Suốt đêm thức trắng canh rừng vì hơn chục hộ dân từ Lâm Hà lại quay về tập trung bên đường Trường Sơn Đông để lấn chiếm đất rừng tiểu khu 62. Sự việc dẫn tới cả trăm cán bộ là lãnh đạo UBND huyện Lạc Dương và Lâm Hà; lực lượng kiểm lâm, công an, chủ rừng...
Suốt đêm thức trắng canh rừng vì hơn chục hộ dân từ Lâm Hà lại quay về tập trung bên đường Trường Sơn Đông để lấn chiếm đất rừng tiểu khu (TK) 62. Sự việc dẫn tới cả trăm cán bộ là lãnh đạo UBND huyện Lạc Dương và Lâm Hà; lực lượng kiểm lâm, công an, chủ rừng, cán bộ xã vào cuộc vận động bà con ra về.
|
Ngày 23/3, Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Minh (bìa phải) giải thích, vận động bà con quay trở lại Lâm Hà |
Nỗ lực giữ rừng
Huyện Lạc Dương có tổng diện tích rừng và đất quy hoạch cho mục đích lâm nghiệp là 116.573ha; trong đó, rừng đặc dụng 56.432ha; rừng phòng hộ 40.634ha và rừng sản xuất hơn 19,5 ngàn ha. Năm 2015, lãnh đạo huyện và ngành kiểm lâm dốc sức giữ rừng với nhiều kế hoạch, nhiều biện pháp và giải pháp. Đặc biệt, công tác tuyên truyền, vận động được xác định là nhiệm vụ trọng tâm gắn liền với công tác tuần tra rừng và xử lý vi phạm nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân trong công tác quản lý bảo vệ rừng (QLBVR). Ngành Kiểm lâm huyện đã tổ chức 18 đợt tuyên truyền lưu động, 26 cuộc họp dân với gần 2.300 lượt người tham gia. Đánh giá về hoạt động giữ rừng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Lạc Dương Đồng Văn Lâm cho biết: “So với năm trước, hoạt động của lực lượng có nhiều chuyển biến tích cực trong tuần tra, kiểm tra rừng; hầu hết các vụ vi phạm đã truy tìm được đối tượng vi phạm để lập hồ sơ xử lý kịp thời”.
Việc giữ rừng không chỉ có lãnh đạo hay ngành kiểm lâm mà phải cả hệ thống chính trị, các đơn vị chủ rừng và ý thức chấp hành pháp luật của người dân trong huyện. Vài dẫn chứng để làm rõ hơn điều này. Lạc Dương có 5 Ban lâm nghiệp xã với 157 thành viên, nhưng trưởng ban là chủ tịch UBND còn các thành viên đều kiêm nhiệm nên hoạt động rời rạc, hiệu quả thấp. Với kiểm lâm địa bàn hoạt động ở 5 xã và 1 thị trấn có 6 cán bộ, nhưng nếu không thực sự gắn kết chặt chẽ giữa những hạt nhân nòng cốt này với chính quyền thì QLBVR khó mang lại hiệu quả như mong muốn.
Tại lâm phần Lạc Dương còn có 37 doanh nghiệp (DN) thuê đất, thuê rừng, nhưng mùa khô năm 2014-2015 chỉ có 28/35 DN thực hiện xây dựng phương án PCCCR; 7 DN không triển khai gồm Khánh Vân, Kinh Nông, Phú Tân, Mai Viết, Thiên Thai, Hoa Hồng Vàng và Hoài Nam. Thời điểm tháng 3/2016, vẫn còn 4 công ty chưa nộp phương án PCCCR là Mai Viết, Khánh Vân, Đạ Sar và Kinh Nông (?). Với gần 4.200ha rừng và đất rừng của 37 DN này thuê, nhiều DN triển khai dự án chậm, chưa có hiệu quả. Hệ trọng hơn, một số dự án chưa thực hiện tốt công tác QLBVR, không tổ chức lực lượng tuần tra bảo vệ, trách nhiệm còn thấp trong việc ngăn chặn kịp thời những hiện tượng lấn chiếm đất lâm nghiệp, phá rừng, khai thác lâm sản trái phép. Thống kê cho thấy, năm 2015, ngành Kiểm lâm huyện và các chủ rừng phát hiện, xử lý 149 vụ vi phạm Luật BV&PTR, tăng 31 vụ so với cùng kỳ năm 2014; diện tích vi phạm gần 109 ngàn m2, tăng gần 40 ngàn m2; lâm sản thiệt hại hơn 624m3 (trong đó, lượng cây ken hơn 432m3), tăng hơn 105m3. Có 80 vụ phá rừng với diện tích gần 90 ngàn m2, lâm sản thiệt hại gần 539m3. Quý I năm 2016 chỉ có 13 vụ vi phạm với diện tích hơn 11,6 ngàn m2, khối lượng gỗ gần 52m3; 2 vụ lấn chiếm đất lâm nghiệp với 3,6 ngàn m2; giảm so với cùng kỳ, nhưng tình hình không thể sao nhãng.
Và còn đó gian nan
Ở Lạc Dương, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đến 75,3% với hơn 3.750 hộ, gần 17.500 nhân khẩu. Nguồn thu nhập chính của họ chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp nên tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng để sản xuất diễn biến hầu hết ở các xã. Nhiều khoảnh rừng bị người dân ken cây bỏ hóa chất để làm chết nhanh để chiếm đất sản xuất, tập trung ở Đạ Sar, Đạ Nhim, Đưng K’Nớ…
Chưa hết, người dân từ 2 huyện Đam Rông và Lâm Hà quay trở về làng cũ, dựng chòi lán phá rừng và lấn chiếm đất lâm nghiệp. Điển hình tại TK 26, 27 xã Đưng K’Nớ có tới 35 chòi lán; TK 111A xã Lát với 24 chòi bạt. Và mới đây nhất, ngày 22/3, việc 16 người dân đại diện cho 41 hộ, hơn 160 khẩu từ thôn Hang Hớt, xã Mê Linh, huyện Lâm Hà quay trở về làng cũ ở Đưng K’Nớ sau hơn 55 năm định cư. Chúng tôi gặp kiểm lâm địa bàn Lơ Mu Ha Thoa, anh cho biết: lúc 13h45 ngày 22/3, phát hiện họ kéo đến tập trung ở Lán Tranh, mang theo lương thực và đồ dùng để chuẩn bị tái lấn chiếm TK 62. Phó Hạt Kiểm lâm Lạc Dương Phạm Văn Phương cung cấp thêm, đây là vùng rừng đã có hàng chục năm, trong đó có 3,3ha đã được trồng thông 3 lá và kim ngân hoa từ năm 2011… Có mặt tại hiện trường ngày 23/3, phóng viên Báo Lâm Đồng trực tiếp trao đổi với ông Rơ Ông Ha Chang - người đại diện cho 41 hộ làm đơn đề nghị trở về làng cũ, ông cho hay: “Chúng tôi sẽ không phá rừng, xin nghe cấp trên, chỉ xin trở lại nơi đất trống thôi”. Tôi giải thích với ông rằng ở đấy không còn đất trống, không có các điều kiện về an sinh như điện, trường, trạm,… về sao được. Ông Ha Chang nói: “Nhưng phải cấp đất cho chúng tôi nơi đang ở bên huyện Lâm Hà chứ chúng tôi đang thiếu đất sản xuất”. Việc thiếu đất sản xuất như thế nào các ngành chức năng và địa phương xác minh cụ thể, sớm tạo điều kiện để bà con ổn định cuộc sống mới tránh được việc di dân tự do về làng cũ. Trước đó, ngày 18/3, Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương Phạm Triều đã ký văn bản trả lời dứt khoát không đồng ý việc bà con Lâm Hà quay về làng cũ vì đây là rừng và đất rừng, đồng thời, đề nghị chính quyền Lâm Hà có biện pháp giúp đỡ bà con ổn định cuộc sống. Trao đổi với Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà Nguyễn Đức Tài, cho biết: Huyện đã làm hồ sơ 19,2ha đất để bố trí cho bà con còn thiếu đất, trong đó có các hộ thôn Hang Hớt và đang tiếp tục quy hoạch khoảng 20ha nữa. Với tổng diện tích đất này cơ bản bố trí đủ cho bà con đang thiếu đất theo định mức quy định. Hiện đang cùng với các ngành, các cấp lập các thủ tục theo luật định. Ngay sau ngày xảy ra vụ việc, Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Minh đã trực tiếp vào giải thích và vận động, đồng thời cam kết sẽ cấp đất cho những hộ đang thiếu đất sản xuất. Sau một thời gian cùng nhiều người vận động, giải thích, toàn bộ người dân Hang Hớt vui vẻ quay trở về Lâm Hà.
Đây là thành công bước đầu của cả tập thể nhiều ngành, nhiều cấp. Nhưng câu chuyện tái lấn chiếm rừng và đất rừng không chỉ người dân Lạc Dương mà cả huyện khác kéo đến chưa thể nói đã có hồi kết, nếu các cấp, ngành và địa phương không triển khai đồng bộ, kịp thời bằng nhiều giải pháp hữu hiệu.
MINH ĐẠO