Y tế Lâm Đồng - 5 năm một chặng đường

09:02, 23/02/2016

Thành quả 5 năm 2010 - 2015 đã nối tiếp chặng đường 40 năm của ngành Y tế Lâm Đồng. Đó là kết quả nỗ lực phấn đấu không biết mệt mỏi, đầy sáng tạo, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách của các thế hệ CBCCVC trong toàn ngành. 

Thành quả 5 năm 2010 - 2015 đã nối tiếp chặng đường 40 năm của ngành Y tế Lâm Đồng. Đó là kết quả nỗ lực phấn đấu không biết mệt mỏi, đầy sáng tạo, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách của các thế hệ CBCCVC trong toàn ngành. Cho đến thời điểm này, ngành Y tế Lâm Đồng đạt được những thành tựu to lớn trong xây dựng và phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Những bước tiến của y tế Lâm Đồng trong hành trình hội nhập đã, đang và sẽ là niềm hạnh phúc của nhân dân khi họ được hưởng lợi trong chăm sóc sức khỏe ngay tại địa phương mình.
 
Các đại biểu của WHO và Bộ Y tế làm việc tại Lâm Đồng về BHYT - Ảnh: D.H
Các đại biểu của WHO và Bộ Y tế làm việc tại Lâm Đồng về BHYT - Ảnh: D.H

Trong 5 năm qua, ngành Y tế tỉnh Lâm Đồng đã có sự phát triển đồng bộ, mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực hoạt động: Y tế dự phòng, điều trị, dược, dân số kế hoạch hóa gia đình, y tế cơ sở...; đã góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân tỉnh nhà. Hoạt động của hệ dự phòng trên địa bàn được triển khai một cách hiệu quả, không để dịch lớn xảy ra. Các bệnh dịch lưu hành ở Lâm Đồng như dịch hạch, sốt rét, sốt xuất huyết, đã bị đẩy lùi (không còn là nỗi lo sợ trong cộng đồng); có 13 dự án thuộc chương trình mục tiêu y tế quốc gia được triển khai một cách hiệu quả như, chương trình: lao, phong, tâm thần, phòng chống HIV/AIDS, chăm sóc sức khỏe sinh sản, an toàn thực phẩm, Dân số - kế hoạch hóa gia đình, cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone...; chất lượng của hệ dự phòng ngày càng được nâng cao; tuổi thọ trung bình của người dân trong tỉnh tăng lên, giảm bệnh tật. Tỉnh Lâm Đồng đã được Bộ Y tế công nhận là tỉnh đạt chuẩn quốc gia về y tế dự phòng tuyến tỉnh vào năm 2014; đã loại trừ được bệnh phong theo tiêu chuẩn Bộ Y tế quy định.
 
Các bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện đã được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được giao, 50 kĩ thuật mới đã được tiếp nhận và chuyển giao cho tuyến tỉnh và tuyến huyện. Nếu như những năm trước, tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng nhiều bệnh nhân lựa chọn chuyển lên bệnh viện tuyến trên để điều trị bệnh, thì nay tỷ lệ này chỉ còn khoảng 5%. Nhiều trang thiết bị kỹ thuật hiện đại được đầu tư cơ bản đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân ở tất cả các chuyên khoa như: máy chụp cộng hưởng từ MRI, CT scanner, chụp cắt lớp điện toán, máy siêu âm màu 3D - 4D, máy X quang kĩ thuật số, monitoring đa năng; các xét nghiệm sinh hóa, huyết học, vi sinh, y học hạt nhân... đã tăng chỉ số thu hút người bệnh hàng năm trên dưới 3 triệu lượt người; đã triển khai được một số kỹ thuật chuyên khoa sâu trong chẩn đoán và điều trị như phẫu thuật nội soi tiêu hóa, phẫu thuật (sọ não, cột sống, khớp háng, khớp gối, tán sỏi, chạy thận nhân tạo)... Các hoạt động chỉ đạo chuyên môn cho tuyến dưới được duy trì thường xuyên. Đề án 1816 được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Đặc biệt việc đưa hệ thống máy chụp mạch số hóa nền DSA chụp động mạch vành, động mạch não, mạch cảnh, đặt stent cho bệnh nhân ngay tại tỉnh Lâm Đồng vừa khẳng định vị thế của hệ điều trị, vừa giảm tỉ lệ chuyển viện, giảm chi phí và giảm tỷ lệ tử vong cho bệnh nhân. Người bệnh đã được hưởng lợi từ sự đầu tư và nâng cao tay nghề, nâng cao tinh thần thái độ phục vụ của các y, bác sỹ tại các bệnh viện. 
 
Lĩnh vực y học cổ truyền, với phương pháp điều trị bệnh bằng y học cổ truyền kết hợp y học hiện đại đã và đang là xu hướng được nhiều người bệnh lựa chọn. Chính sách quốc gia về y dược học cổ truyền đã triển khai thực hiện tốt ở mọi tuyến; có nhiều công trình sách và công trình nghiên cứu khoa học cây thuốc quí, hiếm trên địa bàn góp phần hiện đại hóa y học cổ truyền mà vẫn giữ được bản sắc dân tộc và làm phong phú thêm kho tàng y học dân gian. Toàn tỉnh có 67 xã tiên tiến về y học cổ truyền, Bệnh viện Y học cổ truyền Phạm Ngọc Thạch và Bệnh viện Y học cổ truyền Bảo Lộc đã ứng dụng các bài thuốc cổ phương cùng các bài tập vật lý trị liệu vào khám chữa bệnh. Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Lâm Đồng ngày càng được đầu tư mở rộng về quy mô giường bệnh và cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế đã tích cực chủ động trong công tác khám, chữa bệnh cho người cao tuổi, triển khai chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng tới tận tuyến xã, phường; đã giúp cho  trẻ em và những người khuyết tật sớm hòa nhập vào cộng đồng, làm  giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội. 
 
Y tế cơ sở là tuyến gần dân nhất, đã được quan tâm đầu tư từng bước chuyển biến tích cực, tinh thần thái độ phục vụ người bệnh và nếp sống văn hóa ứng xử của đội ngũ thầy thuốc đã có nhiều tiến bộ rõ rệt, tạo ra phong trào thi đua phấn đấu xây dựng bệnh viện xuất sắc toàn diện trên các lĩnh vực quản lý, điều hành, đầu tư phát triển, chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân được nâng cao. Đến năm  2012 đã có  11 bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện được Bộ Y tế xét tặng danh hiệu “Bệnh viện xuất sắc toàn diện”, chất lượng các bệnh viện ngày càng được nâng cao. Hiện nay, toàn ngành có 81,6% xã có bác sỹ; 100% xã có y sỹ sản nhi, nữ hộ sinh trung học; 98,7% thôn, bản có nhân viên y tế; có 89 xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia (theo tiêu  chí cũ có 147 xã đạt chuẩn quốc gia  vào năm 1997) góp phần xây dựng xã nông thôn mới trong tỉnh nhà. Công tác dược ngày càng được nâng cao, hàng năm đã kiểm nghiệm trên 800 mẫu thuốc nhằm nâng cao chất lượng thuốc trên địa bàn, đảm bảo cung ứng đủ thuốc thiết yếu tới tận vùng sâu, vùng xa và trong các tình huống thiên tai, bão lũ trên địa bàn.
 
Các đề án đầu tư kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực giai đoạn 2011 - 2015, chuyển giao kĩ thuật đã được triển khai thực hiện tốt từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện và tuyến xã, phường, thị trấn. Cơ sở vật chất, trang thiết bị đều được tăng cường đầu tư tại 2 Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện Nhi, các Trung tâm y tế huyện và đặc biệt là 45 trạm y tế xuống cấp nhiều đã được đầu tư xây mới. Song song với sự đầu tư của Nhà nước, ngành Y tế Lâm Đồng trong những năm qua đã tranh thủ sự hợp tác quốc tế để huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển ngành trên các lĩnh vực phòng bệnh, điều trị, xây dựng cơ bản, trang thiết bị y tế và phát triển nguồn nhân lực. Với nhiều dự án hợp tác mang lại hiệu quả cao phục vụ công tác khám chữa bệnh như chương trình hợp tác của tổ chức JICA Nhật Bản, Đoàn phẫu thuật từ thiện của Úc, Dự án Chăm sóc sức khỏe nhân dân từ nguồn vốn vay ADB. Hợp tác với Bệnh viện Denain - Pháp; Hội Phổi Pháp - Việt... đã tạo điều kiện để ngành Y tế Lâm Đồng được tiếp cận với các dịch vụ y tế mới trong quá trình hội nhập. Sự hợp tác quốc tế, sự nỗ lực không ngừng của ngành Y tế Lâm Đồng từ tỉnh đến cơ sở đã được Tổ chức Y tế thế giới đánh giá cao, nhất là thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ về y tế. Sự vững vàng về chuyên môn của đội ngũ cán bộ y tế và đầu tư nhiều kỹ thuật hiện đại cũng là điều kiện tiên quyết để Y tế Lâm Đồng kịp thời cấp cứu, hỗ trợ, chăm sóc cho 12 nạn nhân bị sập hầm Thủy điện Đạ Dâng. 
 
Công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học đã được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm của ngành: có 515 cán bộ đại học và sau đại học được cử đi đào tạo nâng cao trình độ (trong đó có 83 bác sĩ đồng bào dân tộc thiểu số đã nhận công tác); đào tạo được tổ chức bằng nhiều hình thức như: liên kết với Trường Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Tây Nguyên, Đại học Y Hà Nội, Đại học Y Huế, Đại học Y tế công cộng, Học viện Quân y mở lớp đào tạo bác sĩ sau đại học; bác sĩ theo địa chỉ và theo chế độ cử tuyển; đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức quản lý, ngoại ngữ, lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ quản lý của ngành, cho cán bộ các đơn vị y tế trong toàn tỉnh; có 57 đề tài cấp ngành đã được nghiệm thu, hầu hết đạt loại khá và tốt đã được áp dụng vào thực tế trong phòng và chữa bệnh.
 
Trong 5 năm qua, ngành Y tế Lâm Đồng đã hoàn thành trước một năm các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ giao; hầu hết các mục tiêu thiên niên kỷ về y tế tại Lâm Đồng đã đạt ngang bằng với toàn quốc và cao hơn nhiều so với các tỉnh có cùng điều kiện kinh tế - xã hội. Cùng với các hoạt động chuyên môn, ngành Y tế Lâm Đồng luôn tham gia các hoạt động từ thiện nhân đạo, ủng hộ đồng bào vùng bão lũ, ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam, ủng hộ 255 triệu đồng Quỹ Vì Trường Sa, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết cho cán bộ viên chức khó khăn và  người nghèo, đem lại ánh sáng cho người mù nghèo. Sở Y tế Lâm Đồng đã trực tiếp chỉ đạo tổ chức 32 đợt khám, chữa bệnh cấp thuốc miễn phí cho 12.054 người với 1.757.136.000 đồng cho các nạn nhân chất độc da cam; người nghèo, cận nghèo; phụ nữ, người có hoàn cảnh khó khăn ở các xã vùng sâu, vùng xa; đã trình UBND tỉnh hỗ trợ 4.373 lượt bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo với tổng số tiền 26.364.851.876 đồng; đã chỉ đạo và trực tiếp tham gia trực cấp cứu cho 12 nạn nhân trong cứu nạn sập hầm ở Đạ Dâng, huyện Lạc Dương. Ngành Y tế Lâm Đồng còn làm tốt “Phong trào hiến máu nhân đạo”, đã có hàng vài trăm lượt y, bác sĩ của các bệnh viện tuyến huyện (ở xa ngân hàng máu) trong đêm trực cấp cứu đã không chỉ làm nhiệm vụ khám chữa bệnh mà còn cho máu bệnh nhân trong cơn nguy kịch để cứu bệnh nhân; đã xây dựng và duy trì tốt Bếp ăn từ thiện tại các cơ sở điều trị.
 
TS-BS PHẠM THỊ BẠCH YẾN
(TUV - GĐ Sở Y tế Lâm Đồng)