Xây dựng ao, hồ nhỏ - nhu cầu cấp thiết

08:02, 29/02/2016

Một trong những biện pháp cấp bách phòng chống hạn hán năm 2016 trên vùng nông nghiệp Lâm Đồng là khẩn trương xây dựng, phát triển hệ thống ao, hồ nhỏ, nhằm từng bước hoàn thiện hệ thống thủy lợi trên từng địa bàn thôn, xã; đồng thời nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ, giữ gìn và tiết kiệm nguồn nước tưới quanh năm cho cây trồng.  

Một trong những biện pháp cấp bách phòng chống hạn hán năm 2016 trên vùng nông nghiệp Lâm Đồng là khẩn trương xây dựng, phát triển hệ thống ao, hồ nhỏ, nhằm từng bước hoàn thiện hệ thống thủy lợi trên từng địa bàn thôn, xã; đồng thời nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ, giữ gìn và tiết kiệm nguồn nước tưới quanh năm cho cây trồng.  
 
Hồ thủy lợi tự đào đắp của người dân ở xã Tu Tra, Đơn Dương đã chủ động nguồn nước tưới tiêu quanh năm cho nhiều hecta diện tích sản xuất nông nghiệp
Hồ thủy lợi tự đào đắp của người dân ở xã Tu Tra, Đơn Dương đã chủ động nguồn nước tưới tiêu quanh năm cho nhiều hecta diện tích sản xuất nông nghiệp
Mỗi ao, hồ phải có diện tích tối thiểu 500m²
 
Theo Đề án Hỗ trợ phát triển hệ thống ao, hồ nhỏ trên địa bàn Lâm Đồng đến năm 2020 đã được phê duyệt, việc xây dựng ao, hồ nhỏ tại các vị trí sinh thủy mạch ngầm, lưu vực, thềm suối…là giải pháp thủy lợi để tích trữ nguồn nước bơm tưới cho cây trồng với phương thức nhân dân tự đầu tư hoặc nhân dân đầu tư, nhà nước hỗ trợ. Cụ thể đối với người sản xuất cây trồng được chọn thụ hưởng trực tiếp nguồn nước tưới từ ao, hồ nhỏ khi xây dựng hoàn thành thì sẽ có trách nhiệm đóng góp ngày công lao động, kinh phí, diện tích đất (không tính toán đền bù, giải phóng mặt bằng) và tự duy tu, bảo dưỡng định kỳ. Nhà nước hỗ trợ kinh phí đào ao, hồ nhỏ với giá trị tối đa 70% ở các địa bàn xã nghèo, thôn nghèo và 50% ở các địa bàn thôn, xã còn lại.
 
Quy mô tối thiểu mỗi ao, hồ nhỏ phải đảm bảo diện tích mặt nước 500m² và dung tích nước 1.500m³, đáp ứng nhu cầu chống hạn cho ít nhất 3 hộ dân hoặc cho mỗi hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại sản xuất. “Giao UBND cấp huyện căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội, đời sống và khả năng đóng góp của cộng đồng dân cư ở các khu vực trên địa bàn để quyết định mức hỗ trợ cụ thể, nhưng không vượt quá mức hỗ trợ tối đa về kinh phí thi công đào ao, hồ nhỏ nêu trên…” - Văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng nêu rõ. Theo đó, hàng năm, UBND tỉnh Lâm Đồng căn cứ nguồn vốn trung ương giao, nguồn thu ngân sách và các nguồn vốn khác để phân bổ cho từng UBND cấp huyện bố trí cùng nguồn vốn của nhân dân triển khai xây dựng từng công trình ao, hồ nhỏ, phù hợp với điều kiện tưới tiêu của mỗi hộ gia đình và của các tổ chức sản xuất cây trồng nông nghiệp ở địa phương. 
 
Mục tiêu 65% diện tích chủ động nước tưới
 
Dự kiến với tổng kinh phí gần 125,6 tỷ đồng (vốn ngân sách nhà nước 50%, vốn huy động nhân dân 50%), đến năm 2020, Lâm Đồng sẽ xây dựng hơn 5.580 ao, hồ nhỏ đều trên khắp các vùng nông nghiệp ở khu vực thôn, xã, tương ứng với hơn 558ha diện tích mặt nước, phục vụ nhu cầu tưới tiêu đủ nước quanh năm cho hơn 8.370ha cây trồng, nhất là đối với những diện tích cây trồng vào mùa hạn hán. So sánh với tổng diện tích cây trồng được tưới tiêu qua hệ thống thủy lợi hiện có thì tỷ lệ diện tích tưới tiêu từ công trình ao, hồ nhỏ xây dựng mới, đưa vào sử dụng vào năm 2020 sẽ tăng thêm hơn 3,5%, góp phần hoàn thành mục tiêu đạt hơn 65% diện tích cây trồng nông nghiệp ở Lâm Đồng được chủ động nguồn nước tưới tiêu bốn mùa trong năm.     
 
Cũng theo chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng, riêng trong năm 2016, các địa phương trong tỉnh phải khẩn trương xây dựng mới, đưa vào sử dụng hơn 1.140 ao, hồ nhỏ; 4 năm còn lại là năm 2017, 2018, 2019 và 2020, mỗi năm phải phấn đấu hoàn thành từ 1.110 đến 1.165 ao, hồ nhỏ. Từng công trình được giao cho cộng đồng dân cư tại chỗ hoặc giao cho các đối tượng hưởng lợi trực tiếp (hộ gia đình, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất các loại cây trồng…) làm chủ đầu tư, tổ chức thi công. UBND cấp xã được giao nhiệm vụ là cấp quyết định đầu tư, phê duyệt dự toán công trình (dự toán được thiết lập theo mẫu hướng dẫn thống nhất ban hành từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng). UBND cấp huyện có trách nhiệm chỉ định các cơ quan chuyên môn trực thuộc để hỗ trợ UBND cấp xã trong công tác thẩm định kế hoạch đầu tư. Trong quá trình đầu tư xây dựng, UBND cấp xã thành lập Ban Giám sát cộng đồng với các thành phần tham gia gồm: đại diện HĐND, UBMTTQ, các tổ chức, đoàn thể chính trị và cộng đồng dân cư địa phương… Ban Giám sát cộng đồng này sẽ cùng với chủ đầu tư còn chịu trách nhiệm tổ chức nghiệm thu, thanh toán, quyết toán và bàn giao công trình đưa vào sử dụng. 
 
Với quy trình lập kế hoạch phê duyệt từng công trình khá chặt chẽ nêu trên, các sở, ngành chức năng và tổ chức đoàn thể chính trị trong tỉnh Lâm Đồng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong từng khu vực canh tác cây trồng nông nghiệp, tích cực vận động nông dân, doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác cùng nhau hợp tác góp vốn, góp ngày công, diện tích đất… để sớm triển khai thi công đạt và vượt tiến độ, chỉ tiêu xây dựng ao, hồ nhỏ, góp phần đáp ứng nhu cầu tưới tiêu cấp thiết trước mắt trong mùa hạn hán năm 2016 và nhu cầu tưới tiêu ổn định trong 5 năm tới trên từng địa bàn thôn, xã.
 
VĂN VIỆT