Chuyện Trường Sa (bài 1)

09:03, 01/03/2016

LTS: Trường Sa - hai tiếng thiêng liêng trong lòng người dân Việt. Đó là một phần máu thịt của Tổ quốc giữa trùng khơi. May mắn khi được đến với Trường Sa vào mùa biển động, tôi chứng kiến nơi khắc nghiệt mà đầy yêu thương ấy mỗi cây cỏ lớn lên cũng đã là một điều kỳ diệu và nơi ấy còn những câu chuyện đầy xúc động mỗi khi nhớ về. 

[links()] LTS: Trường Sa - hai tiếng thiêng liêng trong lòng người dân Việt. Đó là một phần máu thịt của Tổ quốc giữa trùng khơi. May mắn khi được đến với Trường Sa vào mùa biển động, tôi chứng kiến nơi khắc nghiệt mà đầy yêu thương ấy mỗi cây cỏ lớn lên cũng đã là một điều kỳ diệu và nơi ấy còn những câu chuyện đầy xúc động mỗi khi nhớ về. 
 
Sợi nhớ sợi thương
 
Cam Ranh, chiều quân cảng, khi con tàu hú còi bắt đầu rẽ sóng, có những người phụ nữ vội nắm thật chặt tay chồng. Người trên tàu, người dưới cảng nắm tay nhau trong sợi nhớ, sợi thương. Dọc chiều dài mấy ngàn năm lịch sử đầy tự hào của dân tộc đã có biết bao nhiêu hòn vọng phu biến thành dáng núi, bao người phụ nữ son sắt chờ chồng đi giữ yên miền biên cương của Tổ quốc.
 
Phút chia tay của vợ chồng Trung úy Đỗ Xuân Tới
Phút chia tay của vợ chồng Trung úy Đỗ Xuân Tới

Con tàu HQ 996 đã hú lên hồi còi cuối cùng và chầm chậm rẽ sóng ra khơi. Người vợ trẻ Nguyễn Thị Hòa bước nhanh dọc thân tàu. Chân đặt đến điểm cuối cùng của quân cảng cũng là khi chị không thể cầm nổi lòng mình. Nước mắt rơi. Hình ảnh ấy của người vợ trẻ và câu nói đã lạc đi vì nước mắt “Anh đi công tác tốt, giữ gìn sức khỏe, mẹ con em chờ anh!” là hình ảnh xoáy sâu, quặn thắt trong tâm can Trung úy Đỗ Xuân Tới - người đang theo tàu ra nhận nhiệm vụ tại đảo chìm Đá Thị. Nhìn bóng người vợ trẻ cho đến khi quân cảng chìm dần trong hoàng hôn, Đỗ Xuân Tới quay mặt vào trong, lưng tựa mạn tàu, ngẩng mặt lên trời cho tâm tư hòa vào làn gió biển. Để bước chân đi ra biển rộng không chùn lại, anh giấu yêu thương vào trong, lên đường làm nhiệm vụ thiêng liêng, giữ biển trời Tổ quốc. 
 
Trung úy Đỗ Xuân Tới vừa cưới vợ được hơn 4 tháng. Vợ chồng anh đang sống trong những giây phút hạnh phúc nhất của của cuộc đời khi biết tin chị Hòa vừa mang trong mình đứa con hơn hai tháng. Câu chuyện tình của chàng trai quê Thái Bình, Đỗ Xuân Tới đẹp như cổ tích. Năm 2011, khi đang là sinh viên năm ba, Trường sỹ quan Chính trị ở Bắc Ninh, anh thuộc đội thanh niên tình nguyện mùa hè xanh sang xã Yên Lư, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Trong những ngày ấy, anh đã gặp và quen cô sinh viên năm nhất Học việc Hành chính Quốc gia, Nguyễn Thị Hòa. Cho đến lúc cả hai chia tay nhau để lên trường tiếp tục học tập, hình ảnh của Hòa vẫn sâu đậm trong anh. Những cuộc điện thoại, những tin nhắn cứ gửi đi để dành chỗ cho tình yêu ở lại. Tình yêu ấy vượt qua cả không gian, thời gian và cả dặm dài đất nước. Rời trường sỹ quan, Tới vào Cam Ranh nhận công tác ở Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải Quân và những năm triền miên làm nhiệm vụ ở Trường Sa. Còn Hòa thì vẫn theo học ở Hà Nội. Tình yêu của Tới và Hòa vẫn rẽ sóng tìm nhau. Để rồi bỏ qua nhiều cơ hội việc làm ở đất Bắc, nuốt nước mắt chối từ lời ngăn cản của mẹ cha, Hòa vào Cam Ranh cùng Tới xây dựng hạnh phúc gia đình ở vùng biển đầy nắng gió. Và hôm nay, “Căn phòng của hai vợ chồng sẽ trống trải lắm. Trước ngày lên đường, tớ có để lại cái áo đang mặc dở để cô ấy như cảm thấy có chồng gần bên” - trung úy Đỗ Xuân Tới tâm tình.
 
Trong ánh mắt của người trung úy trẻ giờ đây như có lửa. Bởi nó mang màu đỏ - màu quyết tâm của người lính Hải Quân và màu của yêu thương. Nhưng nó cũng thật dịu dàng bởi chất chứa biết bao nhiêu sự nhớ nhung da diết. Trông ánh mắt của Tới, nhớ lại hình ảnh của Hòa, tôi biết rằng, họ đã cùng nhau vượt qua những khó khăn. Rồi hôm nay, họ vẫn tiếp tục chờ nhau trong sợi nhớ sợi thương kéo dài, da diết.
 
Và không chỉ có Hòa, chị Nguyễn Thị Phi Ngọc một tay ôm cô con gái 3 tuổi, một tay nữa dắt cậu con trai 5 tuổi tiễn chồng là Trung úy Nguyễn Văn Hải ra công tác ở đảo Song Tử Tây. Hình ảnh ấy như hòn vọng phu chờ chồng bên biển. Với người lính Trường Sa đã nhiều năm gắn bó với biển đảo như Nguyễn Văn Hải, cái vẫy tay của vợ, của con trong hoàng hôn quân cảng vẫn luôn là hình ảnh anh thao thức nhớ về. Giữa cái mặn mòi của gió biển, chàng trai quê xứ Nghệ kể cho chúng tôi nghe về “chuyện tình” của vợ chồng anh.  Anh rạng ngời theo suốt chiều dài câu chuyện. Hay nói đúng hơn, anh đang sống trong hạnh phúc của một thời. Đó là quãng thời gian tươi đẹp mỗi lúc anh nhớ về và cũng là động lực nhiều lần giúp anh vượt qua gian khó trong thời gian công tác ở biển đảo.
 
Cuộc chia ly trên quân cảng
Cuộc chia ly trên quân cảng

Đã chọn nghiệp làm lính biển, anh biết cuộc sống mình rồi sẽ lênh đênh. Phận làm trai, Hải muốn xây dựng hạnh phúc gia đình với một cô gái cùng quê để đỡ đần mẹ cha hôm sớm. Nhưng những tháng ngày biền biệt, thời trai trẻ của Hải dành hết cho biển đảo, nên anh cũng chưa có đủ thời gian để về quê “tìm vợ”. Tình cờ có lần về nhà một người bạn, ở đó, Hải quen Ngọc Phi. Ngọc Phi sau này trở thành em vợ của Hải, bởi lúc đó, Ngọc Phi mượn điện thoại Hải gọi về cho chị gái. Cũng từ đó mà anh và Phi Ngọc - vợ anh bây giờ, quen biết nhau. Tình cảm được gửi gắm qua sóng điện thoại, rồi khi Hải đi làm nhiệm vụ ngoài đảo, tình yêu của Phi Ngọc cũng vượt ngàn con sóng ra đảo xa. Cho đến ngày anh nghỉ phép vào bờ “ra mắt” nhà bạn gái và nên duyên vợ chồng từ đó. Bốn năm về sống chung một nhà, hai lần chị Ngọc vượt cạn cũng là hai lần anh công tác ở đảo xa. Anh Hải kể: “Năm 2011, vợ sinh cháu đầu thì mình đang công tác ở đảo Đá Tây; năm 2013, sinh cháu thứ hai thì mình đang làm nhiệm vụ ở đảo Phan Vinh. Thương vợ lắm nhưng cũng chẳng biết làm sao cả”. Anh vẫn nhớ như in “chập tối ngày 31/8/2011, Phi Ngọc trở dạ, sóng điện thoại cứ chập chờn không sao gọi được. Nóng ruột quá nên mình chạy lên mượn điện Visat của đảo trực chờ suốt đêm. Chờ mãi đến 8 giờ sáng hôm sau thì nhận điện thoại từ đất liền báo ra mẹ tròn con vuông. Mình vỡ òa vì sung sướng, cả đảo cũng mừng vui lây”. Tâm sự với chúng tôi, anh Hải nói rằng: “Mình thật sự phải cảm ơn vợ. Cô ấy đã chịu bao vất vả để mình yên tâm làm nhiệm vụ”.
 
Mỗi người lính khi đến với Trường Sa đều đã xác định cho mình tâm thế tất cả vì nhiệm vụ. Nhưng trái tim, khối óc họ vẫn luôn hướng về hậu phương. Những người phụ nữ ở hậu phương đã tiếp thêm sức mạnh để họ đương đầu với sóng gió nơi biển cả, bảo vệ vẹn toàn mảnh đất phên dậu của Tổ quốc nơi muôn trùng sóng.
 
Những sợi nhớ sợi thương vẫn rẽ sóng tìm nhau, vượt qua hàng trăm hải lý để nối đảo với bờ. Không chỉ có những chàng trai nơi tiền tuyến mà còn có những người phụ nữ nơi hậu phương. Bằng những cách thức khác nhau họ chung sức, chung lòng, chung tình yêu để giữ vững phần đất nước nơi biển cả.
 
NGỌC NGÀ