - 7 người; mỗi xã phường thị trấn từ 3 - 5 người. Căn cứ theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, tất cả các cán bộ công chức làm đầu mối kiểm soát TTHC đều được hỗ trợ theo qui định.
Sở Tư pháp trong năm 2015 đã tiến hành kiểm tra thực hiện nhiệm vụ kiểm soát TTHC tại các huyện Đức Trọng, Di Linh, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên và 12 đơn vị cấp xã ở các huyện; đồng thời cũng kiểm tra ở 6 sở, ban, ngành của tỉnh gồm Sở Lao động Thương binh xã hội, Sở Công thương, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Thanh tra tỉnh, Cục Thuế tỉnh và Ban Quản lý các Khu công nghiệp.
Song song với công tác kiểm soát TTHC, nhiều cơ quan đơn vị trong tỉnh cũng nhanh chóng cập nhật TTHC để công khai trên trang mạng điện tử của cơ quan. Cùng đó, việc đẩy mạnh áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng ISO trong giải quyết TTHC của tất cả các sở, ban, ngành, các huyện, thành và một số đơn vị cấp xã trong tỉnh cũng góp phần lớn trong tiến trình cải cách hành chính. Đặc biệt từ tháng 8/2015, Lâm Đồng đã áp dụng phần mềm “Dịch vụ hành chính công” chạy trên nền trang mạng (motcua.lamdong.gov.vn) tại 17 sở ngành, 11 huyện, thành phố (chỉ còn huyện Đam Rông chưa thực hiện) và 13 đơn vị cấp xã đã giúp theo dõi, đánh giá quá trình tiếp nhận và giải quyết TTHC được chính xác, đầy đủ, góp phần nâng cao chất lượng giải quyết TTHC cũng như mức độ hài lòng của người dân đối với chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính.
Tuy nhiên, theo đánh giá, tiến độ thực hiện một số nhiệm vụ như phê duyệt danh mục TTHC đặc thù, thông qua phương án đơn giản TTHC, chuẩn hóa TTHC của tỉnh còn bị chậm so với kế hoạch do nhiều nguyên nhân. Cán bộ công chức làm đầu mối kiểm soát TTHC tại các đơn vị do làm nhiệm vụ kiêm nhiệm nên chưa dành nhiều thời gian cho kiểm soát TTHC. Thêm vào đó, từ tháng 6/2015, do thành lập Văn phòng đăng ký đất đai một cấp trong tỉnh nên việc giải quyết các TTHC liên thông giữa các chi nhánh với Văn phòng chính mất thêm thời gian luân chuyển hồ sơ, đặc biệt là những hồ sơ cần bổ sung, chỉnh sửa nên hầu hết bị trễ hạn so với thời gian qui định. Việc này cần sớm được tỉnh giải quyết trong năm 2016 này.
Sở Tư pháp cho biết, sắp đến sẽ chuẩn hóa các bộ TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp xã, cấp huyện, thành và cấp sở, ngành để công bố và cập nhật.
GIA KHÁNH