Nêu cao đạo đức người thầy thuốc

09:02, 25/02/2016

Nghề nào cũng cần nêu cao đạo đức nghề nghiệp, nhưng với nghề y, đạo đức đóng vai trò quan trọng hàng đầu, bởi đây là nghề chữa bệnh cứu người. Đại danh y Lê Hữu Trác đã từng nói: "Đạo làm thuốc là một nhân thuật chuyên bảo vệ sinh mạng con người, phải lo cái lo của người, vui cái vui của người, chỉ lấy việc cứu sống mạng người làm nhiệm vụ của mình, không nên cầu lợi kể công". 

Nghề nào cũng cần nêu cao đạo đức nghề nghiệp, nhưng với nghề y, đạo đức đóng vai trò quan trọng hàng đầu, bởi đây là nghề chữa bệnh cứu người. Đại danh y Lê Hữu Trác đã từng nói: “Đạo làm thuốc là một nhân thuật chuyên bảo vệ sinh mạng con người, phải lo cái lo của người, vui cái vui của người, chỉ lấy việc cứu sống mạng người làm nhiệm vụ của mình, không nên cầu lợi kể công”. Ông quan niệm, người thầy thuốc phải nhiệt tình, không kể sang hèn, giàu nghèo, phải tôn trọng người bệnh, không được cầu lợi, kể công, không được “đem nhân thuật để làm chước dối lừa, đem lòng nhân đổi ra lòng mua bán”. 
 
Trong sự phát triển của y học thế giới, đạo đức người thầy thuốc (y đức) luôn được coi là một phần quan trọng của y học, có ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động của nghề thầy thuốc. Tư tưởng về y đức có thể được hiểu: (1) Y đức là một trong những chuẩn mực của đạo đức xã hội; do đó, đạo đức xã hội tốt đẹp, thì y đức cũng tốt đẹp lên; ngược lại, khi đạo đức xã hội đi xuống, thì khó lòng có được y đức trọn vẹn. (2) Y đức là một trong những quy chuẩn của đạo đức nghề nghiệp có chức năng hướng dẫn, điều chỉnh cách ứng xử và hoạt động của người làm nghề trị bệnh cứu người; là tòa án lương tâm đối với người thầy thuốc. Ở Việt Nam, y đức mang đậm dấu ấn của đạo đức truyền thống phương Đông.   
 
Kế thừa truyền thống y đức của dân tộc và giá trị đạo đức của y học thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra những quan điểm cụ thể về y đức và trở thành phương châm sống, chỉ đạo đối với người thầy thuốc và đối với sự phát triển nền y tế nước nhà. Bức thư Bác gửi ngành Y tế ngày 27/2/1955 đã thể hiện một cách khá toàn diện và hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh về y tế, với ba nội dung chính là: Phải thật thà đoàn kết; thương yêu người bệnh; xây dựng nền y học nước nhà. Bác luôn nhấn mạnh vấn đề y đức, bởi “Người bệnh phó thác tính mạng của họ nơi các cô chú. Chính phủ phó thác cho các cô chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe đồng bào, đó là nhiệm vụ rất vẻ vang.
 
Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, phải săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn, “Lương y phải như từ mẫu”, câu nói ấy rất đúng” (HCM toàn tập, tập 7, tr.476). Điểm cốt lõi trong tư tưởng y đức của Hồ Chí Minh là “Lương y như từ mẫu” - người thầy thuốc phải như người mẹ hiền. Đó chính là cơ sở để hình thành những đức tính cần thiết của người thầy thuốc; là động lực thôi thúc người thầy thuốc tích cực học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp và khi trình độ chuyên môn vững vàng sẽ tác động trở lại y đức của người thầy thuốc. 
 
Y đức còn thể hiện sự đoàn kết trong ngành, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trước hết là phải thật thà đoàn kết… Đoàn kết giữa các cán bộ cũ và cán bộ mới, đoàn kết giữa tất cả những người trong ngành y tế, từ cán bộ, thứ trưởng, bác sĩ, dược sĩ cho đến các anh chị em giúp việc bởi vì công việc và địa vị tuy có khác nhau, nhưng người nào cũng là một bộ phận cần thiết trong ngành y tế, trong việc phục vụ nhân dân”.
 
Phát huy truyền thống y học dân tộc và thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, hầu hết những người làm nghề y ở nước ta vừa có y thuật, vừa có y đức, thể hiện được những phẩm chất tốt đẹp của người thầy thuốc. Họ đã không quản khó khăn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng để chăm sóc sức khỏe nhân dân, cứu sống người bệnh. Dẫu mức sống của gia đình các thầy thuốc còn thấp, còn nhiều thiếu thốn, nhưng họ đã vượt lên tất cả để đem lại hạnh phúc cho người bệnh, họ thực sự là “lương y như từ mẫu”…
 
Hiện nay, tác động tiêu cực của cơ chế thị trường đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc giữ gìn đạo đức, phẩm chất của người thầy thuốc; vấn đề y đức đang được đặt ra như một vấn đề bức xúc trong xã hội. Khi đồng tiền xen vào mối quan hệ giữa thầy thuốc và bệnh nhân, người bệnh đến bệnh viện có nhiều phương thức trả tiền - trong điều kiện đời sống còn nhiều khó khăn - thì những tác động tiêu cực đã làm xói mòn lương tâm, đạo đức một số thầy thuốc cũng là điều không khó lý giải. Đồng tiền, quà cáp đang làm thay đổi tiêu chí đối xử với bệnh nhân, làm nảy sinh những tiêu cực, vi phạm quy định về y đức, bị dư luận xã hội lên án; mặc dù đó chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh”, nhưng đã phần nào làm vẩn đục sự thanh cao của nghề y.
 
Tuy nhiên, dư luận về đạo đức thầy thuốc liên quan đến những cái chết của bệnh nhân cũng cần được nhìn nhận một cách công bằng, không phải mọi thứ đều đổ trách nhiệm cho thầy thuốc. Xã hội có quyền phê phán những thầy thuốc biến chất, mặc kệ sống chết của người bệnh; nhưng không phải tất cả đều như thế mà phần lớn thầy thuốc là cứu người vô điều kiện, không cần biết địa vị xã hội cao thấp, giàu nghèo, tốt xấu... và chỉ khi gặp những bệnh hiểm nghèo, hoặc đến quá trễ, điều kiện trang thiết bị hạn chế… đành phải bó tay mà thôi. Do đó, tùy từng trường hợp cụ thể mà đánh giá, quy kết trách nhiệm của thầy thuốc một cách thỏa đáng, không phải cứ thất bại là kết tội, là lên án và không nên vơ đũa cả nắm làm tổn hại đến những thầy thuốc đã hết lòng vì bệnh nhân. 
 
Trước thực trạng hiện nay, dưới ánh sáng nghị quyết của Đảng và vận dụng tư tưởng đạo đức, y đức của Hồ Chí Minh, ngành Y tế đã tích cực, chủ động đề ra Định hướng chiến lược công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân đến năm 2010 và 2020; đề ra các quy định về y đức, tiêu chuẩn nâng cao y đức đối với mỗi người làm nghề. Những nội dung trọng tâm của 12 điều y đức là những quy định về tinh thần trách nhiệm, thái độ của người thầy thuốc đối với bệnh nhân, thái độ niềm nở, tận tình, khẩn trương tổ chức khám chữa bệnh, tôn trọng bệnh nhân không phân biệt giàu nghèo…
 
Để thực hiện tốt nhiệm vụ và đúng với tôn chỉ mục đích cao quý của nghề y, cần phải đẩy mạnh việc thực hiện chủ trương của Đảng: “Nâng cao y đức, đấu tranh đẩy lùi tiêu cực trong hoạt động khám, chữa bệnh”. Đây không chỉ là trách nhiệm của ngành Y tế và bản thân các thầy thuốc, mà cần có sự tham gia của toàn xã hội. Một mặt Nhà nước cần có chính sách thỏa đáng để nâng cao mức sống và cải thiện điều kiện làm việc của ngành Y tế; mặt khác cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục về đạo đức người thầy thuốc không chỉ trong ngành Y tế mà cho cả cộng đồng để nhận thức đầy đủ, đúng đắn và cùng nhau hành động. Người thầy thuốc phải tự mình có ý thức học tập, tích lũy kinh nghiệm, nâng cao y thuật, rèn luyện y đức suốt đời để mỗi ngày một giỏi hơn, hết lòng tận tụy, tận tâm với nghề. Sự quan tâm của toàn xã hội có vai trò rất quan trọng để cho cả cộng đồng nói chung, người bệnh và gia đình họ nói riêng biết trân trọng tinh thần, công sức lao động của người thầy thuốc trong khám, chữa bệnh. Làm tốt điều này, sẽ tạo điều kiện để mỗi thầy thuốc thể hiện rõ lương tâm và trách nhiệm của một “lương y”, thân thiện với mọi người, tận tụy với công việc. 
 
Nghề Y có sứ mệnh cao cả, là một nghề cao quý luôn luôn được xã hội tôn vinh và đề cao, người thầy thuốc thời nào cũng được quý trọng.
 
VĂN NHÂN