Trường Sa, vùng đất phên dậu của đất nước giữa trùng khơi, nơi có những người lính Hải quân đang ngày đêm cống hiến sức trẻ của mình bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Biển Đông ngoài kia vẫn còn "dậy sóng" nhưng trong trái tim người chiến sỹ chưa phút giây nào nguội tắt ý chí quyết tâm bảo vệ vững chắc vùng biển chủ quyền.
Trái tim người giữ biển
[links(right)]
Trường Sa, vùng đất phên dậu của đất nước giữa trùng khơi, nơi có những người lính Hải quân đang ngày đêm cống hiến sức trẻ của mình bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Biển Đông ngoài kia vẫn còn “dậy sóng” nhưng trong trái tim người chiến sỹ chưa phút giây nào nguội tắt ý chí quyết tâm bảo vệ vững chắc vùng biển chủ quyền.
Những điều dang dở…
Hai lần đến với hai mạn Nam - Bắc của quần đảo Trường Sa, mỗi hòn đảo đi qua tôi lại được chứng kiến những câu chuyện đời thường nhưng đầy xúc động. Những bữa cơm ở Trường Sa thật đặc biệt, không chỉ bởi đầy ắp nghĩa tình mà còn cả những vất vả gian lao của người chiến sỹ. Vừa ngồi vào bàn được mấy phút, thì tiếng loa truyền thanh phát tín hiệu báo động. Không ai bảo ai, mọi người đều thả chén, đũa xuống và di chuyển đến vị trí chiến đấu. Họ rời đi nhanh chóng, nhẹ nhàng và dứt khoát như chuyện ngày thường vậy. Đoàn công tác chúng tôi ngồi đó, nhìn mâm cơm và chờ đợi các anh.
Không chỉ có những bữa cơm ngày thường, mà cả những mâm cơm ngày Tết cũng vậy. Bữa cơm sáng mồng 1 Tết Ất Mùi của cán bộ, chiến sỹ đảo Trường Sa Lớn, hay mâm cơm Tất niên Tết Giáp Ngọ của đảo Sinh Tồn Đông chưa kịp bắt đầu thì đã nghe hiệu lệnh chiến đấu bởi có tàu nước ngoài xâm phạm chủ quyền. Quay trở lại mâm cơm đã nguội lạnh nhưng trên môi các anh đều nở nụ cười. Bởi với họ, không gì lớn hơn, ý nghĩa hơn việc chủ quyền biển đảo được giữ vững.
Đâu chỉ có mâm cơm bỏ dở mà giấc ngủ người lính biển cũng nào có được yên lành. Đêm Trường Sa tưởng chỉ có trời đầy sao và tiếng sóng biển ầm ào. Nhưng trong màn đêm đen kịt và nồng nàn mùi biển ấy, khi có tiếng báo động, hàng trăm chiến sỹ trên đảo đều chạy ra hầm hào công sự. Họ nhanh chóng và chính xác đến tuyệt đối. Trung tá Trương Sỹ Nam - Chỉ huy đảo Song Tử Tây, tâm sự: “Báo động không theo một giờ cố định, khi về khuya, khi mờ sáng nên anh em cán bộ, chiến sỹ ai cũng trong tư thế sẵn sàng nhận nhiệm vụ ngay. Anh em chúng tớ ngoài này đã quen với những giấc ngủ chập chờn không dám ngủ sâu. Trường Sa nhiều đêm không ngủ”. Đêm Trường Sa là khoảng thời gian những người lính biển nhớ về gia đình. Sợi dây duy nhất kết nối đảo với bờ để gửi gắm những yêu thương là sóng điện thoại. Nhưng có khi những lời yêu thương chưa thốt lên trọn vẹn các anh đã phải bỏ dở để ra hầm hào làm nhiệm vụ.
Và trong số hàng ngàn chiến sỹ đến với Trường Sa, có những chàng trai “chưa từng hò hẹn, trong đêm mơ vẫn gọi mẹ ơi”. Cũng có những người gửi lại sau lưng gia đình, vợ, con và cả tình yêu đôi lứa để vượt hàng trăm hải lý vươn khơi làm nhiệm vụ. Từ những bước chân đầu tiên rời quân cảng, cho đến những ngày canh giữ nơi đảo xa, những người lính biển luôn hừng hực khí thế sẵn sàng tất cả vì Tổ quốc giữa trùng khơi trường tồn, vững mạnh.
|
Những chàng trai ngày mai ra khơi |
… cho Trường Sa vẹn toàn
Đối với những người lính Trường Sa, có thể ăn nửa bát, có thể ngủ nửa giấc, nhưng họ không thể đi nửa đường chân lý và yêu bằng nửa trái tim. Bởi với họ biển đảo đã là tình yêu, là một phần máu thịt, tất cả cho Trường Sa vẹn toàn. Có lẽ vì thế mà Đại tá Bùi Hải Phước - Phó Lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn 146, khẳng định rằng: “Bỏ dở mâm cơm, giấc ngủ... chỉ là một trong nhiều tình huống mà bộ đội Trường Sa phải đối mặt hàng ngày, nhất là những đảo ở vị trí trọng điểm như Sơn Ca, Nam Yết... những đảo giáp với nhiều đảo bị nước ngoài chiếm đóng trái phép. Vì mục tiêu bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc là nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả nhất của người lính Hải quân”.
Giữa những bộn bề thiếu thốn nhưng những chiến sỹ Trường Sa vẫn thấy hạnh phúc, thấy đủ đầy. Họ hạnh phúc và đủ đầy trong tình yêu thương, đùm bọc của đồng chí, đồng đội. Những quả chanh tươi của vợ gửi ra theo tàu đến với đảo đã vàng úa nhưng Trung úy Hồ Trọng Công - Trưởng xe tăng ở đảo Sơn Ca vẫn chia cho anh em mỗi người một trái để xua đi cái nắng như đổ lửa và cảm nhận thêm chút tình cảm quê nhà. Những bức thư chia nhau đọc, những tâm tình cùng nhau sẻ chia. Những người lính trẻ ở Trường Sa luôn dạt dào nhiệt huyết và ý chí quyết tâm. Ra vị trí, đứng bên vũ khí và sẵn sàng chiến đấu khi có báo động, nhưng xong nhiệm vụ họ trở về với đảo, vẫn hát hồn nhiên những khúc ca của người lính ngay dưới tán bàng vuông. Nắng Trường Sa có khắc nghiệt đến mấy các anh vẫn hăng say xây dựng hầm hào, công sự, vẫn huấn luyện miệt mài. Một lòng thực hiện nhiệm vụ vinh quang mà dân tộc giao phó.
Những người con nơi một phần máu thịt của Tổ quốc giữa biển khơi vẫn luôn nhận được tình yêu thương vô bờ bến từ đất liền. Những đoàn công tác ra thăm đảo mang theo tình cảm cả về vật chất lẫn tinh thần với: Hạt giống và rau từ xứ sở rau Lâm Đồng, chè Thái Nguyên, cà phê Đăk Lăk, trái cây Nam Bộ... và cả những thùng thư của học sinh các trường, băng đĩa, sách vở...; hơn hết là tình yêu hướng về biển, đảo. Vào tháng 6 hàng năm, đoàn thân nhân của các chiến sỹ Hải quân sẽ được tổ chức theo tàu ra với người thân ở Trường Sa. Cũng từ đó, những đứa trẻ ra đời ở đất liền vẫn mang những cái tên rất đảo, là Trường Sa, Hải Đăng, Hải Trường, Sơn Ca...
Những người giữ biển vẫn nói với nhau và họ nói với tôi câu nói của Đô đốc, Tư lệnh Giáp Văn Cương vào tháng 5/1988 được nhà thơ Trần Đăng Khoa, khi đó là lính đảo kể lại, có đoạn rằng: “Mất đảo là mất biển, mà biển lại bao bọc suốt từ Bắc đến Nam. Tất cả kẻ thù đánh ta đều đi từ đường biển. Pháp cũng vào ta từ biển. Mỹ cũng thế. Ô Mã Nhi xưa cũng tấn công ta qua cửa biển Bạch Đằng. Thế thì chúng ta phải giữ đảo, giữ biển thôi”. Tinh thần ấy vẫn luôn cháy bỏng trong những người lính Hải quân nhân dân Việt Nam hôm nay. Những người lính Trường Sa đương đầu với “sóng” dữ để che chắn cho dải đất hình chữ S...
NGỌC NGÀ