Rừng là một trong những thế mạnh của huyện Đạ Huoai. Nhưng, trước nạn phá rừng diễn ra ngày càng nghiêm trọng, với thủ đoạn tinh vi và liều lĩnh thì công tác quản lý, bảo vệ rừng được xem là nhiệm vụ xuyên suốt của cả hệ thống chính trị và người dân địa phương.
Rừng là một trong những thế mạnh của huyện Đạ Huoai. Nhưng, trước nạn phá rừng diễn ra ngày càng nghiêm trọng, với thủ đoạn tinh vi và liều lĩnh thì công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) được xem là nhiệm vụ xuyên suốt của cả hệ thống chính trị và người dân địa phương.
|
Các hộ nhận khoán tham gia bảo vệ rừng |
Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát
Đạ Huoai là huyện cửa ngõ của tỉnh và có diện tích rừng khá lớn với hơn 33.483ha; trong đó, có khoảng 24.575ha rừng tự nhiên và 4.672,32ha rừng trồng. Diện tích rừng tự nhiên ở Đạ Huoai tiếp giáp với nhiều địa phương khác trong và ngoài tỉnh nên khá phức tạp. Hiện nay, các khu vực được xác định là điểm “nóng”, gồm: các tiểu khu 576B, 560, 566 (xã Phước Lộc - tiếp giáp với xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm); 570 (xã Đạ Tồn - tiếp giáp huyện Đạ Tẻh); 567, 568B, 580 (xã Đạ M’ri); khu vực Đạ Si (xã Đạ P’Loa) và Tiểu khu 604, đường B2, Đá Bàn (xã Đoàn Kết) tiếp giáp với các huyện Tánh Linh, Đức Linh, tỉnh Bình Thuận. Ông Trần Lưu Dũng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đạ Huoai, cho biết: “Từ việc xác định các điểm “nóng” phá rừng nằm ở các khu vực rừng giáp ranh, trong những năm qua, Hạt đã không ngừng tổ chức tuần tra, truy quét; đồng thời, phối hợp với các chủ rừng cùng lực lượng kiểm lâm tại các huyện, tỉnh có rừng giáp ranh cùng nắm bắt tình hình. Từ đó, Hạt đã tham mưu cho UBND huyện ký các cam kết, giao ước với các địa phương có rừng giáp ranh để cùng chủ động trong việc QLBVR…”.
Để kịp thời ngăn chặn các vụ khai thác, vận chuyển và mua bán lâm sản trái phép, ngoài việc tiến hành công tác tuần tra, truy quét ngay tại rừng thì huyện Đạ Huoai còn chỉ đạo các ngành chức năng chủ động triệt phá các “đầu nậu” chuyên vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép. Các đối tượng là “đầu nậu” rất manh động, hoạt động có tổ chức, sẵn sàng cản đường và thậm chí hành hung cả lực lượng thi hành nhiệm vụ. Để triệt phá được các đối tượng này, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng cùng phối hợp vào cuộc nắm bắt tình hình, quy luật hoạt động của các đối tượng. Trên cơ sở đó, các ngành chức năng đã đồng loạt vào cuộc kiểm tra các điểm tập kết lâm sản trái phép tại các khu dân cư, các bến sông, suối… Trong năm 2015, toàn huyện xảy ra 107 vụ vi phạm lâm luật, giảm 69 vụ so với năm 2014. Cùng với đó, công tác giải tỏa lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép và phòng, chống cháy rừng cũng được thực hiện một cách quyết liệt và hiệu quả.
Phát huy sức mạnh tập thể
Hiện nay, huyện Đạ Huoai đã giao khoán hơn 21.600ha rừng tự nhiên cho 787 hộ (528 hộ dân tộc thiểu số và 259 hộ người Kinh) nhận QLBVR. Trong việc giao khoán, các đơn vị chủ rừng đã ký hợp đồng và thực hiện tốt việc chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) cho các hộ nhận khoán. Hàng năm, các đơn vị chủ rừng chi trả gần 9 tỷ đồng (bình quân 11 triệu đồng/hộ/năm). Trong số diện tích hơn 21.600ha rừng giao khoán, Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Huoai đã giao khoán 14.965ha cho 506 hộ; Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đạ Huoai đã giao khoán 5.387ha cho 237 hộ; Công ty Cổ phần Du lịch Sài Gòn - Mađaguôi đã giao khoán hơn 750ha cho 26 hộ... Ông Võ Đức Trí, Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Huoai, cho biết: “Để phát huy sức mạnh tập thể từ các hộ nhận khoán, đơn vị đã chú trọng thực hiện tốt việc chi trả DVMTR. Tổng kinh phí thực hiện chi trả DVMTR mà đơn vị đã thực hiện từ năm 2010 đến nay là hơn 22,2 tỷ đồng. Qua rà soát cho thấy, ý thức QLBVR mà đặc biệt là công tác tuần tra, kiểm soát các diện tích rừng nhận khoán của người dân không ngừng được nâng cao. Nhờ vậy, trong những năm qua, số vụ xâm hại rừng trên diện tích do đơn vị quản lý đã giảm xuống dưới 20% (năm sau so với năm trước)”.
Tương tự, tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đạ Huoai thì từ khi tiến hành giao khoán rừng đến nay, hàng năm, Công ty đã giải quyết việc làm cho khoảng 400 lao động. Số vụ vi phạm lâm luật trên diện tích rừng của Công ty quản lý luôn giảm. Từ năm 2011 đến nay, Công ty đã giải tỏa, thu hồi được hơn 131ha đất rừng bị phá và 242ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm. Để giải quyết tình hình thiếu đất sản xuất tại địa phương, Công ty đã phối hợp với các ngành chức năng địa phương lập hồ sơ hợp đồng giao khoán 281,69ha đất cho 232 hộ dân. Anh K’Qúi, Tổ trưởng Tổ nhận khoán QLBVR tại xã Phước Lộc, cho hay: “Hiện nay, Tổ chúng tôi có 14 thành viên và tất cả đều ý thức được quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của mình. Hàng tuần, chúng tôi đều phân công nhiệm vụ phối hợp với kiểm lâm và cán bộ lâm nghiệp địa bàn để tiến hành tuần tra, kiểm soát trên diện tích rừng được giao khoán. Khi phát hiện vụ việc phá rừng, chúng tôi đã kịp thời báo cáo với chủ rừng và kiểm lâm để cùng tiến hành ngăn chặn”.
Ông Trịnh Xuân Thủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Đạ Huoai, khẳng định: “Để phát huy các thế mạnh từ rừng và làm tốt công tác giữ rừng, trong thời gian tới, huyện Đạ Huoai sẽ bám sát Chỉ thị 30 - CT/TU ngày 26/3/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Chỉ thị 26 - CT/HU ngày 21/4/2015 của Huyện ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và quản lý lâm sản. Huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng và các xã, thị trấn thực hiện tuyên truyền, phổ biến các quy định của Nhà nước về QLBVR, phòng, chống cháy rừng tới quần chúng nhân dân. Cùng với đó, Hạt Kiểm lâm, Công an huyện, các đơn vị chủ rừng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát xử lý nghiêm các vụ vi phạm lâm luật; đồng thời, điều tra, triệt phá các đối tượng cầm đầu về khai thác, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép; chủ động phối hợp với các địa phương trong và ngoài tỉnh có rừng giáp ranh để cùng phối hợp tuần tra, kiểm soát và truy quét lâm tặc...”.
KHÁNH PHÚC