Trong suốt cuộc đời cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn quan tâm đến giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ. Trước lúc đi xa, Bác còn căn dặn: "…Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khǎn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chǎm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa "hồng" vừa "chuyên".
Trong suốt cuộc đời cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn quan tâm đến giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ. Trước lúc đi xa, Bác còn căn dặn: “…Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khǎn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chǎm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết…”.
|
Thanh niên LLVT tỉnh thắp nến tri ân các Anh hùng liệt sĩ. Ảnh: Văn Báu |
Theo tư tưởng của Bác, “hồng” là người sống có lý tưởng cách mạng, có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống trong sáng; không ngại khó khăn, gian khổ, phấn đấu và sẵn sàng hy sinh vì độc lập dân tộc và CNXH; là “quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng”. “Chuyên” là người có trí tuệ, năng lực chuyên môn; trình độ chính trị, văn hóa, khoa học, kỹ thuật và quân sự. Trong mối quan hệ biện chứng giữa “hồng” và “chuyên”, thì Bác coi “hồng” tức đạo đức cách mạng là gốc. Người cho rằng: “cũng như sông có nguồn thì mới có nước, không có nguồn thì sông cạn, cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Từ quan niệm về “hồng” và “chuyên”, “đức” và “tài”, Hồ Chí Minh yêu cầu việc đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ thành những người thừa kế xây dựng XHCN cần phải chú trọng toàn diện các mặt: đạo đức cách mạng, giác ngộ XHCN, văn hóa, kỹ thuật, lao động và sản xuất. Người nói: “Dạy cũng như học phải biết chú trọng cả tài lẫn đức. Đức là đạo đức cách mạng. Đó là cái gốc, rất là quan trọng”. (HCM, Toàn tập, t.11, tr.329).
Nội dung giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ trở thành những người thừa kế xây dựng CNXH vừa “hồng” vừa “chuyên” theo tư tưởng của Bác được thể hiện cụ thể ở 5 nội dung chủ yếu sau:
Một là coi trọng giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên. Tuổi trẻ bao giờ cũng có rất nhiều ước mơ, hoài bão, luôn hướng tới cái cao đẹp trong cuộc sống và cần có một điểm tựa tinh thần để vượt qua những khó khăn, thực hiện được ước mơ hoài bão của mình; do đó cần quan tâm và có những yêu cầu cụ thể và cơ bản về giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thanh niên. Theo Bác, mục tiêu lý tưởng phấn đấu của thanh niên đó là học tập và học để làm gì? Người trả lời: “Học để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, học để làm cho dân giàu, nước mạnh”.
Hai là quan tâm đến việc giáo dục, bồi dưỡng nâng cao chí khí cách mạng cho tuổi trẻ. Chỉ có lý tưởng cách mạng chưa đủ, mà phải có chí khí thì mới biến lý tưởng đó thành hiện thực, mà theo Bác đó là chí khí cách mạng: trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng, chứ không phải chí khí chung chung.
Ba là giáo dục, bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho thế hệ trẻ để trở thành những người công dân có ích, những người chiến sĩ tốt, những người cách mạng chân chính. Người căn dặn tuổi trẻ phải thật thà, ngay thẳng, chí công vô tư, phải coi tham ô, lãng phí tài sản của Nhà nước, của tập thể, của nhân dân là hành động trộm cắp mà ai cũng thù ghét.
Bốn là giáo dục, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, học vấn, khoa học, kỹ thuật và quân sự là điều kiện cơ bản để tuổi trẻ cống hiến ngày càng nhiều cho Tổ quốc, cho nhân dân và đây cũng là điều kiện để bảo đảm khả năng hoạt động thực tiễn của họ. Hồ Chí Minh rất chú trọng đến mối quan hệ hữu cơ giữa chính trị, học vấn, khoa học - kỹ thuật, lao động sản xuất và quân sự. Chính Người đã giải thích, nếu không học tập, không có trình độ học vấn không thể nào tiếp thu được chuyên môn nghiệp vụ. Nhưng nếu chỉ học tập văn hóa, khoa học - kỹ thuật mà không học tập chính trị thì như người nhắm mắt mà đi.
Năm là văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển. Vì vậy, giáo dục nếp sống, lối sống văn hóa, giáo dục thể chất cho thanh niên là một trong những nhân tố quyết định sự thành công của sự nghiệp cách mạng, sự tiến bộ của xã hội. Từ đó, Bác rất quan tâm đến việc giáo dục nếp sống văn hóa và thể chất cho thế hệ trẻ: “Luyện tập thể dục bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi một người yêu nước... Mỗi một người dân yếu ớt tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân khỏe mạnh tức là cả nước mạnh khỏe”. (HCM, Toàn tập, t.4, tr.212).
Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt chăm lo đến việc giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ, coi đó là vấn đề then chốt trong chiến lược con người. Đoàn TNCSHCM đã phối hợp với các tổ chức xã hội phát động nhiều phong trào hoạt động sôi nổi trên phạm vi cả nước, tiêu biểu là các phong trào: “Thanh niên lập nghiệp”, “Tuổi trẻ giữ nước”, “Thanh niên tình nguyện”... Từ những phong trào này, thế hệ trẻ Việt Nam được trưởng thành về trình độ văn hóa, phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng... Qua đó, khơi dậy những tiềm năng to lớn của tuổi trẻ, tạo cơ hội, môi trường thuận lợi để thế hệ trẻ đóng góp sức lực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bên cạnh những tiến bộ thì mặt trái của cơ chế thị trường cũng đã tác động tiêu cực tới thanh thiếu niên. Nhiều thanh niên mất phương hướng chính trị, mất niềm tin vào lý tưởng Cộng sản chủ nghĩa; một số sống bàng quan, vô trách nhiệm với bản thân gia đình và xã hội, lười lao động, trốn tránh nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, đua đòi lối sống hưởng lạc thực dụng, xa rời những đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc, coi thường kỷ cương pháp luật. Điều này đã và đang trở thành mối lo ngại của toàn xã hội. Rõ ràng, công tác giáo dục, bồi dưỡng thanh thiếu niên trong thời gian qua tuy đã có cố gắng song còn nhiều bất cập, chưa theo kịp những đòi hỏi của tình hình.
Để khắc phục những hạn chế, yếu kém, cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp cần quan tâm hơn nữa công tác giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ theo tư tưởng của Bác. Các đoàn thể, các tổ chức xã hội phải tăng cường phối hợp chặt chẽ trong công tác đấu tranh chống các tệ nạn xã hội; đồng thời nâng cao trách nhiệm giúp đỡ những thanh thiếu niên lầm đường lạc lối, hướng họ vào những hoạt động hữu ích. Đặc biệt cần phát huy hơn nữa vai trò của gia đình trong việc giáo dục con cái; người lớn phải nêu những tấm gương tốt về đạo đức, lối sống cho con em mình, qua đó góp phần hình thành nhân cách tốt cho trẻ ngay từ nhỏ. Mỗi khi đã có nhân cách tốt, có cả đức lẫn tài, thì tuổi trẻ hoàn toàn có thể gánh vác sứ mệnh lịch sử là người chủ tương lai của nước nhà.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về chăm lo đào tạo, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau không chỉ thể hiện tình cảm yêu thương vô bờ bến và sự chăm lo của Bác đối với tuổi trẻ, mà còn là một nội dung quan trọng trong hệ thống các quan điểm lý luận của Người. Việc nghiên cứu, quán triệt quan điểm, tư tưởng của Bác là nhiệm vụ của mọi cấp, mọi ngành, mọi cán bộ, đảng viên và cả xã hội, nhưng trước hết là của thanh niên, học sinh trong các nhà trường. Thanh niên, học sinh cần nhận thức sâu sắc rằng: việc học tập kiến thức khoa học, công nghệ là rất quan trọng nhưng chưa đầy đủ, do đó cũng cần chú trọng học tốt các môn học lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các môn khoa học xã hội khác nhằm trang bị cho mình thế giới quan khoa học và nhân sinh quan cách mạng, chuẩn bị hành trang cần thiết để bước vào đời; để trở thành những con người vừa “Hồng” vừa “Chuyên”, cống hiến được nhiều hơn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.
VĂN NHÂN