Phát triển văn hóa trong kinh tế thị trường vừa thể hiện nhận thức đúng về tác dụng tích cực của kinh tế thị trường đối với văn hóa, vừa thấy rõ vai trò của văn hóa trong việc thực hiện định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) đối với nền kinh tế thị trường ở Việt Nam.
Phát triển văn hóa trong kinh tế thị trường vừa thể hiện nhận thức đúng về tác dụng tích cực của kinh tế thị trường đối với văn hóa, vừa thấy rõ vai trò của văn hóa trong việc thực hiện định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) đối với nền kinh tế thị trường ở Việt Nam. Vai trò “soi đường” của văn hóa đối với sự phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN được thể hiện ở tầm hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội dựa trên nguồn lực văn hóa, quan trọng nhất là chất lượng nguồn lực con người cả về thể lực, trí tuệ và đạo đức; xây dựng các tiêu chí và thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN phù hợp với điều kiện phát triển của Việt Nam hướng theo các chuẩn mực dân chủ, công bằng, văn minh.
Văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển của kinh tế - xã hội và của đất nước, bởi nó thể hiện trình độ được “vun trồng” ngày càng cao, ngày càng toàn diện của con người và của xã hội, khiến con người, xã hội ngày càng đổi mới tiến bộ, tiến tới cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc và văn minh. Đồng thời, văn hóa kết tinh, khơi dậy và nhân lên mọi tiềm năng sáng tạo của con người; là hệ điều tiết của sự phát triển, phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của các nhân tố khách quan, chủ quan, các điều kiện đảm bảo cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Kinh tế và văn hóa có sự tác động qua lại lẫn nhau nhằm thúc đẩy xã hội phát triển. Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là yếu tố nội sinh, động lực của sự phát triển và cũng là mục tiêu xây dựng CNXH ở nước ta. Mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” được Đảng ta đề ra là sự kết hợp các yếu tố KT-XH và văn hóa trong quá trình phát triển. Không thể xây dựng một xã hội văn minh với nền kinh tế lạc hậu, thấp kém và ngược lại, có được một nền kinh tế phát triển nhưng thiếu văn minh thì không phải là một xã hội tiến bộ. Quan điểm coi văn hóa dân tộc là nền tảng của nội lực, coi nguồn lực con người (đặc biệt về mặt chất lượng) là tiềm năng quý giá nhất, nhân tố quyết định của nội lực, là một trong những thành tựu đổi mới tư duy lý luận của Đảng ta. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để kinh tế và văn hóa được phát triển hài hòa trong xã hội, kinh tế không phá hoại văn hóa và văn hóa không cản trở kinh tế; kinh tế thị trường và đời sống tinh thần, đạo đức xã hội không trở thành mâu thuẫn.
Từ nhận thức đúng, Đảng ta đã xác định phải đặc biệt chú trọng nắm vững và giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; phát triển văn hóa để tạo “sức mạnh nội sinh” và môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế, đồng thời, kinh tế phát triển là điều kiện để văn hóa phát triển. Bởi vậy, bên cạnh nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, Đảng ta đã xác định xây dựng văn hóa nền tảng tinh thần xã hội.
Qua 30 năm đổi mới đất nước, sự tác động của nền kinh tế thị trường đối với văn hóa cả về mặt tích cực và tích cực đã được bộc lộ khá rõ nét. Tính tích cực của nền kinh tế thị trường ở Việt Nam đối với sự phát triển văn hóa được thể hiện trên các mặt, đó là: góp phần mở rộng trao đổi, quảng bá các sản phẩm văn hóa và dịch vụ văn hóa một cách năng động, đa dạng; kích thích nhu cầu tiếp nhận văn hóa, góp phần dân chủ hóa trong hưởng thụ văn hóa; góp phần phân bổ nguồn lực, kích thích và đa dạng hóa tài năng sáng tạo, truyền bá, đánh giá, tiếp nhận các sản phẩm văn hóa; tạo điều kiện, cơ hội huy động nhiều nguồn lực để phát triển văn hóa - xã hội.
Tuy nhiên, mặt trái của kinh tế thị trường đối với văn hóa cũng rất rõ như: sự phân hóa về cơ hội, điều kiện trong sáng tạo, sản xuất, truyền bá các giá trị văn hóa thông qua các phương tiện truyền tải ngày càng gia tăng; xuất hiện nhiều sản phẩm và dịch vụ văn hóa chất lượng thấp tác động tiêu cực đến đời sống tinh thần của xã hội; ảnh hưởng xấu đến thị hiếu thẩm mỹ của một bộ phận công chúng; đe dọa việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, các giá trị đạo đức truyền thống, thẩm mỹ, nghệ thuật của dân tộc... Từ đó, đã làm thay đổi thang giá trị, tác động tiêu cực đến tư tưởng, đạo đức, lối sống của con người Việt Nam.
Phân tích cội nguồn dẫn tới các yếu kém, ngoài việc chỉ rõ những nguyên nhân khách quan, Đảng ta cho rằng, nguyên nhân chủ quan là do: chưa đặt đúng vị trí của văn hóa, chưa xây dựng được chiến lược phát triển văn hóa song song với chiến lược phát triển kinh tế; việc quản lý còn có dấu hiệu bị buông lỏng, chưa xử lý nghiêm những phần tử thoái hóa biến chất trong Đảng và bộ máy Nhà nước, chưa có cơ chế và chính sách phát huy nội lực của nhân dân, chưa tạo được phong trào quần chúng mạnh mẽ tham gia phát triển văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh, bảo vệ văn hóa dân tộc, chưa coi trọng bồi dưỡng, giáo dục và phát huy khả năng của tuổi trẻ là lực lượng chính, là đối tượng chủ yếu của hoạt động văn hóa.
Để khắc phục mặt tiêu cực, yếu kém và giải quyết tốt mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa đảm bảo sự phát triển bền vững đất nước, chúng ta cần chú ý đến luận điểm đang được nhiều người đồng tình, đó là: xét đến cùng, các trọng tâm, các động cơ và các mục đích của phát triển phải được tìm trong văn hóa. Và cũng thật tâm đắc với ý kiến của giáo sư Phan Ngọc khi cho rằng: Khi văn hóa trở thành giá trị, dân tộc nào có tầm vóc văn hiến thì dân tộc đó sẽ đứng vững trên cơ sở những giá trị văn hóa cao quý của mình để không bao giờ bị đánh đổ, dân tộc đó sẽ trường tồn và phát triển trước bất cứ kẻ thù nào.
Thực tế hiện nay có thể nói, bản sắc văn hóa Việt Nam đang đứng trước nguy cơ và thách thức lớn. Điều đó đặt ra yêu cầu mới về xây dựng văn hóa Việt Nam trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Trên cơ sở tổng kết 15 thực hiện Nghị quyết Trung ương (NQTƯ) 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Hội nghị Trung ương 9 vừa qua đã ban hành Nghị quyết “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. So với NQTƯ 5 khóa VIII, NQ lần này xác định rõ mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể đến năm 2020, tầm nhìn 2030 của sự nghiệp xây dựng nền văn hóa và con người. Nét mới của NQ là đã nhấn mạnh đến mục tiêu “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Việc ban hành NQTƯ 9 thể hiện tư duy mới trong lãnh đạo văn hóa của Đảng, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới và lòng mong mỏi của toàn Đảng, toàn dân ta. Vấn đề đặt ra hiện nay là tập trung quán triệt và tổ chức thực hiện tốt NQ, nhanh chóng đưa NQ vào cuộc sống để xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo yêu cầu của NQTW9 là nhiệm vụ của toàn Đảng, của cả hệ thống chính trị; trong đó các lĩnh vực như: Giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, văn học, nghệ thuật, báo chí truyền thông, di sản văn hóa, văn hóa tôn giáo, giao lưu văn hóa và tất cả các thành tố của môi trường văn hóa (gia đình, các cơ quan, đơn vị, trường học, bệnh viện, đơn vị lực lượng vũ trang, các bản làng, phường, xã...) có vai trò hết sức quan trọng. Vì vậy, trong chương trình hành động của các cấp, ngành, lĩnh vực, cơ quan, đơn vị cần phải lấy việc cụ thể hóa, hiện thực hóa mục tiêu chung làm phương châm hành động.
KHÁNH LINH