Chuyện Trường Sa (bài 3)

08:03, 04/03/2016

Có lẽ không nơi nào như ở Trường Sa, cờ Tổ quốc chóng bạc màu và mặn mòi đến thế. Cờ "mặn" bởi hơi muối biển, bởi những giọt mồ hôi, nước mắt và cả máu của bao thế hệ người Việt Nam trong hành trình giữ biển. 

Cờ “mặn”
 
[links()] Có lẽ không nơi nào như ở Trường Sa, cờ Tổ quốc chóng bạc màu và mặn mòi đến thế. Cờ “mặn” bởi hơi muối biển, bởi những giọt mồ hôi, nước mắt và cả máu của bao thế hệ người Việt Nam trong hành trình giữ biển. 
 
Chào cờ trên đảo.
Chào cờ trên đảo

Xen giữa màu xanh của biển trời, cây lá, giữa màu trắng của quân phục người chiến sỹ Hải quân là màu cờ đỏ thắm. Trong hành trình ra với Trường Sa đợt này, tôi lại được nghe câu chuyện về những người lính Hải quân Việt Nam, anh dũng kiên trung tại đảo Gạc Ma năm 1988. Có chiến sỹ Hải quân đã quấn lá cờ Tổ Quốc quanh người, để cho máu của mình tô thắm lá cờ. Và cũng trong hành trình ấy, nhiều câu chuyện xúc động khác của những chiến sỹ Hải quân đã “ôm cờ hòa vào lòng biển” cũng được những người chiến sỹ trẻ hôm nay kể lại. Những lá cờ các anh mang theo vào lòng biển mãi đỏ thắm trong những thế hệ chiến sỹ Hải quân hôm nay và trong lòng dân tộc.
 
Vượt hàng trăm hải lý từ đất liền ra với Trường Sa, nơi nào chúng tôi cũng thấy bóng cờ Tổ quốc tung bay. Cờ trên những con tàu, trên những chiếc xuồng CQ vun vút lao trên biển để làm nhiệm vụ, trên thuyền đánh cá của bà con ngư dân - những cột mốc chủ quyền sống trên biển. Còn nơi đảo nổi, đảo chìm; cờ tung bay trên cầu cảng, trên cột mốc chủ quyền và trên tay các em nhỏ vẫy chào đoàn khách ra thăm đảo. Còn có cả những lá cờ bạc màu nắng gió được lưu giữ trang nghiêm trong phòng truyền thống...
 
 “Lá cờ Tổ quốc là niềm kiêu hãnh, tự hào của cán bộ, chiến sỹ, nhân dân trên đảo nói riêng và của cả dân tộc nói chung”, Trung tá Trương Sỹ Nam - Chỉ huy đảo Song Tử Tây, nói. Vào lúc 6h sáng mỗi ngày, khi bình minh ló dạng, cũng là lúc cán bộ, chiến sỹ - những người tiêu biểu nhất, xuất sắc nhất được lựa chọn để kéo cờ trên cột mốc chủ quyền. “Đó là niềm tự hào mà bất cứ chiến sỹ Hải quân nào cũng phấn đấu. Tiếng phần phật của lá cờ hòa trong tiếng gió thổi thật đặc biệt. Đã nhiều lần em nghe thấy âm thanh ấy trong suốt thời gian thực hiện nhiệm vụ ở Trường Sa, nhưng ngày mai lên bờ rồi sao tự nhiên thấy nhớ âm thanh ấy đến lạ”, Phạm Hồng Vương, chàng trai quê Hà Tĩnh vừa hoàn thành nhiệm vụ trên đảo Song Tử Tây tâm sự. 
 
Nhiều người đến từ những miền quê ở trong đất mẹ luôn ao ước được một lần chạm tay vào lá cờ “mặn” đã bạc màu nắng gió Trường Sa. Những người cán bộ, chiến sỹ nơi đây cũng vậy. Kết thúc thời gian thực hiện nhiệm vụ ở đảo Song Tử Tây, trong hành lý để ngày mai lên tàu vào đất liền, chiến sỹ Nguyễn Tuấn Anh gấp lá cờ “mặn” và đặt cẩn thận trong ba lô. Tuấn Anh cũng như những anh em, đồng đội khác của mình, cũng muốn giữ lại lá cờ đã thấm đẫm sự mặn mòi, khắc nghiệt nhưng cũng thiêng liêng và đầy nghĩa tình ở Trường Sa. “Đó là một phần kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời”, Tuấn Anh nói. Lá cờ “mặn” hôm nay Tuấn Anh mang vào bờ là mang cả tinh thần, ý chí và nghĩa tình của người lính Trường Sa về với đất liền. Cờ Tổ quốc ở Trường Sa bất kể lúc nào cũng phần phật tung bay đầy kiêu hãnh trong nắng gió đại dương. Hình ảnh lá cờ Tổ quốc tung bay trên mảnh đất thiêng của dân tộc giữa trùng khơi không chỉ là niềm tự hào của những người chiến sỹ Hải quân mà còn khiến cho bất cứ ai đặt chân lên Trường Sa đều không khỏi tự hào, xúc động. “Giữa đảo xa lá cờ bạc nắng gió/ Bỗng trong tôi mắt lệ dâng trào”. Giữa sóng gió đầy khắc nghiệt nhưng lá cờ Tổ quốc chưa lúc nào ngừng tung bay ở Trường Sa. Màu đỏ thắm thiêng liêng chưa khoảnh khắc nào phai nhạt. Bởi ở đó có các anh - những người lính Hải quân nhân dân Việt Nam đang ngày đêm chắc tay súng canh giữ biển trời Tổ Quốc. 
 
Đã có lần Trung tá Nguyễn Văn Tuấn - Chính trị viên đảo Trường Sa nói với tôi, “Lá cờ là biểu tượng thiêng liêng của dân tộc, đặc biệt là những lá cờ ở Trường Sa - một phần Tổ quốc giữa trùng khơi. Đã có rất nhiều những đoàn công tác từ đất liền ra với đảo, hành trang họ mang về là những lá cờ bạc màu nắng, gió Trường Sa”. 
 
Giờ đây trên nhiều miền quê của cả nước, từ miền núi, tới đồng bằng, từ Bắc vào Nam đều hiện hữu lá cờ “mặn” ở đó. Nó trở thành tài sản quý cho nhiều trái tim chung một lòng yêu nước, chung một lòng hướng về vùng biển của dân tộc.
 
NGỌC NGÀ